Pokemon đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong suốt hơn 20 năm qua. Và trong thời gian này, những chú Pokemon đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm manga, anime. Thậm chí, theo số liệu của Pokemon Company, quy mô và doanh thu về nhượng quyền thương mại của cái tên Pokemon đã lên tới hơn 6000 tỷ yên, tương đương 54 tỷ USD. Và hãy cùng đi sâu vào để tìm hiểu, liệu vẫn còn những bí ẩn gì về cái tên Pokemon vốn đã quá nổi tiếng này mà chúng ta chưa biết tới nhé.
Pokemon được tạo ra nhờ đam mê thời thơ ấu của tác giả
Nhiều người vẫn chỉ nhớ tới những cái tên nổi tiếng như Shigeru Miyamoto hay Sid Meier mà ít khi nhớ tới Satoshi Tajiri – cha đẻ của những chú Pokemon.
Bắt côn trùng là thú vui thời nhỏ của tác giả Satoshi Tajiri
Và theo như Kotaku thì Satoshi Tajiri lớn lên ở Machida, Nhật Bản. Mặc dù thành phố này đã được sát nhập vào Tokyo, nhưng đây vẫn là vùng đất đặc chất nông thôn trong những năm 1960. Satoshi Tajiri lớn lên với niềm đam mê cháy bỏng sưu tập những chú côn trùng, tới mức mà ông được bạn bè đặt cho biệt danh Mr Bug. Để rồi vào năm 1990, khi Satoshi Tajiri thấy hai đứa trẻ kết nối Gameboys với nhau, ông đã ngay lập tức hình dung ra ý tưởng về một tựa game mà những người chơi sẽ đi thu thập côn trùng, sau đó chiến đấu với nhau. Đó cũng là lúc mà cái tên Pokemon ra đời.
Pikachu không phải là linh vật của Pokemon
Pikachu, con Pokemon đầu tiên của Ash đã trở thành một trong những biểu tượng trên toàn cầu. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng, ban đầu, nó không hề được coi là linh vật của bộ truyện, mà danh hiệu đó đáng nhẽ phải thuộc về Pippy, hay tên tiếng Anh mỹ miều hơn là Clefairy.
Thực tế thì Pippy chứ không phải Pikachu mới là Pokemon đầu tiên của Ash
Thật ra, trong manga gốc đầu tiên của Pokemon, Pippy mới là thú cưng đầu tiên mà Ash thu phục được. Nhưng rồi, nhiều người cho rằng, sự hài hước có phần thô lỗ của nó không quá phù hợp với nhiều đứa trẻ, cũng như hình tượng mà Nintendo đang hướng tới. Pikachu thì chắc chắn là nhìn dễ thương và hiền hậu hơn hẳn, cũng như dễ chiếm được cảm tình của nhiều người. Thêm vào đó, bộ lông vàng cũng là một lợi thế nổi bật của chú chuột điện so với Pippy.
Tạo hình của Pikachu không phải được mô phỏng theo loài chuột
Pikachu vẫn được gọi là chú chuột điện dễ thương, nhưng tạo hình của nó lại được mô phỏng theo một giống loài khác hoàn toàn. Atsuko Nishida, người thiết kế nhân vật đã tiết lộ về cảm hứng của mình khi thiết kế nhân vật này theo một cách khá dễ thương: “Vào thời điểm đó, tôi thực sự thích sóc, vì vậy tôi muốn tạo ra một đôi má bầu bĩnh cho Pikachu. Đuôi sóc rất dễ thương, vì thế tôi muốn có một cái đuôi cách điệu, và kết hợp với nguyên tố sét thì sẽ ra hình dáng của một Pikachu như bây giờ”.
Nhìn kỹ thì Pikachu vẫn giống chuột hơn sóc đấy
Nishida gửi thiết kế của mình, và người sáng tạo ra Pokemon, Satoshi Tajiri quyết định nó nên là một con chuột. Thế là chúng ta có một con chuột điện, thay vì sóc điện dễ thương.
Một tập phim Pokemon từng khiến gần 700 trẻ em nhập viện
Trong tập phim Electric Soldier Porygon, Ash, Pikachu và những người bạn của mình bước vào một thế giới ảo, nơi mọi thứ đang chìm trong hỏng hóc và tìm cách để sửa chữa nó. Pikachu có nhiệm vụ sử dụng điện năng của mình để chống lại cơ chế hoạt động của thế giới ảo này. Các họa sĩ và biên kịch đã sử dụng các hiệu ứng nhấp nháy màu đỏ và xanh để tạo nên ấn tượng về một vụ nổ. Đáng buồn là ngay sau khi xem tập phim này, trẻ em trên khắp Nhật Bản bắt đầu xuất hiện nhiều triệu chứng như đi ngoài, nôn mửa, buồn nôn hay thậm chí có cả co giật và mù tạm thời nữa.
Phim về thế giới ảo, nhưng lại khiến người thật phải nhập viện
685 trẻ em đã được đưa vào bệnh viện với căn bệnh tạm gọi là cú sốc Pokemon. Ngay lập tức, bộ phim bị gỡ sóng tới vài tháng sau đó, đồng thời giá cổ phiếu của công ty giảm mạnh như một hệ quả tất yếu của vụ việc. Khó tin phải không nào.