Nổi danh là trọng nhân tài, vì sao Tào Tháo lại chưa từng chủ động chiêu nạp Khổng Minh?

Trần Quỳnh  Trí Thức Trẻ | 03/08/2019 03:00 PM

Tào Tháo
Tào Tháo

Webgame RTS

02/04/2015 NCB: Trung Quốc NPH:

Những lý do dưới đây chính là nguyên nhân khiến Tào Tháo để vuột mất kỳ tài có thể "an thiên hạ" là Gia Cát Khổng Minh vào tay Lưu Bị.

Vào thời loạn thế, phàm là người muốn tranh đoạt thiên hạ ắt không thể thiếu đi sự trợ giúp của các nhân tài đắc lực. Vì vậy không khó để nhận thấy, ba vị quân chủ Tào – Tôn – Lưu nổi danh thời Tam quốc đều là những người vô cùng trân trọng nhân tài.

Trong số đó, nhân vật may mắn hơn cả có lẽ chính là Tiên chủ Lưu Bị của nhà Thục Hán. Bởi ông là người duy nhất chiêu nạp được Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng về dưới trướng tập đoàn chính trị của mình.

Thế nhưng điều khiến nhiều người thắc mắc lại nằm ở chỗ: Gia Cát Lượng vốn là một trong số hai nhân tài hiếm hoi được nhận định là có thể "an thiên hạ". Vậy vì sao năm xưa một người quý trọng hiền tài như sinh mệnh là Tào Tháo lại không chủ động tranh đoạt với Lưu Bị để có thể chiêu nạp bậc kỳ tài hiếm có này về dưới trướng của mình?

Theo lý giải của tờ báo Sohu (Trung Quốc) thì việc Tào Tháo không chủ động chiêu nạp Gia Cát Lượng xuất phát từ một số nguyên nhân dễ hiểu dưới đây.

Nguyên nhân thứ nhất: Tập đoàn chính trị của Tào Tháo khi đó không có vị trí thích hợp đối với Gia Cát Lượng

Nổi danh là trọng nhân tài, vì sao Tào Tháo lại chưa từng chủ động chiêu nạp Khổng Minh? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Vào thời điểm trước khi Gia Cát Lượng rời núi, tập đoàn chính trị của Tào Tháo sở hữu số lượng nhân tài hết sức đông đảo, nhân tố không thiếu nhất chính là mưu sĩ.

Hơn nữa vào lúc bấy giờ, vị quân chủ họ Tào này ở hậu phương đã có Tuân Úc, ngoài chiến trường lại có Quách Gia.

Tuân Úc chẳng những giúp ông quản lý tốt các vấn đề nội chính mà còn tiến cử rất nhiều nhân tài. Vì vậy dưới thời vị mưu sĩ họ Tuân này còn nắm quyền, Tào Tháo chưa bao giờ phải lo lắng tới việc tập đoàn chính trị của mình sẽ rơi vào cảnh thiếu vắng hiền tài.

Về vị quân sư chủ chốt giúp Tào Tháo bày mưu tính kế trên chiến trường là Quách Gia, không ít ý kiến cho rằng vị mưu sĩ họ Quách này chính là một trong số những nhân vật hiếm hoi sở hữu tài năng có thể chế ngự được Gia Cát Lượng.

Thậm chí có giai thoại còn truyền rằng, Khổng Minh sở dĩ có khoảng thời gian một mực lánh đời vốn là muốn tránh né việc giao chiến trực diện với Quách Gia, bởi ông biết tài mưu lược của mình chưa thể vượt qua nhân vật này.

Điểm trùng hợp hơn còn nằm ở chỗ, Gia Cát Lượng quyết định rời núi để đi theo phò tá Lưu Bị vào năm 208 – chỉ vẻn vẹn chưa đầy 1 năm sau khi Quách Phụng Hiếu qua đời.

Vì vậy giả sử Khổng Minh rời núi sớm hơn và đi theo phụng sự cho Tào Tháo, thì vị mưu sĩ này cũng khó có thể tìm được cơ hội thăng tiến hay thi triển tài năng trong tập đoàn chính trị đã có quá nhiều nhân tài xuất chúng và kỳ cựu như vậy.

Nguyên nhân thứ hai: Lai lịch và tuổi tác của Gia Cát Lượng chưa đủ để Tào Tháo "động lòng"

Nổi danh là trọng nhân tài, vì sao Tào Tháo lại chưa từng chủ động chiêu nạp Khổng Minh? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Gia Cát Khổng Minh sinh năm 181, đi theo phò tá Lưu Bị từ năm 208 ở tuổi 27. Nếu so sánh về phương diện tuổi tác nói riêng, không khó để nhận thấy vị mưu sĩ này thua kém Tào Tháo tới tới 26 tuổi. Vì vậy trong mắt vị quân chủ họ Tào, ông có lẽ chỉ là một người trẻ tuổi có tài năng nhưng lại không có nhiều kinh nghiệm.

Theo đánh giá của tờ báo Sohu, Gia Cát Lượng rời núi khi tuổi tác và uy tín đều chưa quá lớn. Hơn nữa Ngọa Long tiên sinh lúc sinh thời luôn một mực khiêm nhường, ngoại trừ một vài bằng hữu giao hảo thân thiết thì không mấy ai biết ông có chí lớn và tài năng hiếm có.

Với một xuất phát điểm khiêm tốn như vậy, Gia Cát Lượng đương nhiên sẽ không có cơ hội được người khác tiến cử với một vị quân chủ sở hữu thế lực hùng mạnh khét tiếng như Tào Tháo.

Hơn nữa ngay cả khi biết tới thanh danh của Khổng Minh thì bản thân Tào Tháo với địa vị khi ấy cũng khó có thể hạ mình 3 lần tới lều tranh như Lưu Bị. Bởi khi Tuân Úc và Quách Gia còn phụng sự, việc ông phải cất công đi mời một nhân tài mà mình chưa rõ thực lực là một chuyện hết sức xa vời.

Nguyên nhân thứ ba: Danh tiếng của Gia Cát Lượng không đến tai Tào Tháo

Vào thời cổ đại, đặc biệt là giai đoạn chiến loạn như thời Tam quốc, giao thông còn hết sức hạn chế, việc truyền tải thông tin cũng vì vậy mà có những giới hạn nhất định.

Hơn nữa, quỹ tích hoạt động của Tào Tháo chủ yếu ở phương Bắc, các nhân tài được Tuân Úc tiến cử cho ông đa số cũng hoạt động tại khu vực này.

Trong khi đó, Gia Cát Lượng vốn ẩn cư ở đất Kinh Châu, những người biết tới danh tiếng của ông cũng chỉ giới hạn trong phạm vi tại đây.

Có lẽ vì hai nhân vật Khổng Minh – Tào Tháo ở vào tình thế "người nam kẻ bắc", cho nên đây cũng là một trong những lý do khiến danh tiếng của Gia Cát Lượng khó có thể đến tai vị quân chủ này.

Về phần Lưu Bị, bản thân ông sau khi tới Kinh Châu cũng phải có người tiến cử mới biết tới Ngọa Long tiên sinh. Thực tế thì vào thời điểm nghe danh, Lưu Huyền Đức cũng chưa tỏ tường về tài năng của Gia Cát Lượng, thế nhưng ở vào hoàn cảnh ngặt nghèo và khó khăn khi ấy, ông rất cần sự tương trợ của nhân tài, vì vậy nên quyết tâm 3 lần tới lều tranh mời Khổng Minh rời núi.

Nổi danh là trọng nhân tài, vì sao Tào Tháo lại chưa từng chủ động chiêu nạp Khổng Minh? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Thiết nghĩ nếu năm xưa Tào Tháo lường trước được việc hai cánh tay đắc lực của mình là Tuân Úc – Quách Gia đều sẽ qua đời sớm, thì có lẽ ông sẽ bất chấp mọi giá để chiêu nạp bằng được một nhân tài có thể "an thiên hạ" như Gia Cát Lượng về dưới trướng của mình.

Nếu giả thiết ấy thành sự thật thì trận doanh của Lưu Bị ắt sẽ gặp phải tổn thất to lớn, và có lẽ ông cũng khó có thể gây dựng nên một thế lực cùng Tào – Tôn chia ba thiên hạ sau này.

Dĩ nhiên, việc Lưu Huyền Đức có thể chiêu nạp được Gia Cát Khổng Minh vào trận doanh của mình chủ yếu còn nhờ vào sự tương đồng về chí hướng và lý tưởng của cả hai nhân vật ấy.

Và thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, việc Gia Cát Lượng lựa chọn đi theo phò tá Lưu Bị chính là một trong những quyết định đúng đắn giúp tên tuổi của ông được lưu danh ngàn đời.

*Theo quan điểm của báo Sohu (Trung Quốc).