Ở nước ngoài giải game mãi mới được lên TV, còn Trung Quốc thì sắp có kênh riêng chỉ phát Liên Minh Huyền Thoại mà thôi

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/05/2017 05:42 AM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Chưa một quốc gia nào trên thế giới có được một kênh truyền hình riêng chỉ chiếu các giải đấu game như ESPTV của Tencent

Trung tuần tháng trước, Tencent đã chính thức công bố WeGame, nền tảng phân phối game của gã khổng lồ của ngành công nghệ Trung Quốc sẽ chính thức được phát hành ra thế giới và cạnh tranh trực tiếp với Steam. Thế nhưng không chỉ dừng lại ở đó, trong cuộc họp báo mới đây tại thị trường Trung Quốc, Tencent đã công bố bước đi tiếp theo trong chiến dịch xã hội hóa thể thao điện tử, đưa nó đến với cộng đồng đại chúng nhiều hơn: Lập ra một kênh truyền hình chỉ phát sóng eSports và các chương trình liên quan tới thể thao điện tử tại quốc gia tỷ dân.

Cụ thể hơn, Tencent sẽ bắt tay với ba nhà phát triển game và một đài truyền hình Trung Quốc để tạo ra kênh truyền hình như họ mong muốn. Những kế hoạch dành cho kênh TV này đã được công bố trong cuộc họp báo diễn ra vào cuối tuần trước, với một số nhà báo tại đất nước này chia sẻ thông tin thông qua Twitter.

Hai trong số ba nhà phát triển game kể trên chính là Riot Games và Perfect World. Trong khi đó, IPTV sẽ là đối tác phát sóng của Tencent để triển khai kênh truyền hình mang tên ESPTV trong tương lai gần:

Cùng với đó, họ cũng tiết lộ kế hoạch tạo ra một giải đấu LPL lớn hơn cho cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại tại Trung Quốc, dần dần xóa bỏ các giải đấu với từng cấp bậc theo kiểu "lên hạng, xuống hạng" như hiện nay. Đến năm 2018, Master Series sẽ có tổng cộng 14 đội tham gia, với mục tiêu nâng lên thành 20 đội trong tương lai gần, với các giải đấu diễn ra tại khắp Trung Quốc.

Chiến lược này của Tencent, theo những phân tích của chuyên gia tại Games Industry, có phần giống với những gì Blizzard đang ấp ủ với Overwatch, với việc hỗ trợ các giải đấu địa phương chứ không xếp hạng các đội tuyển game chuyên nghiệp với những cấp bậc khác nhau giống như các giải đấu bóng đá hay giống format giải đấu LMHT hiện tại.

Theo Gio Hunt, phó chủ tịch phụ trách hoạt động tập đoàn tại Blizzard, chiến lược này không chỉ hướng đến sự ổn định về tài chính cho cả game thủ lẫn ban lãnh đạo các đội tuyển, mà còn cho phép cả các nhà tài trợ lẫn báo giới cảm thấy tự tin hơn vào tương lai của thị trường thể thao điện tử. Và nếu những bước đi của Tencent thành công, thì có thể khẳng định, các cường quốc về eSports khác trên thế giới sẽ phải theo sau Trung Quốc khi chưa một quốc gia nào trên thế giới có được một kênh truyền hình riêng chỉ chiếu các giải đấu game như ESPTV.

Dĩ nhiên trong thời gian qua đã có nhiều thay đổi, ví dụ giải đấu Eleague Major do Turner Sports và đài truyền hình TBS của Mỹ tổ chức, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 triệu USD đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của khán giả theo dõi, thậm chí nó cũng đã được chiếu trực tiếp trên truyền hình, thế nhưng đó mới chỉ là một trong những ví dụ rất ít ỏi của việc thể thao điện tử được hoan nghênh như một bộ môn thể thao truyền thống và trình chiếu trên truyền hình.

Trong khi đó, tính đến thời điểm hiện tại, Steam, nền tảng phân phối game nổi tiếng nhất thế giới đang sở hữu hơn 125 triệu tài khoản, với kỷ lục là khoảng 15 triệu người cùng sử dụng dịch vụ, cùng log in vào tài khoản Steam để chơi game cùng lúc. Thế nhưng sau khi nghe đến cái tên này, chắc chắn bạn sẽ phải nghĩ lại, vì xét đến số lượng tài khoản đăng ký phần mềm phân phối game này, thì Steam thực sự cũng chỉ là "muỗi" mà thôi.

Đó chính là WeGame, platform game của Tencent, tập đoàn internet mạnh nhất Trung Quốc hiện tại. Tính đến thời điểm hiện tại, WeGame đang sở hữu 200 triệu người chơi còn đang hoạt động, chứ không phải tổng số tài khoản đã được đăng ký trên cơ sở dữ liệu của Tencent. So sánh với hơn 125 triệu tài khoản Steam thì đây mới chính là "trùm cuối".

Và bất ngờ hơn cả, mới đây nhiều thông tin chính thức đã cho biết Tencent đang có kế hoạch đưa WeGame ra thị trường quốc tế chứ không chỉ còn làm mưa làm gió tại thị trường quê nhà Trung Quốc nữa. Thực tế cho thấy, WeGame là nền tảng cực kỳ thành công tại Trung Quốc nhờ vào Liên Minh Huyền Thoại, tựa game do chính Tencent phát hành tại thị trường game tỷ dân. Chính nhờ MOBA được yêu thích và có hàng trăm triệu người chơi đã biến phần mềm phân phối game của Tencent trở nên vô cùng ăn khách và có được nền tảng rất tốt để hạ bệ Steam của Gabe Newell.