- Theo Trí Thức Trẻ | 21/10/2016 11:42 PM
Nếu không có những tiến bộ của công nghệ, thì có lẽ giờ này đây chúng ta sẽ chẳng thể có được những sản phẩm giải trí tương tác hàng ngày chúng ta say mê đến như vậy. Những tựa game sẽ vẫn sở hữu nền đồ họa tầm thường, không có gì gây ấn tượng.
Đành rằng cốt truyện là thứ khiến game thủ khám phá và trải nghiệm tựa game, thế nhưng cũng không thể quên rằng với nhiều game thủ, đồ họa mới là ấn tượng đầu tiên thu hút họ đến với những game mới ra mắt. Đó cũng là lý do khiển cho không ít game với cốt truyện và lối chơi chỉ tàm tạm nhưng vẫn đem lại doanh thu khổng lồ hàng năm cho các hãng lớn.
Tương tự như vậy với làng game Việt, trong vài năm trở lại đây, công nghệ đã thay đổi nhiều khía cạnh của thị trường, chứ không chỉ tính riêng chất lượng đồ họa của những game online.
Game ngày càng đẹp lên
Khi những thiết bị phần cứng có khả năng xử lý và tính toán nhanh hơn, tốt hơn, mạnh hơn so với thế hệ cũ ra mắt, chẳng chóng thì chầy, mức giá của chúng sẽ giảm đi (dĩ nhiên là trừ một vài trường hợp như SSD chẳng hạn). Khi đó, những game thủ với túi tiền không mấy dư dả đều có khả năng trang bị cho bản thân mình một cỗ máy tính chơi game với cấu hình tương đối để thả mình vào game.
Nhờ đó, các nhà phát triển game (cả game online lẫn offline) đều có những bước tiến lớn về hình ảnh. Những game 2D hoặc 3D với đồ họa “khối vuông” dần dần được thay thế bởi những bối cảnh giống với khung cảnh thật nhất. Những game online sử dụng engine đồ họa cao cấp, một thời chỉ dành cho những game đỉnh như Unreal 3 hay Cry Engine giờ đây không khó để tìm kiếm.
Khi mặt bằng chung phần cứng máy tính tại nước ta ngày một cao lên, cũng là lúc game đỉnh có cơ hội ra mắt game thủ Việt. Trong quá khứ chúng ta đã có Võ Lâm Truyền Kỳ phiên bản 3D, sắp tới chúng ta sẽ có Warface cùng rất nhiều cái tên đình đám khác nữa.
Game mobile bùng nổ hơn cả game trên máy tính
Trong trường hợp này, công nghệ đem tới cho chúng ta ba điều: Kết nối internet không dây tốc độ cao (3G, ít lâu nữa có thể là 4G), những hệ điều hành di động mạnh mẽ, và mức giá của những chiếc smartphone chạy những HĐH như iOS hay Android ngày càng có mức giá phải chăng, tạo điều kiện cho nhiều người Việt có cơ hội sở hữu.
Ba điều kể trên giống như một hiệu ứng domino kéo theo hai hệ quả: Sự phát triển chóng mắt của những dịch vụ OTT, và quan trọng hơn đối với game thủ chúng ta, là những gMO (game mobile online) trong những năm qua.
Ban đầu chỉ là những game online mang đậm tính cộng đồng chạy trên nền tảng Java của những chiếc feature phone trước đây của Nokia hay Sony Ericsson, giờ đây chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của sự bùng nổ game online nền di động mạnh mẽ và to lớn hơn bao giờ hết.
Với nhiều ưu điểm khó cưỡng lại như tiện lợi, có thể thưởng thức mọi lúc mọi nơi, cơ chế điều khiển mới mẻ với màn hình cảm ứng, những game mobile sẽ còn sở hữu thị phần ngày một lớn hơn tại Việt Nam.
Nhờ vào khả năng phần cứng và khả năng của HĐH smartphone, những game online ra mắt tại thị trường nước ta sở hữu hình ảnh ngày càng ấn tượng. Chưa kể, các nhà phát hành vẫn đang trong quá trình nhập cuộc để cạnh tranh tốt hơn tại thị trường mới mẻ nhưng đầy hứa hẹn và cũng đầy khó khăn này.
Game thủ đua nhau sắm PC chơi game
Phàm đã là một game thủ PC, ai ai cũng muốn sở hữu cho mình một cỗ máy tính chơi game khủng để quẩy game cho thoải mái. Dĩ nhiên rất nhiều người đã được toại nguyện. Giờ đây chỉ cần cầm tiền ra cửa hàng máy tính, bạn sẽ được tư vấn từ A đến Z những cấu hình phù hợp cho nhu cầu chơi game, chơi mượt mà những tựa game bạn thích nhưng cùng lúc vẫn đáp ứng được điều kiện tài chính của bạn.
Thế nhưng để được là "Master Race", số tiền mà bạn phải bỏ ra không hề nhỏ một chút nào cả! Có GTX 1070 thì chưa đủ để chiến game, vì bạn sẽ cần rất nhiều phần cứng khác để chạy khớp với chiếc card đồ họa cao cấp. Vậy cấu hình phải như thế nào để có thể tự khẳng định bản thân là "vô đối", chơi được mọi game trên trời dưới bể, ấy mà lại còn phải có cái giá hợp lý, xứng đáng với khoản tiền bỏ ra nữa.
Cộng đồng game được dịp phát triển mạnh
Với sự phát triển của những nền tảng công nghệ nói chung và internet nói riêng, cộng đồng game thủ Việt, đặc biệt là những người hâm mộ nhiều tựa game eSports như Liên Minh Huyền Thoại, DOTA 2 hay CS:GO cũng được dịp phát triển một cách cực kỳ mạnh mẽ chỉ trong vài năm vừa qua.
Với những nền tảng streaming, người hâm mộ có thể theo dõi gần như tất cả những trận đấu chuyên nghiệp tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Họ có thể bàn luận, có những hỉ, nộ, ái, ố với những game thủ họ đang vô cùng thần tượng. Thế nhưng trên hết, tất cả những sự phát triển đó cũng thôi thúc họ chơi những tựa game mà mình hâm mộ nhiều hơn.
Những quán internet với trang bị cao cấp lần lượt mọc lên, vừa thỏa mãn nhu cầu của game thủ Việt với những sản phẩm giải trí cao cấp, vừa góp phần xóa bỏ hình ảnh những quán game lụp xụp, bẩn thỉu và chật chội từng in ký ức trong đầu rất nhiều thế hệ gamer lớn lên cùng chúng. Đi kèm với đó cũng là phong trào eSports nở rộ, cho phép ngày càng nhiều game thủ có thể tập luyện, trau dồi kỹ năng cá nhân của mình.