Ninja Gaiden – Học về chữ “Nhẫn”

Nguyễn Hoàng Duy  - Theo Helino | 26/01/2018 04:26 PM

Bài dự thi của độc giả Nguyễn Hoàng Duy với tựa game Ninja Gaiden.

Nói về game, mỗi người trong chúng ta ai cũng có cho mình một trò chơi yêu thích. Dù đã chơi qua nhiêu lần, cảm giác ấy vẫn không đổi. Sự vui sướng, hào hứng và phấn khởi khi được trải nghiệm trò chơi đó, cho dù nó không còn mới, cho dù đồ họa đã lỗi thời, không gì so sánh được. Với tôi, trước giờ chỉ có một trò chơi mang lại cho tôi điều đó, chính là Ninja Gaiden. Và đây cũng là tựa game dạy cho tôi bài học về chữ “Nhẫn” một cách vô cùng trực quan.

Ngoài lề một chút, Ninja Gaiden tôi muốn nói đến ở đây là phiên bản từ 2004 trở về sau, được sản xuất bởi đội ngũ Team Ninja. Lúc nhỏ đã từng chơi qua bản Ninja Gaiden trên SNES, nhưng không để lại trong tôi ấn tượng gì đặc biệt ngoài độ khó kinh hoàng (và đây là một “đặc sản” của dòng game này, vì sao gọi nó là “đặc sản” thì mời bạn đọc tiếp)

Lần gặp gỡ đầu tiên

Ninja Gaiden – Học về chữ “Nhẫn” - Ảnh 1.

Tôi biết đến Ninja Gaiden cũng rất tình cờ. Chiều hôm đó, khi đang tham quan một cuộc Triển lãm được tổ chức bởi tạp chí Thế giới Vi tính (PC World Việt Nam), tôi bước đến khu vực game. Thời điểm đó, game online với những Võ Lâm Truyền kì, PTV đang rất thu hút (bản thân tôi cũng là một game thủ PTV), nên phần lớn diện tích dành riêng cho những chiếc máy tính cài sẵn game để mọi người có thể tham gia trải nghiệm.

Sau một hồi đứng chờ đến mỏi chân để chơi miễn phí mà không được (vì hầu như ai đã ngồi vào máy thì thường chiến đến vài tiếng), ngán ngẩm, tôi mới tạt qua khu vực game console. So với qui mô của khu game Online thì nơi đây quả thực rất khiêm tốn, chỉ 3 máy Xbox.

Và tôi đã thấy nó, Ninja Gaiden.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là về đồ họa. So với thời điểm đó, Ninja Gaiden có đồ họa đỉnh cao và rất chân thực. Cảnh thác nước chảy ngay đầu game với những giọt nước bắn lên đủ sức thuyết phục những người chơi khó tính nhất. Chuyển động nhân vật uyển chuyển và mượt mà. Đòn thế dứt khoát, đầy uy lực. Hiệu ứng phép thuật thì khỏi chê.

Hôm đó tôi nhớ mình đã đứng xem suốt cả tiếng không chán. Một phần vì game quá hấp dẫn, phần vì muốn được vào chơi thử (mà chờ chỉ hoài công, anh chàng chơi game hôm đó chẳng thể nào vượt qua được màn 2, dù đã chơi lại không biết bao nhiêu lần. Lí do: Chết bởi tên trùm, một gã samurai đỏ rực, và lần nào cũng toi mạng chỉ sau hai nhát chém)

Về nhà, tôi lao vào đọc những bài viết về Ninja Gaiden (bài giới thiệu thôi, chứ còn walkthrough thì không muốn, vì làm vậy đâu còn gì hay nữa).

Nhưng dù cho có đọc bao nhiêu forum đi nữa, vẫn không bằng được trải nghiệm trực tiếp.

Cái tôi còn thiếu, dĩ nhiên, là một chiếc Xbox.

Nhưng vào thời điểm đó, để rinh được một “bé” về nhà, cũng phải gần 5 triệu, mà với hoàn cảnh tài chính của gia đình tôi, điều đó là không thể.

Cho đến một ngày, tạp chí Thế Giới Game tổ chức chương trình bốc thăm trúng thưởng, bạn đoán xem giải nhất là gì?

Đúng, một chiếc Xbox mới cáu cạnh, và đĩa trò chơi Ninja Gaiden.

Và thằng nhóc hét lên sung sướng khi đọc thấy cái tin quá đỗi tuyệt vời đó, dù xác suất trúng thấp, nhưng này, có còn hơn không, biết đâu may mắn mỉm cười.

Tôi cắt phiếu, gửi bưu điện, và kiên nhẫn chờ đến số báo tháng sau. Mỗi ngày tôi đều tưởng tượng cảnh mình sở hữu cỗ máy chơi game mạnh mẽ ấy, và đắm mình trong những cuộc phiêu lưu bất tận.

Từng ngày trôi qua, cuối cùng đã đến ngày ra tiệm mua số báo Thế giới Game mới.

Đoán xem ai thắng giải nào?

Dĩ nhiên là … người khác, không phải tôi (từ đó đến giờ tôi vẫn chẳng có tí may mắn nào với mấy hình thức bốc thăm trúng thưởng này).

Nếu hồi đó có Youtube thì tôi cũng lên mà xem cho đỡ ghiền, nhưng làm gì có, mà mạng Dial Up ở nhà xem clip thì, thà đừng xem còn hơn.

Mơ ước thành hiện thực

Ninja Gaiden – Học về chữ “Nhẫn” - Ảnh 2.

Thời gian trôi qua, tôi đã đọc đến thuộc lòng mấy bài viết về Ninja Gaiden, khả năng được chơi Ninja Gaiden có lẽ chỉ nằm trong mơ ước. Cho đến một ngày

“Hey”, Thanh - (đứa bạn hồi cấp 2 gọi tới), ”có nhà không?”

“Có, mà chuyện gì?”

“Ông cậu mới mua cho tớ cái Xbox, kèm 5 game, vừa rồi cho thằng Toàn mượn chơi xong, nó mới trả lại. Cậu muốn mượn chơi không?”

Phải rất, rất, rất kiềm chế tôi mới không hét lên một tiếng thật sướng.

Tôi nhớ như in bữa chiều hôm đó, thứ bảy hè năm lớp 11, chạy nhanh đến nhà bà ngoại cùng với ba, rồi rinh chiếc máy Xbox về.

Tất cả như một giấc mơ. Nào là máy, dây nguồn, dây cáp tín hiệu, tay cầm và đầy đủ 5 game: Halo 2, Jade Empire, Peter Jackson’s King Kong, Fable và, Ninja Gaiden Black.

Không phải Ninja Gaiden thường nhé, Ninja Gaiden Black, bao gồm bản gốc và hai bản Hurricane Pack, khó hơn, đẹp hơn và hay hơn gấp bội.

Mất cả chục phút hì hục cùng với ba lắp đặt, mở máy lên, và rồi…

Tôi đã được trải nghiệm Ninja Gaiden.

Cầm lấy tay cầm và điều khiển Ryu di chuyển những bước đầu tiên, chạy tường, bật nhảy, tôi thật sự choáng ngợp bởi sự chi tiết và chân thực, dường như đã mô phỏng lại cử động của một ninja thực thụ. Không còn nghi ngờ gì nữa, mơ ước đã thành sự thật.

Cả mùa hè năm đó tôi đắm chìm trong thế giới của Ninja Gaiden, thuần thục từng đòn combo, từng cách di chuyển và chết lên chết xuống không biết bao nhiêu lần khi gặp một con trùm khó chơi. Tôi cày qua từng độ khó một: Normal, Hard, Very Hard, và màn 1 của Master Ninja (vì đến lúc này là hết hè, tôi lên lớp 12, phải trả máy lại và tập trung học tập).

Mỗi màn luôn là một công thức: tấn công, chết, thử lại đến khi qua màn. Khi vượt qua một thử thách khó nhằn, là một lần tôi cảm thấy tự hào. Mỗi khi game over, lại có một điều gì thôi thúc khiến tôi thử lại game, với cách tấn công mới, nhanh hơn, khéo léo hơn, và chính xác hơn.

Cứ thế, Ninja Gaiden đã trở thành một phần không thể thiếu trong tôi.

Chữ Nhẫn trong Ninja Gaiden

Giờ ngẫm lại, lí do tôi yêu thích Ninja Gaiden có thể tóm gọn trong 2 điều:

Một, độ khó cao nhưng hợp lý.

Ninja Gaiden – Học về chữ “Nhẫn” - Ảnh 3.

Trong thế giới của Ninja Gaiden, bạn là một ninja, và không phải là hạng cắc ké tép riu gì đâu nhé, bạn là Ryu Hayabusa - một Master Ninja với kĩ năng di chuyển, nhẫn thuật và võ công siêu đẳng. Dĩ nhiên, điều bạn cần phải là một đối thủ xứng tầm, chứ không phải đống bù nhìn bị thịt chỉ biết lăn vào cho bạn xả kiếm.

Về mặt này thì Ninja Gaiden làm rất tốt. Kẻ địch trong game biết bọc lót và hỗ trợ nhau, chúng cũng biết canh me khi bạn sơ hở là sẽ “thịt” ngay. Nếu bạn nghĩ chỉ đứng yên tử thủ mà thoát, thì chúng sẽ rất vui lòng quật bạn xuống, đồng thời khuyến mãi thêm một đòn chí mạng. Còn mất bình tĩnh, nhảy nhót cà tưng xung quanh ư? Cũng không khả quan hơn đâu.

Dĩ nhiên, đối phó với những kẻ địch dữ dằn như vậy, bạn cần được trang bị kĩ lưỡng. Về mặt này, game cung cấp cho bạn hai món:

Thứ nhất là hệ thống điều khiển rất nhạy, dễ thao tác và xoay trở. Thứ hai, camera tốt, giúp bạn bao quát tầm nhìn để có những quyết định phù hợp nhất.

Còn lại, tất cả đều phụ thuộc vào bạn. Kĩ năng cao hay thấp, chơi giỏi hay dở, đều do bạn quyết định. Bạn phải tự thân vận động, để vượt qua tất cả những thử thách của game. Mỗi kẻ địch, tuy tinh quái, nhưng đều có điểm yếu, quan trọng là, bạn có nhìn ra được hay không, và khi đã nhìn ra, bạn có đủ sức khai thác được điểm yếu đó?

Bình tĩnh, di chuyển, công thủ hợp lý chính là chìa khóa chiến thắng.

Hai, kiên trì

Ninja Gaiden – Học về chữ “Nhẫn” - Ảnh 4.

Chữ “Nhẫn” trong Ninja (nhẫn giả) nghĩa là: Nhẫn nhịn, chịu đựng. Và nếu bạn muốn biết cái chữ “Nhẫn” này nó chua cay cỡ nào, thì xin mời chơi qua Ninja Gaiden.

Khẳng định với bạn một điều: Trong Ninja Gaiden bạn sẽ chết rất nhiều lần, theo nhiều kịch bản khác nhau

Mải mê đánh, thiếu quan sát, lãnh một chùy của gã Orc đằng sau.

Di chuyển không khéo bị ép góc và ăn một đòn chí mạng của gã Hell Knight.

Đánh lỡ một nhịp, hở sườn và bị bầy Ghost Fish ría thịt.

Còn chết về tay trùm thì, miễn bàn, nhiều vô kể. (Alma là một trong những con boss khó chơi nhất của trò này, bạn nào đã từng gặp ả rồi sẽ biết cảm giác màn hình loading nó thân thương đến nhường nào)

Mỗi lần chết như vậy, bạn được những gì?

Kinh nghiệm, và hiểu biết để lần sau đánh tốt hơn. Và quả thật, nếu chơi Ninja Gaiden mà không chuẩn bị tinh thần, giữ cái đầu lạnh, thì khả năng đập máy, quăng tay cầm là chuyện vô cùng ‘khả quan”. Nếu ví game là một người thầy, thì Ninja Gaiden là một ông thầy cực kì nghiêm khắc. Bạn phải mắc lỗi, phải nỗ lực hết lần này đến lần khác để chứng minh mình xứng đáng.

Nhưng, có một điều gì đó luôn âm ỉ khi thấy nhân vật mình ngã xuống. Bạn biết rằng đó là lỗi của mình, do đã chủ quan, đã quá sơ ý, và nhủ thầm sẽ thử lại một lần nữa.

Khi bạn khởi động lại màn chơi, khi chiến đấu lại với kẻ địch hết lần này đến lần khác, để rồi thua, để rồi lại đứng lên, một lần nữa, kiên trì, bền bỉ.

Đến khi bạn tưởng mình đã gần như bỏ cuộc, bạn vẫn nhủ thầm “Chỉ một lần nữa thôi!”

Và rồi, bạn vượt qua.

Một cảm giác sung sướng, tự hào và hãnh diện mà không gì sánh được.

Một trải nghiệm in sâu vào tâm trí, khiến bạn nhớ mãi.

Kĩ năng chơi game tăng lên, sự tự tin dâng trào. Và bạn lại sẵn sàng cho một cuộc phiêu lưu mới.

Ninja Gaiden – Học về chữ “Nhẫn” - Ảnh 5.

Lời kết

Dù sau này dòng game Ninja Gaiden có dấu hiệu đuối sức khi không còn được dẫn dắt bởi bàn tay của Tomonobu Itagaki, nhưng với tôi, Ninja Gaiden vẫn là một tượng đài bất diệt của dòng game hành động, chính nhờ những phút giây lăn lộn trong thế giới của game mà tôi học được bài học về sự kiên trì, bền bỉ khi đối diện với khó khăn thử thách. Một bài học sẽ theo tôi suốt cuộc đời.

Để tham gia cuộc thi Cây Bút Vàng, các bạn hãy gửi bài viết về hòm thư info@gamek.vn.

Thông tin chi tiết xem tại ĐÂY.

Cùng đọc các bài dự thi khác của Cây bút vàng 2018 tại ĐÂY.