Ơn trời, nếu Sony bắt tay với Nintendo, chúng ta đã chẳng có PlayStation như ngày hôm nay

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/12/2016 03:33 PM

Nếu thời kỳ đó, Nintendo bớt tham lam, tiếp tục bắt tay với Sony, thì ngày hôm nay chắc chắn chúng ta sẽ có một làng game khác biệt hoàn toàn!

Hồi năm 2015, cộng đồng game thủ toàn thế giới đã được một phen mở rộng tầm mắt khi SNES PlayStation, cỗ máy chơi game vốn chỉ tồn tại trong "truyền thuyết", được biết bao thế hệ game thủ kể lại cho nhau bằng những câu chuyện truyền miệng. Sony đã từng hợp tác với Nintendo trong một dự án máy chơi game console? Đó là cỗ máy chưa bao giờ được bán ra thị trường, sản xuất chỉ có 200 chiếc, vừa có khe cắm băng game SNES của Nintendo, vừa có ổ CD để đọc đĩa game của Sony.

Chiếc máy được lộ ra, cũng là lúc cộng đồng game thủ nóng lên hơn bao giờ hết với câu chuyện tưởng chừng đã bị lãng quên. Nếu sự hợp tác của Sony và Nintendo thực sự thành công, thì có thể khẳng định chắc chắn làng game sẽ không giống như bây giờ. Chúng ta không có những chiếc máy PlayStation 3 hay 4 với những tựa game đỉnh cao khiến bao thế hệ game thủ thổn thức.

Ơn trời, điều đó đã không xảy ra. Và đây là câu chuyện của hơn 20 năm về trước.

Ngày xửa ngày xưa...

Câu chuyện của SNES PlayStation bắt đầu từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Thời đó, Sony đang phát triển định dạng CD ROM như một thế hệ định dạng lưu trữ mới thay cho VHS và băng cassette. Giờ đây thì ai cũng biết CD, hay thậm chí những loại đĩa sau này như DVD hay Blu-Ray. Thế nhưng thời đó, dung lượng quá khủng của chiếc đĩa cứng với 700MB dữ liệu so với đĩa mềm và băng game đã khiến cho không ít nhà phát triển cũng như các đại gia làng game phải lo lắng.


CD-ROM: Cứu cánh của ngành giải trí những năm 80

CD-ROM: Cứu cánh của ngành giải trí những năm 80

Nintendo không phải cái tên đầu tiên quan tâm tới định dạng CD, nhưng thời đó khi gã khổng lồ ai cũng kính nể lên tiếng, nhiều người đã phải nghĩ rằng, băng game như thời NES đã đến hồi kết.

Trước đây, Sony đã làm việc cùng Nintendo để phát triển chip âm thanh mang tên SPC-700 sử dụng trong máy SNES. Chính đứa con đẻ của Ken Kutaragi này đã khiến hệ máy chơi game của Nintendo sở hữu chất lượng âm thanh vô cùng ấn tượng, ngang ngửa chất lượng sample của đĩa CD. Nếu bạn còn nhớ thì chính Ken Kutaragi là cha đẻ của chiếc máy PlayStation, cỗ máy gắn liền với tuổi thơ biết bao thế hệ.


Máy SNES với chip xử lý âm thanh của Sony (góc dưới bên trái bo mạch)

Máy SNES với chip xử lý âm thanh của Sony (góc dưới bên trái bo mạch)

Khi ấy, Nintendo cũng vô cùng hài lòng khi Kutaragi có dự án tích hợp ổ đĩa CD cho hệ máy SNES. Khi ấy, Nintendo đã tới gặp Sony để bàn chuyện hợp tác làm ăn.

Sony và Nintendo: Liệu có phải cặp đôi hoàn hảo?

Trước khi CD trở thành định dạng hoàn hảo của thập niên 90, tuyệt đại đa số những cỗ máy chơi game đầu thập kỷ đều sử dụng băng game. Thế nhưng, việc sản xuất băng thì đắt đỏ, nhưng dung lượng thì ít. Thời đó tựa game nặng nhất chỉ có... 6MB. Dung lượng càng cao, game càng tốn tiền sản xuất băng, chứ không như bây giờ, game càng bom tấn thì game thủ càng tốn tiền mua ổ cứng mới để tải về.


Bạn có biết: Dung lượng của Super Mario World trên SNES chỉ có chưa đầy 400KB!

Bạn có biết: Dung lượng của Super Mario World trên SNES chỉ có chưa đầy 400KB!

Như vậy, việc các hãng game tìm kiếm cho mình một công cụ lưu trữ rẻ hơn và dung lượng cao hơn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trong thời kỳ đó, định dạng CD gần như hoàn hảo. Mỗi chiếc đĩa lưu được 700 MB dữ liệu, gấp 100 lần những tựa game nặng nhất thời bấy giờ, và cộng đồng cũng dần quay lưng lại với băng cassette để chuyển sang thiết bị lưu trữ thời kỹ thuật số với những đầu đọc mắt laser thay cho băng từ analog từng là lựa chọn số một.

Đối với thị trường game, năm 1988, NEC khởi đầu cuộc đua máy chơi game dùng ổ đĩa CD, với add-on PC Engine. Vài năm sau, đến lượt Sega tung ra cỗ máy console Mega CD. Nintendo dĩ nhiên không muốn bị bỏ mặc ngoài cuộc chơi, nên đã đổ cả đống tiền để phát triển những nền tảng phần cứng chạy được đĩa CD.


Một trong những máy chơi game cho phép người dùng sử dụng đĩa CD đầu tiên thật ra lại là của Sega.

Một trong những máy chơi game cho phép người dùng sử dụng đĩa CD đầu tiên thật ra lại là của Sega.

Trong khi đó về phần Sony, họ hoàn toàn không muốn bỏ qua thị trường máy chơi game gia đình đang bùng nổ thời điểm đó. Tính đến đầu những năm 90, dù là một gã khổng lồ trong ngành công nghiệp điện tử gia đình, thế nhưng ở thị trường game, Sony chẳng tạo ra bất kỳ ấn tượng nào trong mắt người yêu game cả. Khi Nintendo Gameboy ra mắt vào năm 1989, có người kể lại rằng một vị giám đốc cấp cao của Sony đã cáu giận tới mức nói rằng đáng lẽ chiếc máy cầm tay này phải là thiết bị của Sony mới phải!

Khi vẫn còn đang tuyệt vọng trong việc chiếm lấy cho mình một mảnh của chiếc bánh khổng lồ ngon lành mang tên thị trường game, thứ mà Nintendo và Sega đang độc chiếm, Sony đã tung ra không ít sản phẩm thất bại, trong đó có mẫu máy tính MSX và thương hiệu phát hành game mang tên ImageSoft. Và thế là, việc bắt tay với Nintendo trở thành lựa chọn có vẻ hợp lý nhất.


Đáng lẽ cỗ máy này sẽ trở thành hiện thực

Đáng lẽ cỗ máy này sẽ trở thành hiện thực

Nhà sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới, hợp tác cùng nhà sản xuất máy chơi game nổi tiếng nhất, như thế này thì ai mà dám cạnh tranh? Một mối quan hệ đối tác như vậy thì làm thế nào mà thất bại được?

Thế nhưng người tính thì không bằng trời tính, và lý do khiến cho Sony và Nintendo không bao giờ bắt tay được với nhau chính là:

Khi hai cái tôi quá lớn cùng hợp tác

Ngay sau khi SNES ra mắt tại Nhật Bản cuối năm 1990, những họa sỹ đã nhanh chóng tạo ra các bản vẽ tưởng tượng hệ thống chạy đĩa CD mà Sony làm cho Nintendo trông sẽ như thế nào và đăng chúng lên đầy các trang tạp chí về game cũng như công nghệ. Thông số kỹ thuật của chúng thực sự rất ấn tượng, đủ sức đưa nền tảng game 16-bit lên một tầm mới, vượt mặt Sega Mega Drive, sản phẩm đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Nintendo.

Thế nhưng, khi ai ông vua ngồi cạnh nhau, thì đừng mơ đến chuyện một người sẽ nhường kẻ còn lại. Ngay từ những ngày đầu, quan hệ đối tác giữa Sony và Nintendo đã vô cùng gập ghềnh. Một bên là Hiroshi Yamauchi, chủ tịch Nintendo, một người đàn ông chẳng quan tâm gì tới game ngoài việc biến chúng thành những cỗ máy in tiền, nhưng lại chính là kẻ đưa Nintendo từ một hãng sản xuất đồ chơi nhỏ bé trở thành gã khổng lồ đến cả thế giới phải nể sợ.

Ở chiếc ghế còn lại cũng đâu phải là trò đùa? Sony, với những thương hiệu quá khủng khiếp, từ TV Trinitron, loa và thiết bị âm thanh Sony ES, cho đến cả thế hệ máy nghe nhạc di động Walkman huyền thoại. Trong khi Nintendo muốn có lợi nhuận từ kinh nghiệm làm việc với đĩa CD từ Sony, đơn giản vì họ chính là những người sáng tạo ra định dạng này, thì Sony lại muốn mượn tay Nintendo để đặt một chân vào thị trường game đầy béo bở.

Thỏa thuận khi ấy là, Sony sẽ giúp Nintendo tạo ra một đầu đọc dạng add-on để lắp vào dưới đáy SNES, giống y hệt như Sega Mega CD của hệ máy Mega Drive. Định dạng CD sẽ được sử dụng để làm game, và đổi lại, Sony sẽ nhận được tiền bản quyền từ lợi nhuận của mọi nhà phát triển làm game dùng đĩa CD để phát hành.

Thỏa thuận này đương nhiên cũng cấm Sony tự tạo ra một chiếc máy chơi game riêng, tổng hợp cả chiếc máy SNES và ổ đọc CD vào làm một. Trước đây JVC đã qua mặt Sega, tạo ra chiếc máy Wondermega với phần cứng của cả Mega Drive lẫn Mega CD, từ đó đặt chân vào thị trường máy chơi game. Thế nhưng Sony đương nhiên không chịu và vẫn làm ra một thiết bị như vậy. Cỗ máy này gần 30 năm sau được "khai quật" với cái tên SNES PlayStation.

Nintendo: Âm mưu đầy tráo trở

Ở bề ngoài, chúng ta có thể thấy Nintendo là một công ty với bề ngoài thân thiện, với những tựa game vui nhộn hợp với trẻ em trên toàn thế giới. Thế nhưng nếu đã xét tới vấn đề kinh doanh, thì một kẻ đầu óc đầy mưu mô và tài năng kinh doanh như Yamauchi đã biến Nintendo trở thành một tập đoàn tham lam, sẵn sàng làm mọi thứ chỉ vì đồng tiền. Ngay cả những nhà phát triển làm game cho họ cũng bị tước mất một khoản tiền để đổi lấy "tem đảm bảo" độc quyền cho hệ máy NES hay SNES.


Hiroshi Yamauchi

Hiroshi Yamauchi

Những khoản phí mà các hãng game phải nộp cho Nintendo lên tới vài triệu USD mỗi năm. Ở vị thế của một kẻ độc tôn như vậy, việc đòi hỏi họ phải chia một phần thị trường cho Sony là điều có nằm mơ cũng không thể trở thành sự thật, ít nhất là khi họ còn đang hợp tác với nhau.

Về phần Sony, mục đích của họ rất đơn giản và rõ ràng: Bước chân vào thị trường game. Nếu mục tiêu của họ thành công, thì từ một thỏa thuận hợp tác, Nintendo sẽ tự tạo ra một đối thủ cạnh tranh mới! Hệ quả, Yamauchi đến nhờ Philips, tập đoàn điện tử Hà Lan tạo ra ổ đĩa CD cho SNES trong một thỏa thuận bí mật. Trong khi đó, Sony vẫn tập trung hoàn thành kế hoạch của riêng họ.


Bản vẽ thiết kế concept ổ đĩa CD cho SNES

Bản vẽ thiết kế concept ổ đĩa CD cho SNES

Cái bắt tay trở thành cuộc chiến khi cả Sony, Nintendo và Philips tham dự hội chợ điện tử tiêu dùng CES năm 1991. Trong khi Sony hoan hỷ giới thiệu định dạng Super CD, cùng với ổ đĩa dành cho SNES, kỳ vọng rằng nó sẽ là tấm vé đưa họ đến với cuộc chơi lớn của các ông trùm console, thì ngay ngày hôm sau, Nintendo lại đạp đổ hết mọi nỗ lực của Sony, khi chính thức công bố thỏa thuận với Philips mà chúng ta đã biết.

Khi đó, Nintendo nghĩ rằng việc trở mặt sẽ khiến Sony biết được vị thế của họ ở đâu, giống như những lần trước đây với những đối tác phát hành game. Họ nghĩ điều này được tính toán rất cẩn thận và tiếp tục biến Nintendo trở thành ông trùm ở bị trí độc tôn. Tiếc thay, họ nhầm. Nintendo đã quên mất một điều rằng Sony thời đó cũng cực kỳ bá đạo (đến bây giờ vẫn như vậy với nhiều ngành sản xuất thiết bị như TV, đồ âm thanh và máy ảnh).


Sony vẫn to và vẫn khỏe, không như Nintendo tưởng tượng

Sony vẫn to và vẫn khỏe, không như Nintendo tưởng tượng

Bất chấp việc bị trở mặt, CES 1991 vẫn chứng kiến Sony tiếp tục ký một thỏa thuận với Nintendo. Giờ đây khi đã bớt tin tưởng lẫn nhau, cả hai đồng ý rằng chiếc máy SNES PlayStation vẫn sẽ được hoàn thiện và bán ra thị trường, nhưng lợi nhuận sẽ đổ vào túi của Nintendo nhiều hơn. Chính trong thời kỳ này những mẫu máy chơi game tưởng chừng chỉ tồn tại trong truyền thuyết đã được sản xuất các bản mẫu.

Đến năm 1992, mọi thứ sụp đổ hoàn toàn. Sony nhận ra thỏa thuận với Nintendo chỉ là nước cờ để ngăn không cho họ tham gia thị trường máy chơi game. Bực tức vì tiến độ quá chậm chạp, Sony dừng hợp tác với Nintendo. Thậm chí cả thỏa thuận giữa gã khổng lồ làng game với Philips cũng bị xóa bỏ, dẫn tới việc hãng điện tử Hà Lan tung ra chiếc máy CDi, nhưng không được đón nhận.

Trả thù

Đến lúc này, Ken Kutaragi bắt đầu lên tiếng. Trưởng dự án PlayStation cho rằng, tất cả những khoản vốn đầu tư, những công sức mồ hôi xương máu của các kỹ sư Sony không nên để đổ sông đổ bể như vậy. Sony nên tiếp tục tiến vào thị trường game mà không cần nhờ tới sự trợ giúp của Nintendo.


Ken Kutaragi

Ken Kutaragi

Cũng chính trong thời điểm này, Ken cho rằng, nền tảng 16 bit đã quá lỗi thời, và PlayStation khi đó còn chưa thành hình nên được phát triển với CPU 32 bit, cùng với phần cứng được phát triển riêng để chạy game 3D theo thời gian thực, điều mà rất ít tựa game thời 16 bit có thể làm được.

Thế nhưng khi ấy, ban lãnh đạo Sony đã quá mệt mỏi với nhiều năm trời chạy theo Nintendo mà không có kết quả. Họ từ chối đổ tiền vào dự án PlayStation thêm một lần nữa. Đến lúc này, Ken Kutaragi mới tung chiêu cuối, đánh trúng chỗ ngứa của những vị giám đốc tập đoàn khổng lồ: Họ không chỉ tạo ra PlayStation để bước vào thế giới game, mà còn phục vụ một mục đích quan trọng, đó là trả thù Nintendo!


Bản vẽ thiết kế PlayStation

Bản vẽ thiết kế PlayStation

Phần còn lại của câu chuyện giờ đây đã là lịch sử thi thoảng chúng ta lại đem ra nhắc lại. PlayStation, cỗ máy chơi game của riêng Sony, không dính dáng một chút gì đến SNES được tugn ra cuối năm 1994. Khi ấy Nintendo SNES cũng đang bước vào những năm cuối vòng đời. Phần cứng của Sony mạnh hơn nhiều, cho phép chơi những game 3D đầy ấn tượng giữa thời điểm 2D vẫn còn là thứ có thể chấp nhận được. Ngay lập tức, các nhà phát triển và phát hành game đổ xô vào làm game cho PlayStation, và nó trở thành cỗ máy console đầu tiên bán được hơn 100 triệu máy trên toàn thế giới.

PlayStation ra đời thậm chí còn khiến Sony nhận ra, họ cần phải khai thác chính thương hiệu này.


Nếu Sony không cơm lành canh ngọt với Nintendo, giờ đây liệu chúng ta có PS4 hay không?

Nếu Sony không "cơm lành canh ngọt" với Nintendo, giờ đây liệu chúng ta có PS4 hay không?

Về phần Nintendo, họ vẫn tiếp tục với dự án Nintendo 64, thế nhưng việc ra mắt sau đã khiến họ chịu rất nhiều thiệt thòi khi ai ai cũng làm game cho PlayStation, từ đó đem về cả núi tiền cho Sony.

Chính câu chuyện của Sony đã trở thành nền tảng cho Microsoft vào năm 2001 tung ra cỗ máy Xbox, một canh bạc tượng tự như PlayStation thời bấy giờ. Và nó cũng một lần nữa thay đổi toàn bộ cục diện thị trường game. Giờ đây không phải Nintendo, mà trận chiến giữa hai ông lớn ngành game đã trở thành cuộc đua song mã giữa Sony và Microsoft.

Và đó chính là câu chuyện của một chiếc máy chơi game dù không bao giờ được ra đời nhưng lại có sức ảnh hưởng lớn tới mức thay đổi tất cả những gì chúng ta biết về thị trường game. Nếu thời kỳ đó, Nintendo bớt tham lam, tiếp tục bắt tay với Sony, thì ngày hôm nay chắc chắn chúng ta sẽ có một làng game khác biệt hoàn toàn!