Vượt qua giới hạn của những tác phẩm giải trí thông thường, tiểu thuyết của Kim Dung còn ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc về nhân sinh quan và triết học. Không phải ngẫu nhiều mà Nhà xuất bản giáo dục nhân dân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đưa tác phẩm Thiên long Bát Bộ vào sách giáo khoa lớp 12. Bộ Giáo dục Singapore cũng làm như vậy đối với các trường cấp 2, 3 sử dụng tiếng Trung Quốc.
Sau đây, mời các bạn đến với những câu nói kinh điển trong tiểu thuyết Kim Dung, khiến chúng ta phải ngẫm nghĩ và thấm thía. Dù đúng dù sai, kết luận đều nằm ở mỗi người.
Ân Tố Tố dặn Trương Vô Kỵ trước khi chết (Ỷ Thiên Đồ Long Ký 2008)
"Con hãy nhớ lấy, sau này con lớn nhất định không được tin lời nữ nhân. Nữ nhân càng xinh đẹp thì càng dễ lừa người", Ân Tố Tố - Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Đây là câu nói cuối cùng trước khi chết mà Ân Tố Tố đã dặn con trai mình là Trương Vô Kỵ. Không hiểu Vô Kỵ đã nghe và nhớ được bao phần của lời dặn dò này, chỉ biết rằng trong suốt cuộc hành trình của mình, Trương giáo chủ đã không ít lần bị mỹ nữ lừa gạt.
"Làm quan chỉ được nói dối người trên, chứ không lừa gạt kẻ dưới", Vi Tiểu Bảo – Lộc Đỉnh Ký. Đây là một quan điểm sống, một kim chỉ nam đã giúp Vi Tiểu Bảo từ một kẻ vô lại thấp bé vươn lên tầm nhất đại công khanh, gia tướng.
"Cúc cung tận tụy, chết cũng cam lòng", Quách Tĩnh – Thần Điêu Hiệp Lữ. Nguồn gốc của câu nói này xuất phát từ tờ Xuất sư biểu của Gia Cát Lượng, thời Tam Quốc. Trước lần Bắc phạt lần thứ nhất, Gia Cát Lượng đã dâng biểu lên vua Thục lúc bấy giờ là Lưu Thiện. Trong biểu có đoạn: "Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi". Là người nắm rõ thời thế, Gia Cát Lượng biết rằng cơ hội thành công là không nhiều tuy nhiên ông vẫn sẽ cố gắng đến hơi thở cuối cùng. Mượn câu nói của Gia Cát Lượng, Quách Tĩnh nói với Dương Quá: "Ta cùng Quách bá mẫu của ngươi khi đàm luận về việc liệu có giữ được thành Tương Dương hay không, cũng chỉ biết tám chữ Cúc cung tận tụy, chết cũng cam lòng"
"Trước mặt cũng có mưa lớn, chạy đi đâu mà không ướt như nhau?", Quách Tĩnh – Anh Hùng Xạ Điêu. Câu nói tưởng có phần ngô nghê của Quách Tĩnh nhưng trong đó lại hàm chứa một triết lý vô cùng sâu xa. Nếu là phúc thì không phải họa, là họa thì không tránh được. Vì vậy, hãy bình thản và điềm tĩnh để đối đầu với mọi việc.
"Hễ ai không chung tình với quá khứ thì sẽ không chung tình với hiện tại và tương lai", Nhậm Doanh Doanh – Tiếu Ngọa Giang Hồ. Một quan điểm tình yêu hết sức độc đáo và khúc triết của Nhậm Doanh Doanh (và có thể là của cả Kim Dung nữa). Chình vì suy nghĩ như vậy nên Nhậm Doanh Doanh luôn có một lòng vị tha hết mực với Lệnh Hồ Xung (dẫu trong lòng anh ta luôn phảng phất hình bóng của người thanh mai trúc mã Nhạc Linh San).
Hình ảnh mang tính minh họa
"Đạo trời là lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu, bởi vậy hư có thể thắng thực, không đủ thắng được có thừa", Cửu Âm Chân Kinh. Quan điểm này là sự hòa trộn hoàn hảo giữa triết lý Phật gia và Đạo gia. Kim Dung luôn cho rằng không có gì là tuyệt đối cả. Mọi vật trên thế gian đều có điểm yếu và cách khắc trị.
"Ta không tin thứ lễ giáo ăn thịt người không nhả xương ấy thì người ta bảo ta là tà ma ngoại đạo", Hoàng Dược Sư – Anh Hùng Xạ Điêu. Câu nói thể hiện sự căm phẫn của Hoàng đảo chủ với những thứ lễ giáo phong kiến lạc hậu. Là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong tiểu thuyết Kim Dung, chất chính hay tà trong con người của Hoàng Dược Sư thật sự vẫn còn là điều bí ẩn.