- Theo Trí Thức Trẻ | 06/05/2016 06:10 PM
E.T. Extra Terrestrial
E.T - tác phẩm của đạo diễn Steven Spielberg ra mắt năm 1982 là một trong những bộ phim được đánh giá rất cao, thế nhưng đáng tiếc là tựa game ăn theo cùng tên do hãng Atari phát triển lại không được như vậy, thậm chí nó còn bị đánh giá là trò chơi tệ hại nhất từng tồn tại trong lịch sử làng game.
Lối chơi hết sức nhàm chán kết hợp cùng sự vắng mặt hoàn toàn của các chỉ dẫn cần thiết để người chơi hiểu ra mình cần phải làm gì trong game đã khiến E.T bị đánh giá là tựa game dở chưa từng có, đồng thời cũng là nguyên nhân khiến Atari thua lỗ nặng nề trong giai đoạn 1983-1984 và kết cục bị chia cắt làm hai sau đó.
Shaq Fu
Sẽ ra sao khi bạn vào vai Shaquille O'Neal, một trong những siêu sao ở tầm huyền thoại của làng bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, nhưng không phải trong một game bóng rổ mà là một game đối kháng? Câu trả lời là Shaq Fu.
Khi được ra mắt vào tháng 10/1994, Shaq Fu được cộng đồng và các nhà phê bình đánh giá rất cao về hình ảnh cũng như chuyển động, điều hiếm thấy ở một game song đấu thời bấy giờ. Thế nhưng tất cả những gì còn lại thật là thảm họa. Từ cốt truyện, khả năng điều khiển nhân vật cho tới cả sự hiện diện của tuyển thủ bóng rổ đã bị chỉ trích là "không liên quan" tới game. Thậm chí tựa game bị ghét đến nỗi có hẳn một trang web kêu gọi mọi người phá hủy mọi bản Shaq Fu còn sót lại trên thị trường.
Superman: The New Adventures
Ra mắt vào năm 1999 trên nền Nintendo 64, thế nhưng tựa game lấy đề tài một trong những siêu anh hùng nổi tiếng nhất thế giới này lại không được biết tới như một trong số những trò chơi nhảm nhí và dở tệ bậc nhất.
Trong truyện tranh, Superman có nhiệm vụ bảo vệ nhân loại, nhưng cũng chẳng hiểu sao Titus Software lại quyết định anh chàng mặc quần xì ngoài quần dài này chỉ cần bay theo một quỹ đạo đã định sẵn, giống như đang... đua máy bay vậy. Chưa hết, bản thân đồ họa lẫn lối chơi cũng chán không thể tả nổi với hàng loạt lỗi lớn nhỏ trong quá trình chơi.
Daikatana
Những cô nàng mặc đồ bó, hở hang sexy và cầm những món vũ khí ngầu luôn là thứ được nhiều hãng game lấy ra để mồi chài game thủ. Thế nhưng với Daikatana, đó là thứ duy nhất thôi thúc game thủ thử trò chơi này. Phải mất đến 3 năm để phát triển, thế nhưng khi ra mắt vào năm 2000, hình ảnh trên nền engine Quake II đã bị đánh giá là quá lỗi thời so với Quake III ra mắt cùng thời điểm.
Cách chơi chán, quảng cáo gây chú ý nhưng phản cảm và tạo ra nhiều tranh cãi, thậm chí là nội bộ lục đục tranh cãi trong quá trình phát triển là những gì người ta nhớ đến Daikatana.
Aliens: Colonial Marines
Thật khó để tưởng tượng ra một thế giới không có dòng phim khoa học viễn tưởng Aliens. 3 bộ phim lần lượt ra mắt vào các năm 1979, 1986 và 1992 đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho cả điện ảnh và ngành công nghiệp giải trí điện tử. Bạn có thể tìm thấy những ý tưởng được học tập từ series phim này trong Half Life, Metroid, Dead Space, Doom, Contra v.v... Tuy nhiên, một tựa game được xem như là sequel chính thức lại trở nên cực kì khó khăn đối với bất cứ một nhà phát triển nào, dù đó là GearBox Software, studio đã cực kì thành công trong năm 2012 với Borderlands 2.
Sáu năm trời phát triển vẫn không khiến cho Colonial Marines trở thành một tuyệt tác. Thay vào đó, Đồ họa lỗi thời, AI đơn điệu, rất nhiều lỗi trong gameplay, các tình tiết cốt truyện không được giải thích rõ ràng đã khiến cho tựa game mất điểm một cách trầm trọng trong mắt những game thủ.