Chào mọi người, tôi là Hùng Lý.
Có thể một số người ở những group game offline của Việt Nam sẽ quen thuộc với tên của tôi hơn mỗi khi nhắc đến The Witcher III: Wild Hunt. Nhưng lần này đến với GameK thì tôi sẽ viết lên nỗi lòng với một game hoàn toàn khác. Nếu nói không ngoa, đây chính là “Người tình thời học trò” của tôi.
Để chúc mừng một tựa game tuyệt vời nay đã có mặt ở trên Steam với định dạng HD, tôi muốn chia sẻ với mọi người về game đã làm tôi say đắm trong một thời gian dài ở những năm cấp 3, và cảm thấy may mắn rằng mình đã vẫn có thể đậu Đại học dù đã ở bên nó cả ngày lẫn đêm. Một huyền thoại “suýt bị bỏ qua” của PlayStation 2, là hiện thân của nghệ thuật, là tượng đài của Capcom và Clover Studio, Okami.
Okami là một tựa game cực kỳ độc và lạ trên gần như mọi phương diện, một sự độc lạ mà đến ngày nay cũng ít có game nào có thể so sánh được. Bối cảnh của Okami có lẽ không hề quá xa lạ đối với người Việt Nam, đó là những thần thoại và truyện cổ tích của xứ sở Phù Tang. Vốn dĩ là một trong những học sinh đầu tiên của Thành Phố Hồ Chí Minh tham gia thí điểm việc dạy tiếng Nhật ở cấp trung học, và khi học một ngôn ngữ bạn sẽ học được cả văn hóa của nó, nên lúc chìm đắm vào thế giới của Okami cho tôi cảm giác giống như mình được về một ngôi nhà thứ hai vậy. Một ngôi nhà nên thơ hơn, lạ lẫm mà thân quen, và đẹp hơn cả thế giới thực nữa là khác.
Cốt truyện của game lẫn các câu thoại thoạt qua có vẻ khá là trẻ con (đúng rồi đây là một câu chuyện cổ tích mà) nhưng khi càng dấn sâu vào thì sẽ lại càng thấy rằng những thứ trẻ con đôi khi lại dạy cho những kẻ già đầu một bài học rất sâu sắc. Một thế kỷ trước, cả Nhật Bản phải chịu đựng sự tàn ác của một con ác quỷ là Mãng xà tám đầu Orochi, người anh hùng Nagi của làng Kamiki cùng chú sói thần Shiranui đã hợp sức đánh bại Orochi và phong ấn con quái vật trong Moon Cave, nhưng đổi lại Shiranui đã hy sinh và được tạc tượng tại ngôi làng Kamiki.
Rồi một trăm năm trôi qua, một gã ngu ngốc nào đó đã tháo phong ấn, Nhật Bản lại chìm trong bóng tối của sự tàn ác khi Orochi trở lại, bức tượng Shiranui giờ đây được “hồi sinh” trở thành một chú sói cái mang tên của Nữ thần mặt trời là Amaterasu. Amaterasu cùng người bạn đồng hành là hoạ sĩ tí hon Issun sẽ lên đường trong một cuộc phiêu lưu tìm lại những năng lực đã mất của Shiranui, đánh bại cái ác và một lần nữa soi sáng cả xứ sở hoa anh đào. Đó là lúc chúng ta bắt đầu tiến vào thế giới mở tuyệt đẹp của Okami.
Các nhân vật của Okami tuy có tạo hình rất… hoạt hoạ nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ làm cho họ không chân thực và sống động. Qua những câu thoại và ngôn ngữ cơ thể rất hài hước, chúng ta sẽ ấn tượng về họ rất nhiều, mặc cho họ có là nhân vật quan trọng hay chỉ xuất hiện một tí rồi thôi, dần dà chúng ta sẽ đầu tư rất nhiều cảm xúc dành cho họ.
Cách câu chuyện của Okami tiếp diễn cũng rất biến hoá, rất là “trên trời rơi xuống” khi những tình huống nhân văn cảm động sẽ xuất hiện bất ngờ làm chúng ta càng quyết tâm chinh phục nhiệm vụ hơn để có thể thấy thêm những điều như vậy. Ngoài ra, những nhân vật quen thuộc như Nàng công chúa ống tre, Taro đi xuống đáy biển cũng xuất hiện và bạn sẽ có thể hồi tưởng cả một bầu trời ký ức tuổi thơ nếu bạn từng được cô giáo đọc cho nghe những truyện cổ tích ấy, hay đơn giản hơn là vô tình tìm hiểu qua những quyển truyện tranh Nhật Bản có tính giáo dục như Doraemon chẳng hạn.
Okami có một nền đồ hoạ rất kỳ lạ, đó là sử dụng cell shading để có thể tạo ra những nét vẽ trên nền tranh mực sumi-e cổ điển của nghệ thuật Nhật Bản, mà vốn dĩ là một cách để che đi những khuyết điểm mà PlayStation 2 ngày ấy không thể thực hiện được. Một bước đi mạo hiểm, nhưng hoàn toàn xứng đáng, vì thế giới của Okami đẹp như tranh vẽ hay thậm chí còn hơn cả vậy. Còn nhớ mỗi lần chúng ta hồi sinh một cây sapling để mở bản đồ khu vực, đoạn cutscene với những cánh hoa anh đào tung bay dần dần xoá đi bóng tối u ám hiện ra những cánh đồng, những đồi núi và cả những cơn sóng biển dồn dập đẹp đến mức tôi chỉ muốn bỏ cả tay cầm mà nhìn ngắm mãi không thôi.
Phụ hoạ chung với những hình ảnh đẹp mắt đó là những bản soundtrack đậm phong cách truyền thống Nhật Bản- cái chất đặc trưng trong những tiếng trống và tiếng sáo, khi thì mạnh mẽ khi thì ngân nga, lúc lại ma mị ấy. Cả hai thứ hình và thanh hoà quyện với nhau tạo ra cho tôi một cảm giác tuyệt vời khi điều khiển Amaterasu vi vu khắp nước Nhật. Tuy nhiên mỉa mai chút là chính âm thanh cũng tỏ ra hơi khó chịu chút, vì các nhân vật của Okami không hề có giọng lồng tiếng cụ thể mà chỉ là những tiếng “éo éo” còn khó nghe hơn cả The Sims, nhưng đó lại là một sự khó chịu khá là đáng yêu.
Gameplay của Okami cũng vô cùng nghệ thuật, theo nghĩa đen. Ngoại trừ cơ chế chiến đấu khá cơ bản với ba loại vũ khí khác nhau, điều quan trọng nhất để có thể chiến thắng lẫn khám phá triệt để cả Nhật Bản đó chính là vẽ. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng khi đã đụng đến và ghi nhớ rồi thì nó gây nghiện vô cùng cho tôi- vốn là một tay thích vẽ vời. Mỗi một nét vẽ cụ thể lại là một năng lực khác nhau của Amaterasu, gọi là Celestial Brush, và đây chính là mục đích chính của cả game khi phải tìm và nâng cấp những nét vẽ của Amaterasu. Nếu sử dụng thuần thục, Amaterasu hay Ammy của chúng ta chẳng hề là một nàng sói hiền lành gì đâu.
Cả cách chiến đấu cũng sẽ cho chúng ta cảm giác thử thách thật sự khi luôn có chấm điểm sau mỗi trận đấu về mặt thời gian và cả damage, thế nên hãy nhanh tay lên, khéo tay lên để tốc chiến tốc thắng bằng những đòn đánh mạnh mẽ và những nét bút tinh tế. Cũng vì cái cơ chế này mà tôi còn nhớ mình try hard đến độ gần như không mất một tích tắc nào để suy nghĩ vì đã nhớ hết toàn bộ hơn 12 nét vẽ và mỗi trận đấu diễn ra không quá 10 giây, và cũng vì đó mà tôi cứ mãi loanh quanh khắp Nhật Bản suốt hàng tháng trời mà có khi chẳng cho câu chuyện của Ammy tiếp diễn gì cả.
Tôi thật sự không muốn spoil lắm, mặc cho tựa game này đã 12 năm tuổi tính đến nay, nhưng Okami có một quả lừa ngoạn mục đến chóng mặt làm tôi khi ấy phải reo lên vì vừa tức vừa mừng. Đó là vầy, cả hơn 20 tiếng game luôn luôn làm cho chúng ta tập trung vào một mục tiêu duy nhất: Đánh bại Orochi là sẽ giải thoát cả Nhật Bản.
Bạn và Susanoo sẽ đánh bại Orochi, một đoạn cutscene ý nghĩa được phát lên, bạn cũng cảm thấy hả dạ và một chút tiếc nuối là game đã hết rồi… Và bùm, Issun lên tiếng nước Nhật vẫn còn bị bao trùm bởi bóng tối, hãy tiến lên đến những nơi khác nào Ammy… Và bạn vỡ oà, game vẫn chưa kết thúc. Thật ra Okami dài đến hơn 40 tiếng nếu bạn có ý định hoàn thành 100%, không cần phải nói tôi đã vui mừng thế nào khi nhận ra điều đó. Để rồi đến khi game thật sự kết thúc với việc Nữ thần Mặt trời Amaterasu đối đầu với Vua bóng tối Yami, tôi vẫn còn quyến luyến không buông.
Okami đã trở lại với tôi khi Steam phát hành Okami HD cuối năm ngoái, và nàng vẫn như ngày ấy, thậm chí đẹp đẽ và thơ mộng hơn bao giờ hết nhưng vẫn mang đầy đủ những giá trị đã làm tôi trót yêu nàng say đắm. Nếu có thể, mọi người hãy xách tay cầm hay bàn phím và đi cùng tôi nhé, cùng tôi trở lại với Nhật Bản kỳ diệu trên nền nhạc du dương với nàng sói Ammy dũng mãnh.
Đây là Hùng Lý, và như thường lệ, cảm ơn các bạn.
Để tham gia cuộc thi Cây Bút Vàng, các bạn hãy gửi bài viết về hòm thư info@gamek.vn.
Thông tin chi tiết xem tại ĐÂY.
Cùng đọc các bài dự thi khác của Cây bút vàng 2018 tại ĐÂY.