Middle-Earth: Shadow of War
Tựa game này đã thực sự phá hỏng trải nghiệm của người chơi về cái kết của game, đừng hiểu nhầm, bản thân cái kết của game rất tốt, nhưng vấn đề ở chỗ nó bị khóa và ẩn đằng sau một cái kết khác tệ hại hơn rất nhiều.
Cái kết đầu tiên – cái kết “giả” dễ dàng lấy được khi đi dần về cuối game, và cái kết đó chỉ là một chuỗi các hành động QTE tẻ nhạt, chấm hết. Rất may đây không phải cái kết thực sự của game. Tuy nhiên, để lấy được cái kết thật sự, bạn sẽ phải cày cuốc trong game hàng giờ đồng hồ nữa: chiếm cứ các pháo đài mà cái nào cũng na ná như nhau trong khi cốt truyện đã chấm dứt. Khá nhiều người không đủ kiên nhẫn để đến được với cái kết thực sự - hay và cảm động hơn nhiều. Thực sự, nếu muốn, bạn có thể lên thẳng Youtube mà xem cái kết thực sự còn hơn bỏ ra hàng tiếng đồng hồ lặp đi lặp lại một việc.
Assassin’s Creed 3
Với Assassin’s Creed 3, chúng ta có hai cái kết, một là ở quá khứ với Connor, hai là ở hiện đại với Desmond. Và hai cái kết này, chỉ có một cái thực sự tốt, và đó là cái kết của Connor. Connor đã chiến đấu và giúp cuộc cách mạng thuộc địa Mỹ thành công, nhưng anh nhận ra rốt cuộc chính phủ của Washington cũng chỉ là một dạng “nâng cấp” của chính phủ Anh trước đây. Cuối cùng Connor chiến đấu vất vả như vậy cũng chẳng để làm gì cả, một cái kết thật buồn và ám ảnh.
Quay lại thời hiện đại với Desmond, thế giới sắp đến ngày tận thế, và để cứu Trái Đất, Desmond phải kích hoạt hệ thống các Đền thờ khắp thế giới để tạo ra một màn chắn bảo vệ Trái Đất và Desmond phải tự hy sinh bản thân mình. Nó lẽ ra là một đoạn kết cảm động nhưng cách thể hiện lại không thật sự để lại ấn tượng cho người chơi. Cảm giác cứ như hai người khác nhau viết hai cái kết cho game vậy, một cái kết của Connor thì buồn và ám ảnh, cái kết của Desmond thì lại… hơi kỳ cục và không có được sự ấn tượng cần thiết
Batman: Arkham Asylum
Batman: Arkham Asylum là một game cực kỳ xuất sắc với hệ thống combat mượt mà, đã tay, đồ họa, lồng tiếng đỉnh cao cùng cốt truyện trung thành với comic. Nó lẽ ra đã là một game hoàn hảo – nếu như không vì đoạn kết kỳ cục đó. Joker, gã hề điên loạn luôn luôn có những kế hoạch điên rồ nhưng cũng cực kỳ thông minh để đối phó với Batman, giờ đây quyết định tiêm huyết thanh Titan vào người, biến thành một con quái thú khổng lồ và sau đó bị Batman hạ gục một cách chả khó khăn gì mấy. Hết game, một cái kết không thể nào… vớ vẩn hơn, nhất là với những fan của Batman thì cái kết này thực sự quá đỗi kỳ cục và không đáng có.
Vanquish
Vanquish, tựa game hành động góc nhìn thứ ba đến từ PlatinumGames cũng chịu chung số phận với nhiều các game khác là bị underrated, doanh số bán thấp, không được người chơi chú ý, dù Vanquish có gameplay rất hay. Nhưng cái kết của game thì quá ư là ba chấm: phản diện chính còn sống và lẩn trốn, nhân vật chính thì đang trôi dạt ngoài vũ trụ, hàng loạt các vấn đề còn chưa được giải quyết triệt để. Dường như PlatinumGames có dự định cho hậu bản của game khi để cái kết game mở đến thế, nhưng cuối cùng chính cái kết lửng lơ này đã ảnh hưởng nhiều đến game và khiến Vanquish 2 có thể không bao giờ xuất hiện.
Darksiders 2
Có một số vấn đề nhất định với cái kết của Darksiders 2. Đầu tiên, nó cứ thế xảy ra, không rào trước đón sau gì hết, nó cứ thế mà diễn ra thôi. Bỗng nhiên bạn được yêu cầu đánh boss cuối, ừ thì đánh, đánh xong rồi đùng cái, cutscene chạy, thế là game kết thúc, quá nhanh quá nguy hiểm. Không có một dấu hiệu nào báo trước là game sẽ kết thúc cả. Thêm nữa, màn đấu boss cuối cũng quá dễ và không xứng được gọi là boss cuối, nhân vật chính Death hy sinh bản thân để cứu lấy nhân loại cũng như xóa bỏ tội lỗi của người anh trai War (nhân vật chính của phần đầu tiên) nhưng ngay sau đó, War đã tự mình thoát khỏi ngục tù và triệu hồi Tứ Kỵ Sĩ để hỗ trợ cho mình, vì thế nên… Death lại được hồi sinh (nghe vớ vẩn mà, đúng không?)
Enslaved: Odyssey to the West
Tựa game này là một ví dụ điển hình của thất bại trong việc truyền tải cốt truyện game, dù nó đã rất cố gắng để làm tốt hơn. Vấn đề của game này là nó sử dụng một cú twist kinh điển đã được dùng trong bộ phim “The Matrix”, và lẽ dĩ nhiên là nó gần như chả có gì đột phá hết. Kể cả có Andy Serkis lồng tiếng cho nhân vật chính cũng không thể cứu tựa game khỏi việc bị đánh giá thấp vì không có đột phá trong cốt truyện.
Sonic Lost World
Để nói đơn giản về game này thì, suốt cả cốt truyện, kẻ phản diện luôn tìm cách tiêu diệt Sonic và gửi chàng nhím này về nhà trong một cái túi xác, thì cái kết vẻn vẹn trong hai phút cutscene lại khiến tất cả phải ôm đầu và nói “cái quái gì thế?” khi mà sau khi Sonic đánh bại boss cuối, một đoạn cutscene mở lên và chú cáo hai đuôi Tails xuất hiện, nói vài thứ về tình bạn, và thế là mọi vấn đề được giải quyết… hả? Đồng ý là Sonic là game hướng đến trẻ em, nhưng thế thì tại sao phải mất công xây dựng một cốt truyện đen tối để cuối cùng kết thúc nó một cách vớ vẩn như thế nhỉ?
Bioshock Infinite
Có thể nói Bioshock Infinite là một trong những game có cốt truyện hack não bậc nhất, đặc biệt là cái kết của game. Để nói ngắn gọn thì, bạn tìm cách giết bản thân bạn từ tương lai để ngăn cản bản thân bạn. Và kế tiếp, người đồng hành Elizabeth tìm cách dìm chết bạn để ngăn chặn mọi khả năng bạn có thể gây hại từ một chiều không gian khác – để xóa bỏ hoàn toàn sự tồn tại của bạn. Một cái kết thật sự không mấy dễ chịu.
Sonic Forces
Nói chung thì tựa game này là một tựa game bị đẩy nhanh tiến trình cho kịp deadline cho nên mọi thứ trong game này đều chưa hoàn thiện. Về cái kết của nó thì thật sự đáng thất vọng, animation thì được làm vội vã, một số cảnh còn hiện rõ lỗi, các level của game thì dễ đến nhàm chán, cốt truyện sơ sài, vội vã và đầy thiếu sót, cứ như là biên kịch của game không thèm quan tâm đến cái thứ họ viết ra vậy. Cốt truyện của game tồn tại hàng tá câu hỏi không có câu trả lời, phản diện mờ nhạt đáng quên, mà nói cho chính xác thì tựa game này cũng thật sự đáng quên luôn.
Styx: Shards of Darkness
Suốt tựa game, có một vấn đề duy nhất cần giải quyết trong cốt truyện là kẻ nào sẽ thắng trong hai kẻ: Styx và Djarak? Và, khi đến gần nửa game, một biến cố xảy ra làm hai kẻ thù bắt buộc phải hợp tác cùng nhau. Và sau đó, Styx và Djarak phát triển một tình bạn đặc biệt và người chơi thật sự tin họ có thể làm bạn, thế rồi đến cuối cùng, thêm một cú twist và Djarak lại phản bội Styx. Cái kết của game là khi Styx chặn Djarak lại, chĩa một cái nỏ vào người Djarak và nói rằng không ai được phép phản bội Styx, và game cắt ở đó, credit chạy lên, nhưng game ngụ ý rằng Styx đã bắn mũi tên đó và giết Djarak – chỉ là ngụ ý. Và đó chính là điểm khiến cái kết không được lòng game thủ, nó quá mơ hồ, không có gì chắc chắn là Styx có giết Djarak hay không, mỗi fan của game sẽ tự đặt ra một cái kết cho riêng mình, nhưng chắc chắn họ sẽ muốn một cái kết chính thức hơn.