Những sai lầm nghiêm trọng từng khiến Marvel hối hận mãi không thôi (Phần 2)

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 29/09/2016 11:00 AM

Tuy là một hãng truyện tranh lớn và hiện tại rất nổi tiếng với vũ trụ điện ảnh siêu anh hùng của mình nhưng trong lịch sử phát triển, Marvel cũng từng mắc phải những sai lầm nghiêm trọng khiến các lãnh đạo phải hối hận mãi không thôi.

Các quyết định sai lầm của Ron Perelman

Vào năm 1989, Perelman đã mua lại Marvel với giá 82 triệu USD. Sau đó, ông ta đã quyết định tăng giá bán truyện tranh bởi cho rằng các fan sẽ vẫn chịu chi thêm tiền một khi họ đã mê các tác phẩm của Marvel. Một số cắn răng chịu mua truyện với giá cao hơn nhưng một phần lớn lại chán nản và bỏ không đọc truyện của Marvel nữa.

Chất lượng giảm sút nhưng giá truyện lại tăng lên đã trở thành nguyên nhân tạo nên cơn khủng hoảng nặng nề cho Marvel vào đầu thập niên 90. Perelman còn dùng vốn của công ty để mua lại các công ty sản xuất tạp chí, đồ chơi... khiến Marvel ôm khoản nợ khổng lồ 700 triệu USD mãi sau này mới trả hết.

Bán bản quyền chuyển thể phim

Vào đầu những năm 90, Marvel vẫn chưa nghĩ xa tới tầm chuyển thể truyện tranh của mình thành phim điện ảnh nên họ cứ thế thản nhiên bán bản quyền dựng phim về các nhân vật của mình cho các studio khác. Kể từ thời điểm này, những cái tên như X-Men, Spider-Man, Black Panther, Hulk... bắt đầu xuất hiện trên màn ảnh nhưng không phải là "dưới trướng" của Marvel.

Phải mãi tới sau này, các lãnh đạo của Marvel mới nhận ra được sai lầm chết người này và vào năm 2005, khi mà tình hình tài chính của Marvel đã khá khẩm hơn thì công ty đã bắt đầu lên kế hoạch... mua lại bản quyền chuyển thể phim về các nhân vật của mình. Tất nhiên là không phải ai cũng sẵn sàng bán lại bản quyền cho Marvel, như trường hợp của Fox với X-Men, Deadpool, Fantastic Four... là một ví dụ.

"Thảm họa Fantastic Four"

Nếu bạn coi bộ phim Fantastic Four phiên bản làm lại năm 2015 vừa rồi là một thảm họa thì hãy đợi một chút, tôi sẽ chỉ cho bạn một phiên bản còn kinh khủng hơn về Bộ Tứ này nữa cơ. Như đã nói ở trên, vấn đề bản quyền chuyển thể thành phim không được Marvel chú trọng và một studio phim cỡ nhỏ cũng có thể hỏi mua bản quyền của Marvel một cách dễ dàng.

Khi bộ phim Fantastic Four đầu tiên được sản xuất, giám đốc của Marvel lúc đó là Avi Arad đã phải chi ra vài triệu USD để mua lại bộ phim này chỉ để... chôn chặt nó trong két sắt vì không muốn một bộ phim tệ hại như vậy làm ảnh hưởng tới thương hiệu Fantastic Four. Số tiền Marvel chi ra để mua lại phim tốn gấp 4 lần so với tiền kiếm được từ việc bán bản quyền trước đó... Một bước đi thật sai lầm.

Vụ trả thù với Defiant Comics

Đã từng có thời Marvel thuê Jim Shooter làm quản lý và ông này đã giúp cải thiện khá nhiều chế độ đãi ngộ cho họa sĩ. Tuy nhiên, sau đó thì những luật hà khắc liên quan đến deadlines làm việc do ông đặt ra đã khiến hàng loạt họa sĩ của Marvel chạy sang làm cho DC. Bản thân ông sau đó cũng nghỉ việc để lập công ty riêng mang tên Defiant Comics.

Để "trả thù" Jim Shooter, khi Defiant Comics ra mắt tựa truyện tranh Plasm, Marvel đã nhanh tay đăng ký bản quyền tên nhân vật Plasmer và kiện Defiant Comics ra tòa vì dùng tên... hao hao với tên mà họ đã đăng ký. Defiant thua kiện, bị phạt bồ thường 300,000 USD và cũng phá sản luôn sau vụ này.

Gặp khốn đốn vì xử tệ với họa sĩ

Sau vụ lùm xùm với Shooter ở trên, Marvel tiếp tục vướng vào rắc rối với các họa sĩ của mình. 8 họa sĩ hàng đầu của họ đã họp nhau lại, yêu cầu Marvel tăng nhuận bút, đãi ngộ và cách đánh giá tác phẩm của họ. Quản lý lúc này là Terry Stewart đã từ chối tất cả các yêu cầu.

Quá tức giận, các họa sĩ trên đã rút khỏi Marvel, cùng nhau xuất bản truyện dưới tên Image Comics. Việc thiếu hụt các tác phẩm đình đám khiến cổ phiếu Marvel lao dốc thảm hại làm cho công ty lao đao một thời gian khá dài mới có hể gượng dậy được. Vụ việc Image Comics tương đối nổi tiếng bởi sau đó, các hãng truyện tranh đã phải xem xét lại việc đối xử với họa sĩ của mình.