Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần?

Yasha  - Theo Helino | 06/01/2020 03:59 PM

Một trong những điều gây nhức nhối nhất trong giới cosplayer chính là "body shaming" và "khẩu nghiệp".

Kể từ khi mới xuất hiện tại Việt Nam vào những năm 2006 - 2007, văn hóa cosplay Việt Nam đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cái nhìn của truyền thông và các bậc lớn tuổi đã bớt khắt khe hơn, số lượng bạn trẻ đam mê loại hình nghệ thuật này cũng tăng lên, sự đầu tư cho nó ngày càng được chú trọng hơn và các sự kiện cũng ngày được tổ chức nhiều hơn bao giờ hết.

Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần? - Ảnh 1.

Miu - một trong những cosplayer người Việt nổi tiếng nhất ở thời điểm hiện tại.

Nhưng song song với những điều tốt đẹp đó, những điều tiêu cực cũng ngày một nhiều hơn. Và 1 trong những điều gây nhức nhối nhất trong giới cosplayer chính là "body shaming" và "khẩu nghiệp". Không giống với những cộng đồng khác, các coser, cụ thể là coser Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu những thứ tệ hại như thế.

1. Cosplay cần phải giống nhân vật mẫu y như đúc, hoặc ít nhất là phải đẹp?

Đầu tiên, chúng ta cần phải nhắc lại về định nghĩa "cosplay". Cosplay là một từ tiếng Anh do người Nhật sáng tạo ra, là sự kết hợp của từ "costume" (trang phục) và "role play" (hóa thân), được phát âm là kosupure trong tiếng Nhật. Cụ thể, người tham gia hoạt động này sẽ hóa trang thành những cá nhân mà họ yêu thích, từ nhân vật trong thế giới giả tưởng như nhân vật comic, anime/manga, game,... hay thậm chí là cả những nhân vật ngoài đời thực như... các ca sĩ chẳng hạn.

Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần? - Ảnh 2.

Cô con gái út của David Beckham - bé Harper Beckham hóa trang thành ca sĩ Billie Eilish.

Nhìn chung, cosplay cũng như 1 loại hình nghệ thuật, mà nghệ thuật thì sẽ sáng tạo không ngừng. Trải qua nhiều năm, các coser trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng không chỉ nâng cao khả năng của bản thân, mà họ còn tích cực sáng tạo, tạo nên nhiều điều vô cùng mới lạ và thú vị.

Dù gì, cosplay cũng vẫn chỉ là hóa trang và không bao giờ có thể giống với nhân vật gốc. Wig có thể lỗi, trang điểm và màu lens có thể không giống, đây là những điều không phải ai cũng tránh được. Do đó, giống nhân vật không phải là điều quan trọng nhất, mà đó phải là niềm đam mê, niềm vui khi được làm những điều mà bạn thích.

Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần? - Ảnh 3.

2. Cosplay có dễ không?

Cosplay có thể dễ, hoặc không. Đối với việc hóa thân thành những nhân vật giả tưởng, khâu chuẩn bị là 1 điều vô cùng quan trọng. Họ phải tự bỏ tiền túi của mình, tự chuẩn bị trang phục sao cho kỹ lưỡng và chấp nhận chịu đựng nguy hiểm trước điều kiện thời tiết xấu nhằm thỏa mãn đam mê.

Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần? - Ảnh 4.

Neyu H hóa thân thành 1 trong những nhân vật nổi tiếng nhất giới siêu anh hùng - Wonder Woman.

Theo Khương - 1 coser trẻ tuổi trong giới cosplayer, các coser thường phải thuê makeup, với giá dao động trong khoảng 150.000 đồng đến 200.000 ngàn đồng, hoặc... tự thân vận động. Dĩ nhiên, điều này rất khó và không phải ai cũng có thể làm tốt được.

Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần? - Ảnh 5.

 Ngoài ra, cô nàng coser dễ thương này cũng nói rằng: "Theo em thì khó khăn lớn nhất là tài chính ạ. Fes rất nhiều nên phải chạy đồ liên tục, mà phụ kiện vật cũng rất nhiều, thậm chí rất đắt tùy theo mỗi nhân vật. Bản thân em còn là học sinh nên vấn đề tiền chi vào đồ cosplay rất khó khăn, vì chưa thể đi làm kiếm tiền nên chỉ có thể dựa vào tiền sinh hoạt của gia đình cho hàng tháng rồi tiết kiệm dần, hoặc mở bán đồ online, đồ ăn hay vật dụng gì đó để kiếm tiền."

3. Miệt thị - 1 hành vi xấu xí

Có thể các bạn đều biết 1 sự thật rằng: Sau mỗi sự kiện cosplay, những coser Việt Nam thường xuyên phải chịu những bình phẩm khiếm nhã. Nhưng tuy nhiên, những người làm tổn thương các cosplayer không còn là truyền thông hay những người lớn tuổi khó tính như xưa nữa. Đáng tiếc thay, những hành vi khiếm nhã ấy lại đến từ... chính giới trẻ.

Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần? - Ảnh 6.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, có thể phạm vào luật Dân Sự, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phải, đây là 1 hành vi rất đáng lên án. Thậm chí, bạn có thể thấy những điều này đều diễn ra mỗi ngày, dù lớn hay nhỏ. Họ sẵn sàng buông lời miệt thị, ném đá các coser, dù nạn nhân chẳng hề quen biết hay đụng chạm tới họ. Họ sẵn sàng chửi rủa, body shaming những người chẳng làm gì trái đạo đức hay pháp luật. Họ sẵn sàng chèn ép, thách thức nhục mạ người khác nếu các coser không cosplay đúng ý họ, hay chỉ vì họ... không xinh, không có thân hình bốc lửa.

Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần? - Ảnh 7.

Việc body shaming có thể khiến nạn nhân cảm thấy tổn thương.

Và khi được chất vấn, những gì mà họ vin vào chính là cái gọi là "luật char", không được xúc phạm nhân vật của họ. Phải chăng, đây chính là điển hình của việc "tự do ngôn luận" 1 cách bừa bãi, suy nghĩ, quan điểm có phần lệch lạc và không kiểm soát được hành vi sai trái của bản thân?

Vậy "luật char" ở đâu? Ai có thẩm quyền quy định? Nhân vật nào thuộc quyền sở hữu của riêng giới coser, để họ sẵn sàng khẩu nghiệp mọi lúc mọi nơi như vậy? Thật kỳ lạ, khi có những người lại tự cho mình cái quyền đặt ra hàng loạt cái luật "giời ơi đất hỡi" lên cả 1 cộng đồng.

Về cơ bản, cosplay là hóa trang chứ không phải thuật biến hình, do đó, bất kỳ ai cũng có thể có sai sót. Nếu muốn các coser cosplay phải "chuẩn char 100%", hãy bảo các coser tìm đến trường Hogwarts mà nhờ họ dùng bùa biến hình để biến người thật thành nhân vật 2D ấy. Đó mới là giống thực sự. Còn khi là con người, chẳng ai có thể giống nhân vật gốc 1 cách hoàn hảo cả.

Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần? - Ảnh 8.

Mới đây, 1 cặp đôi đã chụp hình theo concept Ngao Bính - Hồ Ly theo sở thích. Và bằng 1 cách thần kỳ nào đó, 1 số cá nhân lại cho rằng họ đang "phá char, phá thuyền", "luật char, luật ship", "Ngao Bính là phải thuộc về Na Tra" và đòi "phốt" họ. Những hành vi như vậy sau cùng cũng chẳng thể giúp cộng đồng có được cái nhìn thiện cảm hơn trong mắt người ngoài.

Nỗi khổ của giới cosplayer Việt Nam: Sống với đam mê thì phải chịu tổn thương tinh thần? - Ảnh 9.

Trong khi đó, cặp đôi nạn nhân chỉ là hóa trang theo sở thích 1 cách tự do, còn những bạn trẻ lại lao vào phá tan niềm vui của họ bằng tư tưởng lệch lạc của mình.

Bỏ qua vấn đề đó, nhìn chung, cosplay là đam mê, thú vui của mỗi người. Không 1 ai có quyền can thiệp vào sở thích của người khác khi việc đó hoàn toàn không hề trái đạo đức và pháp luật, đó là cách ứng xử đúng đắn trong xã hội. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù có trong giới cosplayer hay không, đây vẫn là 1 hành vi vô cùng xấu xí và đáng lên án hơn bao giờ hết.

Nếu bạn không biết tôn trọng người khác, không biết cách ứng xử cơ bản, bạn chẳng có gì hơn những người mà bạn đang miệt thị cả. Bạn có thể chê, có thể góp ý, nhưng việc xúc phạm cá nhân lại là 1 sai lầm lớn, thể hiện chính con người bạn và khả năng thực thi pháp luật của bạn. Nhiều bạn trẻ hoàn toàn không nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật và hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo lý thuyết.