Những trò chơi kinh điển nhất của lịch sử ngành game Nhật Bản

F.F Chocobo  - Theo Trí Thức Trẻ | 03/07/2016 11:00 PM

Khó mà hình dung được ngành công nghiệp game hiện đại nếu thiếu đi những sản phẩm này.

Ngày nay video game có thể đến từ khắp mọi đất nước trên thế giới, thậm chí là phát triển bởi duy nhất một cá nhân thông qua kinh phí quyên góp. Nhưng ở giai đoạn đầu khoảng 3 thập kỉ về trước, cả ngành công nghiệp video game gần như được quyết định bởi những bộ óc sáng tạo đến từ đất nước Nhật Bản. Ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng điểm lại một số cái tên kinh điển nhất mà xứ sở Mặt Trời mọc đã cho ra đời theo thứ tự từ cổ xưa đến hiện đại.

Space Invaders (1978)

Space Invaders là tiền thân của Galaga cũng như bất kì tựa game shooter có lối chơi tương tự mà game thủ Việt Nam gọi bằng cái tên dân dã là "Bắn ruồi". Ra mắt vào năm 1978, Space Invaders đã tạo nên một cơn sốt thực sự ở các địa điểm kinh doanh máy chơi game thùng (arcade) trên toàn đất nước Nhật Bản nhờ lối chơi đơn giản những dễ gây nghiện (tất nhiên theo tiêu chuẩn 40 năm về trước) cùng nhạc nền hấp dẫn. Nhờ có Space Invaders, các nhà làm game mới bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của âm nhạc trong game còn trước đó, đa số các trò chơi đều chỉ có những tiếng động đơn giản.

Các nhà thiết kế game nổi tiếng hiện nay như Shigeru Miyamoto (Mario, Zelda), Hideo Kojima (Metal Gear Solid) đều công nhận rằng Space Invaders là bước cách mạng quan trọng trong sự phát triển của video game, đồng thời cũng chính là nguồn cảm hứng khiến họ đến với ngành công nghiệp này. Điều này phần nào thể hiện ý nghĩa của Space Invaders - một trong những tựa game cổ điển nhất.

Pac-Man (1980)

Pac Man - Hình tròn với cái miệng phàm ăn cũng là một biểu tượng đã rất đỗi quen thuộc đối với cộng đồng game thủ trên toàn thế giới. Một mê cung đầy rẫy những hạt đậu nhỏ và nhiệm vụ của người chơi là phải ăn sạch chúng trong khi né tránh 4 bóng ma lang thang khắp nơi, một hệ thống gameplay đơn giản nhưng thu hút hàng triệu người say mê vào năm 1980. Pac Man đã góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu yếu tố vật phẩm tăng sức mạnh cho nhân vật rất phổ biến ở video game ngày nay mà trong game được thể hiện bằng hạt đậu có kích thước lớn.

Donkey Kong (1981)

Vào thập niên 80, cốt truyện là một thứ đầy xa xỉ đối với các tựa game máy thùng Nhật Bản. Donkey Kong cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, tuy nhiên ít nhất thì người xem cũng được theo dõi một đoạn cắt cảnh trong đó con khỉ đột khổng lồ bắt đi bạn gái Pauline của nhân vật chính mang tên Jumpman, đó là lý do tại sao anh ta cứ phải tránh hết những chiếc thùng phuy này sang thùng phuy khác để leo lên đỉnh tháp. Xuất phát điểm của yếu tố cốt truyện trong game chỉ đơn giản như vậy thôi.

Một nguyên nhân nữa khiến cho Donkey Kong trở thành trò chơi rất quan trọng trong lịch sử phát triển của làng game là giới thiệu nhân vật Mario - gã thợ sửa ống nước mà sau này sẽ có cho mình cả một loạt series game dài hơi ăn khách giúp Nintendo có được vị thế như ngày hôm nay.

Super Mario Bros (1985)

Và đã nhắc đến trứng thì không thể bỏ quên gà, Super Mario Bros ra đời vào năm 1985 chính là sự tiếp nối của Donkey Kong với một kịch bản tương tự, chỉ có điều hai nhân vật Jumpman và Pauline nay được đổi tên thành Mario và công chúa Peach. Bên cạnh việc định hình cho thể loại game platform thì Super Mario Bros còn chính là tuổi thơ của hàng triệu game thủ trên toàn thế giới.

Final Fantasy (1987)

Nỗ lực cuối cùng của Square Soft trong việc hồi sinh công ty cùng tài năng của chàng trai trẻ Hironobu Sakaguchi đã cho ra đời Final Fantasy hay "Ảo mộng cuối cùng" - cái tên phản ánh rất rõ sứ mệnh của trò chơi. Nhưng thực tế thì sau gần 30 năm tồn tại và phát triển, cộng đồng fan hâm mộ vẫn chưa thấy cái kết của dòng game này đâu cả mà trái lại còn đang hào hứng chờ đợi phiên bản thứ 15 chuẩn bị ra mắt vào tháng 10 năm nay.

Vì sao Final Fantasy quan trọng đối với làng game? Câu hỏi này thật khó trả lời bởi nó là điều hiển nhiên chẳng khác nào việc người châu Á ăn cơm hàng ngày cả.

Theo Kotaku

(Còn tiếp)

>> Những tựa game sẽ khiến bạn giật mình khi ngộ ra mình đã già