- Theo Helino | 01/04/2018 02:00 PM
Xuyên suốt quá trình phát triển của phần cứng máy tính, đã có vô số những thành tựu to lớn, và những thất bại song song với nó cũng không thể đếm xuể. Bàn phím chơi game, như 1 bộ phận nhỏ trong toàn cục lớn của ngành công nghiệp vi tính, cũng không là ngoại lệ.
Trong số các loại bàn phím tốt nhất cả về mặt thiết kế lẫn chức năng, có 1 số mẫu bàn phím được đề cập để nổi bật hơn những loại khác. Đó là những mẫu đặc biệt, phá vỡ giới hạn về định hình chung của bàn phím và thách thức sự mạo hiểm cũng như những rủi ro trong thị trường. Ở bài viết này, chúng tôi chọn ra 5 mẫu bàn phím luôn được người dùng yêu thích, dù ở bất kỳ thời đại nào.
Logitech G19 (ra đời năm 2009)
Năm 2009, G19 được biết đến là mẫu bàn phím hot nhất, chứa đựng mọi chức năng mà 1 gamer luôn mong muốn: 2 đầu USB nói tiếp, 12 phím macro, bộ phím đa phương tiện, và đương nhiên, nổi bật nhất, lung linh nhất chính là đèn nền RGB. Rất ít bàn phím, kể cả những mẫu mới hiện nay, có thể tích hợp nhiều chức năng bá đạo như Logitech G19.
Ở Logitech G19, nó còn được bổ sung thêm 1 tính năng đặc biệt. Đây là 1 trong 2 bàn phím full-size đã từng ra đời được trang bị màn hình màu LCD kết nối bằng cổng USB, giúp thống kê và cung cấp thông tin chỉ số trong các trò chơi cho người sử dụng.
Trên thực tế, màn hình LCD phụ của Logitech G19 đã gây ra nhiều tranh cãi. Người thì thích nó, người thì ghét tính năng này. Nhưng mặc cho người đời tranh cãi thì G19 cũng vẫn là mẫu gaming keyboard vô cùng thú vị vào thời điểm đó.
Các nhà sản xuất khác cũng nhanh chóng tung ra những mẫu bàn phím tương tự. Tuy nhiên, vẫn không một mẫu nào có thể đem lại hiệu quả và ảnh hưởng tích cực như G19 đã làm.
Razer Blackwidow (ra đời năm 2010)
Nói đến thành công của Razer thì phải kể đến 2 sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng. Đó là chuột gaming DeathAdder và bàn phím gaming Blackwidow.
Trong giai đoạn năm 2010, những mẫu bàn phím cơ trên thị trường bị coi là nhàm chán. Chúng chủ yếu được thiết kế và bán ra dựa trên độ bền chứ không phải về mặt thẩm mỹ. Nếu bạn đang đi mua một chiếc bàn phím vào thời điểm này, bạn sẽ gặp vô số những bàn phím đơn điệu và không có sức hấp dẫn vì thiếu ý tưởng trong thiết kế. Razer đã phá vỡ xu hướng nhàm chán này bằng sự đột phá mang tên BlackWidow.
Razor BlackWidow có 1 bộ 5 phím macro và thiết kế mang sắc thái giống hệt với tên loài nhện hấp dẫn chết ngời của nó. Sản phẩm sử dụng Cherry MX Blue switches, khiến nó trở thành 1 trong số những mẫu bàn phím cơ đầu tiên đem lại cảm giác chơi game chân thực nhất, đồng thời cũng tích hợp một số yếu tố đơn giản nhưng hữu ích từ những mẫu bàn phím khác như chức năng vô hiệu hóa nút Window.
Tại năm 2010, phiên bản giới hạn của dòng BlackWidow đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các game thủ, một phần cũng vì Razer đã làm rất tốt trong công đoạn marketing. Kể từ đó, BlackWidow phát triển rất mạnh mẽ, trở thành một trong những bàn phím chơi game nổi tiếng nhất từng được sản xuất. Mặc dù đã trải qua rất nhiều sửa đổi lớn trong vòng 7 năm qua, nhưng di sản mà BW để lại vẫn rất đặc trưng và gắn chặt với thiết kế của nó.
Cooler Master QuickFire Rapid (ra đời năm 2012)
Chiếc Cooler Master QuickFire Rapid (CMQR) nguyên gốc có thể dành giải thưởng bàn phím có nhiều hình xăm nhất. Thật vậy, nó có tới tận 3 logo của hãng được sơn lên mặt trước và được phân bố riêng biệt. Mặc dù những logo này được đánh giá không đẹp mắt cho lắm, nhưng nhờ vào thiết kế, CMQR không thể không xứng đáng khi là 1 trong những chiếc keyboard quan trọng nhất từng được làm.
Vào năm 2012, khi mà thời đại của bàn phím cơ đang nhanh chóng xâm nhập và xâm chiếm thị trường. Gamer thừa nhận những tích năng và lợi ích của phím cơ và sẵn sàng bỏ tiền đầu tư để sắm cho mình một chiếc keyboard thật ưng ý. Với việc là 1 thiết bị chơi game hiệu quả, bàn phím cơ thường có giá cắt cổ 100$ trở lên. Và nếu ngân sách của bạn không cho phép bạn sắm một chiếc, thì quá tệ, hãy trung thành với phím cao su nhé.
Việc thiếu các sản phẩm tốt, giá cả lại không hợp lý, khiến cho ngân sách của bạn luôn có 1 khoảng trống. Khoảng trống đó càng ngày càng to ra khiến cho gamer gặp rất nhiều khó khăn trong chi tiêu.
CMQR là giải pháp tuyệt hảo để lấp đầy lỗ trống đó. Khi mà hầu hết các mẫu bàn phím khác ngày càng trở nên phức tạp, The QuickFire Rapid làm ngược lại. Chiếc bàn phím tí hon này đã loại bỏ mọi chức năng không cần thiết, kể cả các phím num-pad, vừa gọn gàng vừa tiết kiệm.
Tiếp nhận ban đầu của người tiêu dùng không được tốt do số phím ít hơn so với những keyboard thông thường, tuy nhiên với 1 chiếc bàn phím cơ sử dụng Cherry MX switches mà có giá 60$ thì hoàn toàn chấp nhận được. 1 thời gian không lâu sau đó, CMQR đã chiếm rất nhiều ưu thế trên thị trường mặc dù vẫn hay bị chế nhạo bởi vẻ ngoài của nó.
Cooler Master đã không sản xuất sản phẩm này nữa bởi 1 số lý do cạnh tranh của nhiều hãng đối thủ. Mặc dù ánh hào quang của sản phẩm đã bị lu mờ, nhưng cũng không thể phủ nhận được vai trò to lớn của CMQR trong việc tiên phong mở ra những dòng bàn phím cơ rẻ, gọn. Nếu bạn đã sở hữu và vẫn đang sử dụng CMQR, hãy tự hào rằng ẩn sau lớp vỏ xấu xí, thô sơ kia vẫn là huyền thoại của một thời.
Das Keyboard 4 Ultimate (ra đời năm 2014)
Das Keyboard 4 Ultimate là một ví dụ điển hình cho một bàn phím cơ lý tưởng. Mặc dù đã hơn 4 năm nhưng sức hút của nó vẫn còn khá lớn cho tới thời điểm hiện tại.
Phiên bản đầu tiên của bàn phím cơ Das được giới thiệu vào năm 2008, sở hữu khung không cân xứng kiểu mới, đồng thời loại bỏ những thiết kế cũ kỹ, cứng nhắc của các bàn phím cũ. Phiên bản tiếp theo mang tên “Ultimate” được bán ra thị trường sử dụng keycaps trống. Kiểu keycaps này, cùng với danh tiếng là không thể bị phá hủy, đã đem lại cho Das sự khác biệt, được công nhận là sản phẩm riêng rành cho những người chuyên.
Sau khi công bố Das Keyboard Model S vào năm 2009, sự phát triển của hãng sản xuất bị trì trệ, và phải đến năm 2014, tức 5 năm sau đó, phiên bản thứ tư của dòng Das Keyboard mới được ra mắt.
Phiên bản thứ tư này (tức Das Keyboard 4 Ultimate) đã đem lại nhiều cải tiến hơn trước, biến nó từ một bàn phím cơ đã rất tốt rồi, nay lại tốt hơn nữa. Mặt trước được thay thế từ nhựa sang kim loại, bổ sung các phím đa phương tiện, và giảm độ dày của khung gầm. Cổng giao tiếp USB giờ được đặt ở phía trước bàn phím, thay vì ở phía cạnh, giúp tiết kiệm thêm 1 phần không gian.
Mặc dù sử dụng cả Cherry MX Blue switches và Cherry MX Brown switches, Das Keyboard 4 Ultimate vẫn nhận được rất nhiều quan tâm của gamer. Với hiệu năng tốt, thiết kế duyên dáng và gọn, cho đến bây giờ nó vẫn là sản phẩm yêu thích của cả gamer hay dân văn phòng.
IBM Model M (ra đời năm 1985)
Bàn phím IBM Model M được coi là bàn phím tốt nhất từng được làm ra! Nó đặt nền móng cho tất cả các bàn phím cơ hiện đại sau này, switch mà nó sử dụng là tượng đài và là những con switch tốt nhất tại thời điểm bấy giờ. Sau 3 thập kỷ, sự cổ điển nhưng bền vững vẫn còn tồn tại trong IBM Model M.
Mục đích của IBM Model M nhằm tăng sự hiệu quả và cải thiện về chi phí. Khả năng của phần cứng ngày càng phát triển, phần mềm trở nên phức tạp hơn. Việc xuất hiện một chiếc bàn phím mới để thực hiện các thao tác dễ dàng hơn đồng nghĩa với việc khai thác sử dụng các chức năng hiệu quả hơn là điều cần thiết. Vì vậy, từ một nhóm 10 người tại IBM, IBM Model M ra đời.
IBM Model M bố trí các phím 1 cách hiện đại và khoa học – cách bố trí được sử dụng bởi hầu hết các bàn phím ngày nay. Cách bố trí này là 1 phiên bản làm lại của sản phẩm IBM Model F 122. IBM đã tạo nên bước đột phá trong sự sắp xếp các nút, bằng cách đặt các phím Ctrl và Alt trong cùng 1 hàng, đặt lại hàng function lên đầu bàn phím và thêm các phím điều hướng phía trên các phím mũi tên. Bố cục mới của bàn phím rất thành công, và sau 33 năm, nó vẫn không thay đổi.
Một điều nữa làm nên sự đặc biệt của Model M, đó là switch lò xo. Khi nhấn, lò xo bị nén lại và tự động nhả về tạo nên một âm thanh tuyệt vời cùng với cảm giác độc nhất và rất thú vị. IBM nói rằng, âm thanh khi nhấn phím báo cáo với người sử dụng khi phím được kích hoạt, do đó giảm thiểu số lỗi trong thao tác. Mặc dù lập luận này chưa được chứng minh, nhưng ta không thể phủ nhận cảm giác tuyệt vời mà switches lò xo đặc biệt đem lại.
Trong thập kỉ tiếp theo, IBM chỉ chỉnh sửa rất nhỏ cho bàn phím của mình. Ngày nay, bạn có thể mua bản sao của IBM Model M qua Unicomp. Nếu bạn muốn có bản gốc năm 1985 với logo IBM, chắc chắn bạn sẽ phải trả thêm tiền, thậm chí, việc tìm 1 chiếc còn khó hơn việc bỏ tiền ra mua nó.
Theo PCGamer.