- Theo Nhịp Sống Việt | 10/03/2020 11:51 PM
1. Tetris giúp tăng cường thị lực
Suy giảm thị lực, hay ambylopia, là bệnh lý mà hai mắt của bạn không hoạt động cùng nhau, khiến bạn mất khả năng nhận thức chiều sâu. Việc gắn một miếng che lên mắt nhằm cải thiện thị lực là cách điều trị phổ biến cho 3% dân số mắc bệnh này. Không có một cách hữu hiệu và không gây khó chịu nào khác ngoài cách này, cho đến khi các nhà khoa học của Đại học McGill University tìm ra Tetris.
Nhà khoa học lâu năm Robert Hess cùng đội ngũ của ông đã chế tạo ra một bộ kính độc đáo, hiển thị hình ảnh trò chơi khác nhau ở hai bên mắt. Một mắt chỉ nhìn thấy các khối đang rơi xuống, trong khi mắt kia chỉ thấy các khối đã rơi và nằm ở dưới đáy. Các nhà nghiên cứu đã lừa đôi mắt để khiến chúng hợp tác và hoạt động song song với nhau. Trong một nghiên cứu thí điểm, 18 người lớn mắc bệnh suy giảm thị lực được chỉ định chơi Tetris, 9 trong số đó được yêu cầu sử dụng chiếc kính nói trên và nửa còn lại sử dụng cách điều trị thông thường. Kết quả là những người dùng kính có sự cải thiện thị lực đáng kể so với số còn lại.
2. Super Mario 64 phát triển não bộ
Một nghiên cứu của Viện Phát triển Con người Max Planck của Berlin cho thấy rằng những game thủ có cấu trúc não khác với người bình thường. Các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi sự biến đổi này trong thời gian dài để kết luận mối liên hệ giữa việc chơi game và sự gia tăng khối lượng bộ não.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một bản sao của Super Mario 64. 23 người trưởng thành được yêu cầu phải chơi game này ít nhất nửa giờ mỗi ngày, trong 2 tháng. So sánh giữa nhóm chơi và nhóm không chơi game đã chỉ ra nhóm những người chơi Mario có não bộ phát triển lớn hơn. Ảnh chụp MRI cũng chỉ ra sự phát triển của não ở ba vùng chính: vùng đồi thị phải, vỏ não trước trán phải và tiểu não. Những khu vực này giám sát các chức năng liên quan đến trí nhớ và nhận thức không gian.
3. Medal of Honor cải thiện thích ứng thị giác
Cơ thể có khả năng thích ứng, việc tiếp xúc với môi trường trực quan mới gây ra những thay đổi trong nhận thức và trực giác. Trung tâm khoa học hình ảnh của Đại học Rochester đã nghiên cứu sự liên hệ giữa điều này với những game thủ thế giới áo. Những người tình nguyện được chia làm hai nhóm: nhóm chơi game và nhóm không chơi game. Những bài kiểm tra thị giác cho kết quả khác biệt hoàn toàn giữa hai nhóm. Nhóm game thủ dễ dàng chiếm ưu thế trong các bài kiểm tra xác định vị trí, số lượng, màu sắc và thứ tự xuất hiện của vật thể.
Một bài kiểm tra thứ hai dành cho những người không chơi game. Họ được chỉ định chơi một trong hai game, Medal of Honor hoặc Tetris một giờ mỗi ngày. Kết quả được đưa ra rõ ràng rằng game hành động MoH mang đến cải thiện lớn hơn nhiều so với Tetris.
4. Lợi ích của Wii Sports với các bác sĩ giải phẫu
Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra lợi ích của việc dùng điều khiển từ xa thay cho chuột và bàn phím sử dụng trong Wii đối với các bác sĩ X quang. Nó giúp hạn chế hội chứng ống cổ tay nguy hiểm sinh ra do việc dùng chuột.
Trong một nghiên cứu mới của Tiến sĩ Gregorio Patrizi tại Đại học Rome, một nhóm 21 nghiên cứu sinh giải phẫu năm nhất và năm hai đã được hướng dẫn chơi Wii Tennis, Wii Table Tennis hoặc High Altitude Battle như một môn học bắt buộc trong chương trình, họ đã chơi game 1 giờ mỗi ngày, 5 ngày/tuần, kéo dài trong vòng 1 tháng. Nhóm thứ hai gồm 21 nghiên cứu sinh không chơi bất kì game nào, đóng vai trò nhóm đối chứng. Sau một tháng, cả hai nhóm thực hiện một cuộc phẫu thuật mô phỏng. Nhóm game thủ tỏ ra thành thạo hơn trong việc điều khiển thiết bị cũng như cải thiện đáng kể khả năng chữa trị bệnh của mình.
5. Chơi Portal 2 còn hữu hiệu hơn các chương trình luyện tập trí não
Trong nghiên cứu đầu tiên của Đại học Floria về chương trình luyện tập trí não Lumosity, các nhà khoa học đã đưa vào thử nghiệm game Portal 2 để đối chiếu kết quả giữa hai phần mềm. Nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục Val Shute và các đồng nghiệp của cô đã đưa ra một bảng câu hỏi đánh giá khả năng nhận thức, quyết vấn đề và tính kiên trì. 77 người tham gia được chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm.
Theo đó, chỉ có một nửa số người trong nhóm Lumosity dành đến 8 tiếng trong khi tất cả những người thuộc nhóm Portal 2 dành thời gian tương đương trong cho cuộc thử nghiệm. Cuối cùng, Lumosity không chỉ thất bại trong việc đánh bại Portal 2 mà còn thất bại trong việc cải thiện khả năng trí não của những người tham gia.
Điều này đặt ra những câu hỏi thú vị, tại sao game dường như có thể cải thiện khả năng nhận thức trong khi các trò chơi được thiết kế để làm điều đó thì lại không? Quan trọng hơn là, nếu những trò chơi điện tử có thể thực hiện điều này, tại sao cần phải lãng phí thời gian vào Sudoku hay những ứng dụng nhạt nhẽo khác thay vì chơi game?