Khi chơi game, không một ai trong chúng ta muốn gặp phải một cái kết gây khó chịu cả, hay nói cách khác không ai muốn tựa game mình chơi là game có bad ending. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều những tựa game mà cái kết game thủ đạt được sau hàng chục giờ chơi, là bad ending. Tồi tệ ở đây không chỉ có nghĩa là cái kết nó tào lao hay nhảm nhí, mà tồi tệ ở đây còn ám chỉ cảm giác mà cái kết đó gây ra cho game thủ. Dưới đây là danh sách một số tựa game như vậy.
Watch Dogs
Sau hàng chục giờ chơi theo chân Aiden Pearce trong cuộc tìm kiếm và trả thù những kẻ giết hại cháu gái mình, bạn mong chờ một cái kết hoành tráng? Một vụ nổ thật khủng bố giữa Chicago? Hay toàn bộ chính quyền thành phố ấy bị lật đổ? Nhưng hóa ra, chẳng có gì như thế cả. Cốt truyện của Watch Dogs vốn đã cẩu thả và nhàm chán thì cái kết cũng chẳng khá hơn là bao. Đầu tiên thì bạn hạ gục tên phản diện chính bằng cách hack vào máy theo dõi nhịp tim của hắn, sau đó thì bạn đuổi theo một vài tên khác, hạ gục một tên ở trên nóc của ngọn hải đăng, giết tên còn lại trong một cái nhà kho sau đoạn credit, và thế là hết, cái kết đã chán, nhưng quá trình chơi cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, bởi vì nói đơn giản, cốt truyện của game và bản thân nhân vật chính Aiden Pearce thực sự là một mớ tạp nham đúng nghĩa, không hề có chút gì thú vị.
Mass Effect 3
Phải nói thật lòng cái kết của Mass Effect 3 không hề tương xứng với tầm vóc và quy mô của series game này và là thứ các fan không hề mong muốn. Qua ba phần game với hàng trăm, hàng nghìn lựa chọn khác nhau để xây dựng nên một cốt truyện và các nhân vật đáng nhớ, mỗi lựa chọn lại dẫn đến một kết quả khác nhau, dù xấu dù tốt, tất cả đều để lại những ấn tượng cho người chơi và khiến hành trình của các nhân vật thực tế và sống động hơn
Thế rồi chúng ta có những ending của Mass Effect 3, chỉ ba ending duy nhất với mã hiệu là “red”, “blue” và “green”. Không quan tâm bạn có chọn lựa điều gì suốt ba phần game, lúc nào cũng chỉ có ba cái kết và dường như toàn bộ những lựa chọn trước đó không hề ảnh hưởng chút nào tới ba cái kết. Nghĩa là bạn có chọn lựa kiểu gì cũng được, bạn sẽ vẫn lấy được cái kết mình thích. Vậy thì tốn công xây dựng hệ thống các lựa chọn đồ sộ như vậy để làm gì chứ BioWare?
Deus Ex: Mankind Divided
Có thể nói đơn giản về Deus Ex: Mankind Divided như thế này, giả sử bạn đang xem một bộ phim hành động bom tấn đỉnh cao, bạn vừa xem hết act 1 của phim – chứa đựng một trận chiến mãn nhãn nhưng mới chỉ là mở đầu và bạn nghĩ phần sau của phim sẽ còn bùng nổ hơn, nhưng rất tiếc, phim kết thúc cái roẹt ngay sau act 1. Đó là những gì xảy ra với Deus Ex: Mankind Divided, nó có một cái kết mà không phải kết, bởi vì có vẻ như Square Enix đã cắt game nguyên gốc ra làm hai và Deus Ex: Mankind Divided chỉ là phần một, nhưng lại được làm thành một game hoàn chỉnh và khỏi phải nói cũng biết cái kết của game nó khiên cưỡng và đột ngột đến thế nào.
Borderlands
Suốt hành trình trong Borderlands, bạn cần tìm cách để có thể vào được trong The Vault, một căn hầm ẩn chứa kho báu và các bí mật. Để mở được The Vault, bạn cần một cái chìa khóa, và khi bạn đã tìm được nó, bạn sẽ trải qua một trận chiến cực kỳ hoành tráng để tiến tới The Vault… thế rồi bạn không thể mở được nó ra, bởi vì ngay khi bạn đến được The Vault, game kết thúc và credit chạy lên. Hóa ra, cái chìa khóa này không thực sự là một cái chìa khóa và lẽ dĩ nhiên là nó không thể mở được The Vault, những cú twist kiểu này không hiếm trong các tựa game hay các tiểu thuyết phiêu lưu, có điều, những cú twist như thế này thì thường diễn ra ở khoảng GIỮA, còn với Borderlands, thì nó là kết thúc luôn, khá là vô nghĩa và nó làm cho game thủ cảm giác hàng chục giờ chơi của mình bỏ ra… chẳng để làm gì.
Life is Strange
Life is Strange là một game có cốt truyện rất hay và ấn tượng, nhưng còn hai cái kết của game, thì thực sự khiến game thủ cảm thấy tồi tệ. Bởi vì dù có đến hai cái kết, nhưng cái kết nào cũng không hoàn toàn là kết đẹp, hay nói cách khác, dù chọn cái kết nào thì bạn cũng là kẻ thua cuộc mà thôi. Life is Strange có hai cái kết: hoặc là hy sinh cô bạn Chloe để cứu thị trấn và hàng ngàn mạng sống, hoặc cứu sống cô ấy và để thị trấn bị phá hủy. Lựa chọn nào cũng đều tồi tệ cả, nhưng vấn đề của game là dù trước đó bạn có lựa chọn như thế nào thì cuối cùng game cũng vẫn đi về hai lựa chọn đó mà thôi, không có gì khác biệt hết. Đó là điểm mà khá nhiều game thủ thấy không hài lòng với Life is Strange
Halo 2
Cái kết của Halo 2… tệ đến mức ngay cả những người tạo ra nó còn cảm thấy hối hận khi tạo ra nó. Tuy nhiên, có thể phần nào thông cảm đôi chút cho đội ngũ làm game bởi vì Halo 2 bị dính vấn đề liên quan đến deadline và để kịp deadline thì bắt buộc phải cắt bỏ một phần game chưa hoàn thiện. Và cái phần bị cắt bỏ ấy, chính là cái kết thực sự, cái kết lẽ ra đã rất hoành tráng, nhưng lại bị cắt bỏ và thay vào đó, cái kết của Halo 2 lại là khoảnh khắc ngay trước trường đoạn kết thúc thật sự đã bị cắt. Vì vậy cho nên cái kết của Halo 2 rất lửng lơ và khó hiểu, đồng thời gây thất vọng tột độ cho người chơi.
New Super Mario Bros Wii
Nếu như đưa được 100% nội dung ban đầu vào, thì tựa game này sẽ là một tựa game cực kỳ xuất sắc. Bạn sẽ phải tìm từng màn chơi ẩn, hoàn thành xuất sắc từng level, thu thập đủ những ngôi sao của game. Bạn cứ nghĩ Nintendo sẽ tặng cho bạn một phần thưởng xứng đáng sau khi hoàn thành tựa game này? Không, bạn nhầm rồi.
Hóa ra, game còn chẳng có “true ending”, chẳng có những đoạn cutscene đã được quảng cáo, bạn cũng sẽ chẳng nhận được những kỹ năng ẩn hay được nâng cấp sức mạnh dù bạn có vượt qua bao nhiêu màn chơi đi chăng nữa. Cuối cùng, sau khi hoàn thành game, sẽ chỉ có duy nhất dòng chữ “Thanks for playing” chứ chẳng còn gì khác. Không thể nào tệ hơn được.
Mortal Kombat 4
Ending của Jax trong Mortal Kombat 4 thực sự tồi tệ và nó trông như một trò đùa mà các nhà phát triển ở Netherrealm đưa vào hơn là một cái kết thực sự. Animation nhân vật thì thô cứng, lồng tiếng tệ hại và lời thoại thì nhàm chán. Đoạn cutscene kết thúc game này giống như một trò đùa mà Mortal Kombat 4 ném vào mặt các fan của game nói chung và các fan của nhân vật Jax nói riêng
(Còn tiếp...)