- Theo Trí Thức Trẻ | 12/11/2017 0:00 AM
Giờ đây khi đã có quá nhiều tin tức, hay những câu chữ mà người khác viết ra để lên án một bộ phận không nhỏ những game thủ Việt với thói cư xử trẻ trâu đang "làm mưa làm gió", đầu độc hết những cộng đồng game thủ này đến game online khác, cả trong và ngoài nước, thì bản thân tôi thực sự nghĩ đã đến lúc tạm ngừng nói về họ, những con sâu làm rầu nồi canh trong bối cảnh nồi canh thì bé mà "sâu" thì quá nhiều, soi đến đâu cũng thấy. Cách hành xử trong game có văn minh hay không giờ là việc bạn có muốn trở thành một người văn hóa, điềm đạm hay không, chứ không phải cứ viết nhiều, đọc nhiều là tâm lý thích thể hiện của nhiều game thủ sẽ thay đổi.
Bên cạnh lối cư xử "trẻ trâu", thì trong khoảng thời gian trà dư tửu hậu này của chúng ta, tôi lại muốn nói đến một chủ đề khác hoàn toàn. Nghe qua thì có vẻ liên quan vì dù sao nó cũng rất gần với lối cư xử thiếu văn hóa, nhưng khi cả những người trưởng thành lẫn những cậu bé học cấp ba cùng dính phải tình trạng này, thì việc dùng từ "trẻ trâu" chắc chắn không còn chính xác nữa. Đó chính là căn bệnh thích chê bai, bỉ bôi của không ít kẻ trên mạng internet, những "anh hùng bàn phím" đích thực.
Căn bệnh này, đáng tiếc thay, lại chính là "thành quả" của chính thói quen bầy đàn của một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng Việt Nam, những kẻ chẳng còn chút chính kiến của cá nhân, mà thay vào đó là gió chiều nào theo chiều ấy, mục đích để hùa theo những ý kiến "có vẻ như" được nhiều người đồng tình.
Chê từ đồng đội trong game...
Thật khó để hiểu rằng những người chơi này nghĩ gì, vì đi chê người khác cũng đâu giúp cho họ chiến thắng được, và tất nhiên những người này đều rất bị ghét trong cộng đồng game thủ. Trên thực tế, một điều thường thấy rằng những game thủ hay chê người khác thực ra trình độ đều không cao, nhưng họ lại có sở thích khó hiểu là đi... chê bai người khác.
Trong mắt họ, không ai giỏi bằng chính bản thân họ trong game. Ấy vậy mới có câu, trong những game như DOTA 2 hay LMHT, "thua tại đồng đội, thắng là tại mình". Kỳ thực, những game đồng đội cũng rất khó để đánh giá xem lỗi sai xuất phát từ ai. Có thể từ một support quên cắm mắt, hay initiator đứng sai vị trí, nhưng không bao giờ có chuyện lỗi chỉ xuất phát từ những người đồng đội. Chỉ cần bỏ chút thời gian xem lại replay, bạn hoàn toàn có thể thốt lên: "Ơ kìa sao mình lại đánh thế này nhỉ?"
Việc chơi game gây bực mình là điều quá đỗi bình thường, thế nhưng không ai muốn nhận mình sai. Đó là lúc cái tôi lên tiếng. Còn việc "cái tôi" có biến thành căn bệnh thích blame đồng đội hay không lại nằm ở chính ý thức của người chơi.
...chê đến cả game lẫn những dự án của người Việt
Chẳng riêng gì game thủ, bệnh thích chê bai là một trong những thói quen khiến cho các nhà phát hành nhiều khi chẳng biết đường nào mà lần khi tìm ra những phương án để chiều lòng game thủ Việt, từ những event trong game đến cả việc chọn game để phát hành tại thị trường trong nước. Lâu nay, game online trong nước đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc hay cốt truyện kiếm hiệp luôn nhận được những đánh giá không mấy tốt đẹp từ các game thủ trong nước.
Họ cho rằng đây là những game kém chất lượng, lên án kịch liệt nội dung cũng như cách chơi thiếu sáng tạo. Thế nhưng, sự thật là có không ít người chơi vừa mới "đả kích" xong lại thoải mái đăng nhập game mà không hề cảm thấy ngại ngùng. Đã từng có rất nhiều bài viết về thực trạng này tại Việt Nam, đi kèm với đó là những lý do cho thói quen kỳ quặc này.
Việc game thủ thường phàn nàn, la ó NPH về các tính năng mới trong game đã trở thành căn bệnh cố hữu của giới dân cày Việt. Trước khi tựa game của mình nhận được những upgrade, cải tiến từ NPH, nhiều game thủ thưởng tỏ thái độ không mặn mà và thậm chí còn phê phán, chê bai và yêu cầu dỡ bỏ chúng để tránh gây ra tình trạng mất cân bằng trong game.
Thế nhưng, khi những tính năng mới này được NPH đưa ra thì có lẽ, chính những người trước kia hay phàn nàn lại là những kẻ tích cực nhất tham gia vào đó. Mặc dù ngoài miệng vẫn là những lời phê phán NPH như cũ.
Rồi cả các sản phẩm "made in Việt Nam" cũng chẳng thoát
Thích chê bai, thích dìm hàng đã trở thành một trong những căn bệnh trầm kha chưa tìm được đâu ra thuốc chữa của nhiều game thủ Việt. Chưa cần tìm hiểu thông tin, họ có thể cất lời chê bai và quay lưng lại với những sản phẩm do người Việt tạo ra, không chỉ riêng những bản game Việt hóa mà còn là cả những sản phẩm do bàn tay người Việt tạo ra.
Thế nhưng ở một chừng mực nhất định, “kỳ vọng” của một bộ phận game thủ chúng ta lại có thể được mô tả bằng cụm từ “cuồng vọng”, khi những mong chờ của game thủ với một game made in Vietnam lại đi quá giới hạn khả năng mà làng game Việt có thể đáp ứng. Đáng buồn ở mỗi chỗ, việc chê bai này có tính phong trào và bầy đàn rất cao. Tính chất này của một số người chơi game online ở Việt Nam cũng được biểu hiện rất rõ rệt trong nhiều cuộc tranh cãi về game trên các diễn đàn hay trang tin. Nhiều người không có mấy liên quan, hoặc chưa rõ đầu cua tai nheo đã hoàn toàn có thể lên tiếng tham gia cuộc tranh cãi.
Trước đây từng có một kiểu logic trong cuộc tranh luận như thế này: "Bạn có làm được giống họ không mà lên tiếng chê?". Tôi tuyệt đối phản đối kiểu tranh cãi này. Bạn luôn có quyền đánh giá những dự án, những sản phẩm mà bạn bỏ tiền ra để sở hữu. Ấy mới có những nhà phê bình, những người đánh giá sản phẩm trong mọi lĩnh vực.
Tuy nhiên giờ đây ở Việt Nam có vẻ như bất kỳ ai có mạng internet là đều trở thành nhà phê bình "sâu sắc". Điều đáng sợ không phải là những feedback mà họ đưa ra để hoàn thiện sản phẩm, mà thay vào đó, hầu hết chỉ là những lời buông ra để chê bai những dự án, những sản phẩm của người Việt thực hiện.
Thưa các bạn độc giả, trong khi chúng ta vẫn còn cố gắng để những sản phẩm của người Việt Nam có được vị thế trên tầm thế giới, cũng như chiếm lấy lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam, thì vẫn có một bộ phận không hề nhỏ những kẻ ngồi phía sau chiếc bàn phím đưa ra những ý kiến chủ quan vừa chẳng có giá trị xây dựng, lại vừa khiến cho không ít những đơn vị làm các sản phẩm mới mẻ, độc đáo tại Việt Nam cảm thấy chán nản, mất đi niềm tin vào những gì họ đang thực hiện, bất chấp việc những sản phẩm đó đang thu hút được đông đảo cộng đồng quốc tế đón nhận và quan tâm.
Các bạn ơi, liệu rằng tình trạng này còn tiếp diễn tới đâu? Đến khi nào chúng ta mới biết trân trọng chính những công sức của đồng bào mình, của những người chung đam mê với mình?