Những nhà vô địch Liên Minh Huyền Thoại ngày ấy bây giờ: Phần 1 - Fnatic 2011

SteLLar  - Theo Trí Thức Trẻ | 25/06/2016 09:00 AM

Liên Minh Huyền Thoại
01/08/2012 NCB: Riot Games NPH:

Trong loạt bài này, hãy cùng nhìn lại xem những nhà vô địch Liên Minh Huyền Thoại từ mùa 1 đến nay, họ giờ đang ở đâu.

Hệ thống giải đấu Liên Minh Huyền Thoại trên toàn thế giới mùa thứ 6 đã bước qua nửa chặng đường giai đoạn mùa Xuân. Tất cả các đội tuyển đang hối hả chạy đua cho mục tiêu quan trọng nhất trong năm, đỉnh cao của Liên Minh Huyền Thoại chuyên nghiệp, đó là Chung kết thế giới mùa 6 tại Mỹ.

Thời gian qua đi với biết bao thay đổi theo sự phát triển không ngừng của Liên Minh Huyền Thoại. Từ một giải đấu nhỏ trong gian hàng tại Hội chợ game do Dreamhack tổ chức cho đến Nhà thi đấu Mercedez-Benz Arena với sức chứa 20000 tại Đức. Một chặng đường dài đã đi qua, 5 mùa giải, 4 cái tên đã bước lên đỉnh vinh quang (2 lần cho SKT T1), 26 cái tên được khắc ghi lên bảng vàng. Họ là những người đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Liên Minh Huyền Thoại ngày nay. Trong loạt bài này, hãy cùng nhìn lại xem những nhà vô địch ngày ấy giờ đang ở đâu.

Season 1 – Hội chợ Dreamhack summer tại Thụy Điển 2011 – Vô địch Fnatic

Mùa giải đầu tiên của Liên Minh Huyền Thoại lúc này vẫn còn rất non trẻ, chưa có một hệ thống giải đấu như hiện nay. Các giải đấu thường được các đối tác của Riot tổ chức và Chung kết thế giới mùa 1 được tổ chức như 1 gian hàng trong Hội chợ game Dreamhack Summer 2011 với 8 đội tuyển tham dự. Lượng khán giả theo dõi trận Chung kết ghi nhận chỉ khoảng 100 người.

Fnatic trở thành nhà vô địch đầu tiên của Liên Minh Huyền Thoại thế giới sau khi đánh bại Team aAa, đội tuyển có trong đội hình 2 thành viên mà sau này cũng trở thành 1 phần trong lịch sử của Fnatic là Soaz và Yellowstar. Trở lại với nội dung chính của bài viết. 5 thành viên đội hình Fnatic ngày đó giờ ra sao?

Enrique “Xpeke” Cedeno Martinez

Không cần nói thêm nhiều về cái tên này nữa. Sự nghiệp oai hùng đã bước sang mùa giải thứ 6, từ anh chàng trẻ tuổi được Fnatic thu nạp ngày nào, anh giờ đã là huyền thoại không thể chối cãi, một trong những game thủ có tuổi nghề lâu nhất, tham dự 4/5 mùa CKTG, 4 chức vô địch LCS EU cùng nhiều danh hiệu lớn nhỏ khác.

Xpeke sau ngần ấy thời gian, đủ những thăng trầm vẫn đầy đam mê và cảm hứng dành cho Liên Minh Huyền Thoại. Đội tuyển với anh là người sáng lập mang tên Origen gây tiếng vang khi lọt vào Bán kết ngay lần đầu tham dự CKTG mùa 5. Dù Origen đang trong giai đoạn khó khăn với nhiều trục trặc về lực lượng nhưng chừng nào khán giả tại LCS EU hàng tuần vẫn hô vang “Xpeke, Xpeke,…” thì chúng ta hãy cứ tin rằng anh và đội tuyển của mình sẽ trở lại.

Maciej “Shushei” Ratuszniak

Anh chàng với bộ dạng hầm hố người Ba Lan cùng với Xpeke chính là 2 chủ lực trong chiến thuật double AP ngày nào đưa Fnatic lên đỉnh. Tuy nhiên sự nghiệp sau đó của Shushei và Xpeke rẽ theo 2 hướng hoàn toàn khác nhau.

Sau mùa giải SS1 thành công thì với sự nổi lên của Moscow 5 lừng lẫy hay CLG.EU, Fnatic không còn duy trì được vị thế của mình, Shushei hoàn toàn lu mờ trước những Top lane khủng thời đó như Darien của M5, Wicked của CLG.EU. Trong khi Xpeke vẫn ở lại và cùng Fnatic phục hưng những mùa sau đó thì Shushei lựa chọn cho mình một con đường mới. MVP của SS1 ngày nào lang bạt qua khá nhiều đội tuyển ở nhiều châu lục (cả Hàn Quốc) nhưng không thể tìm lại ánh hào quang ngày nào. Shushei chính thức công bố giải nghệ sau khi rời Team Pulse năm 2013.


Chiến thuật Double AP với 2 hạt nhân Gragas và Karthus

Chiến thuật Double AP với 2 hạt nhân Gragas và Karthus

Peter “Mellisan” Meisrimel

Tham gia Fnatic ngay từ những ngày đầu thành lập và cùng LamiaZealot tạo thành cặp bot hàng đầu châu Âu, sánh ngang với Genja – Edwards của M5 thời đó. Nhưng sự nghiệp của Mellisan dừng lại khá sớm khi không lâu sau khi Shushei rời đội Mellisan cũng đã công bố giải nghệ để tập trung cho việc học hành

Manuel “LamiaZealot” Mildenberger

Xạ thủ của đội hình vô địch vẫn duy trì phong độ khá ổn định nhưng sau khi người đồng hương Mellisan rời đội có lẽ đã ảnh hưởng đến anh. LamiaZealot cũng thông báo rời Fnatic sau LCS mùa Xuân 2013 để dành thời gian học tập, anh sau đó sang Đài Loan học tiếng Trung Quốc và có tham gia vào một đội tuyển chuyên nghiệp trong thời gian ngắn trước khi biến mất khỏi đời sống Liên Minh Huyền Thoại một lần nữa. Đầu năm 2015, cái tên LamiaZealot xuất hiện trong danh sách dự bị của Fnatic nhưng rốt cục đó chỉ là xuất hiện trên giấy tờ để phù hợp với luật thành viên dự bị của Riot.


LamiaZealot và Mellisan

LamiaZealot và Mellisan

Lauri “Cyanide” Happonen

Game thủ điển trai người Phần Lan chính là đội trường của Fnatic mùa giải đầu tiên. Với phong cách đi rừng là người call chính của team, Cyanide sánh ngang với những tên tuổi thời đó như Diamondprox (EU), CloudTemplar (KR), Saintvicious (NA). Cùng với Xpeke ở lại và phục hưng Fnatic trong khi những ông lớn cùng thời như Moscow 5, CLG.EU lần lượt lụi tàn, tiếp tục cùng người bạn thân xây dựng Origen những ngày còn trong thai nghén.

undefined
undefined

Hiện nay, dù vẫn có tên trong danh sách dự bị Origen nhưng Cyanide đã chính thức giải nghệ và thi thoảng xuất hiện với vai trò một Bình luận viên khu vực LCS EU. Cyanide luôn nhắc về Fnatic mùa giải đầu tiên như một đội tuyển đẹp nhất trong tim mình, đặc biệt ấn tượng về anh với phát biểu: “Tôi chỉ muốn chơi trong một đội tuyển gồm những người bạn của mình, đặc biệt là Xpeke”. Chàng strai người Phần Lan là một biểu tượng đẹp cho lòng trung thành và tình bạn.