- Theo Trí Thức Trẻ | 23/02/2017 0:00 AM
Từ trước tới nay, làng game online Việt Nam là một xã hội thu nhỏ theo đúng nghĩa đen, với những người tốt, kẻ xấu. Chúng ta có những game thủ tham gia game với niềm vui, cũng có những kẻ chỉ chăm chăm đi PK những nhân vật yếu chỉ để cho "oai". Tệ hơn, tình trạng lừa đảo trong game online cũng đã xuất hiện từ lâu với không ít những biến tướng.
Đáng buồn thay, mặc dù chỉ sử dụng những chiêu trò đã cũ, thế nhưng vẫn có không ít những game thủ nhẹ dạ mắc lừa, từ đó bị đánh cắp công sức cày kéo cũng như tiền bạc không thương tiếc. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng chúng tôi điểm lại những mánh khóe lừa đảo đã và đang xuất hiện tại làng game Việt hiện nay:
Giả mạo GM để đi lừa đảo
Một chuyện không hiếm trong làng game Việt khi nhiều kẻ xấu đã đặt tên nhân vật của mình cho giống với tên các GM để tiến hành lừa đảo, mượn tài khoản người chơi sau đó hack đồ và nhân vật của họ. Còn nhớ, kể từ thời kỳ đầu làng game Việt, ở các MMO như Võ Lâm Truyền kỳ, MU Online, Gunbound… và một vài game online khác đều có những GM giả đi khắp nơi để lừa đảo như thế này. Nhiều người chơi vì quá cả tin mà không chú ý kỹ nên đã bị mắc lừa, thật thà trao tài khoản cho các GM giả đó để rồi vĩnh viễn chia tay nhân vật của mình trong tiếc nuối.
Điều đáng nói hơn cho đến nay, ở nhiều game online thì tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn dù NPH hoàn toàn có thể. Rất đơn giản, họ chỉ cần loại bỏ những tên “nhạy cảm” như trên, hay những tên liên quan đến GM hay Admin và đưa vào danh sách cấm không cho người chơi đặt được, như thế thì rõ ràng sẽ bảo đảm không có các trường hợp lừa đảo giả mạo GM diễn ra nữa.
Từ trước tới nay, GM vốn là những người nắm quyền "sinh sát" trong tay nên đa phần những game thủ trẻ tuổi hay non kinh nghiệm thường rất "sợ" những người quản lý này. Chính vì vậy, những kẻ xấu lại càng dễ lợi dụng điều này khi giả mạo GM để lừa đảo, đưa ra những yêu sách phi lý mà người chơi vẫn "bị lừa" mà chấp nhận.
Sử dụng danh tính Mod diễn đàn để trục lợi
Việc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản game online từ lâu đã không còn xa lạ đối với những người thường xuyên tham gia mua bán, giao dịch trực tuyến những vật phẩm hoặc nhân vật cấp cao trong thế giới game. Mới đây tại Việt Nam đã xuất hiện chiêu trò rất tinh vi là sử dụng danh tính MOD trên diễn đàn game để tạo lòng tin, dụ dỗ người chơi giao tiền, thông tin về account để mua, bán, trao đổi nhưng mục đích thực sự là cướp trắng tiền hoặc tài khoản rồi biến mất.
Cách đây một thời gian, cộng đồng game thủ của một tựa game online được phát hành tại Việt Nam đã xôn xao khi có thông tin một moderator quản trị diễn đàn có hành vi lừa đảo game thủ. Sau điều tra sơ bộ từ phía ban quản trị diễn đàn, cũng như qua những bằng chứng game thủ cung cấp và yahoo, danh tính thực sự của tên lừa đảo đã được hé lộ, một moderator tập sự đã lộ bản chất của một kẻ lừa đảo. Ngay sau đó, điều hành viên diễn đàn cũng hứa sẽ nhanh chóng tước quyền của kẻ này.
Giả làm anh em, bằng hữu rồi mượn acc
Từ trước tới nay, những vụ lừa đảo trong thế giới ảo đã không còn quá xa lạ với game thủ Việt. Nếu như có câu nói: "Biết mặt nhưng không biết lòng" thì trong game online, việc gặp mặt cũng trở nên là gần như không thể và mối liên hệ giữa các thành viên trong một bang phái phần lớn đều được xây dựng dựa trên sự "tin tưởng" nhau là chính.
Bổn cũ soạn lại, nhắc đi nhắc lại mãi vẫn không biết chán. Vụ việc các bang chủ - những người đức cao vọng trọng, có quyền lực sinh sát và được tin tưởng nhất trong game quyết định "trở mặt", lừa đảo tất cả những người anh em của mình rồi ôm tiền chạy trốn đã không còn là quá cũ.
Trên thực tế, vẫn có rất nhiều người bị các "anh em" của mình lừa khi tin tưởng giao account cho họ. Lý do để mượn account thì có rất nhiều, và nếu như đây là một chiến hữu đã từng sát cánh với bạn hàng tháng trời trong game thì càng khó để từ chối.
Nếu bạn chú ý thì thỉnh thoảng, chúng ta lại bắt gặp những trường hợp dở khóc, dở cười khi một game thủ đột nhiên "kêu trời" vì bị chính bằng hữu của mình lừa đảo. Và lúc này, anh ta lại lên kêu gọi mọi người trong game cùng tẩy chay hay đòi NPH trả lại công bằng cho mình. Và mặc dù ngay cả chính NPH cũng đã khuyến cáo điều này tới game thủ nhưng vẫn có rất nhiều người mắc phải lỗi lầm có phần "ngớ ngẩn" này.
Lập Web đen để lừa đảo
Đây là một trong những cách thức cực kỳ thịnh hành trong làng game Việt trước đây và vẫn đang được các kẻ xấu sử dụng hiện nay, đó là việc lập các Website giả mạo NPH để lừa gạt. Cách lừa đảo này thường được áp dụng theo một bài nhất định như đột ngột, gamer bỗng nhận được một thư (ở cả trong game hay ở mail đăng ký tài khoản) với nội dung kiểu "bạn đã nhận được một phần quà, Gift Code... từ NPH, hãy vào link sau xác nhận tài khoản để nhận thưởng.
Sau khi game thủ vào trang Web được gửi tới (vốn được thiết kế gần giống như trang chủ game của NPH), bạn sẽ phải những thông tin về tài khoản như tên tài khoản (ID), mật khẩu, mã rương... để "nhận thưởng". Dễ thấy, đây vốn là một kiểu lừa đảo đã khá "cũ" nhưng nó vẫn qua mặt được rất nhiều người, khi bởi họ đa phần vì ngỡ ngàng và cũng vì "tham" món phần thưởng kia mà trót dại đăng ký. Hơn thế nữa, cũng chính bởi do trang Web này được thiết kế giống y chang trang game chính thức nên nhiều người cũng không cảnh giác.
Cần phải biết rằng, từ xưa đến nay, khi game thủ tham gia vào các event thì bất cứ NPH nào đều không bao giờ đòi phải khai pass và mật khẩu rương của game thủ.
Cài virus sẵn trong các công cụ hỗ trợ
Như đã nói ở trên, các Auto của NPH thường khá "cùi" trong khi những phần mềm ngoài luồng thì lại khá tiện ích. Do vậy, game thủ Việt vẫn chuộng những công cụ Auto được liên tục nâng cấp và cải tiến trên mạng nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng chính vì đây là một phần mềm download trên mạng nên nó ẩn chứa rất nhiều hiểm họa.
Hiểm họa đầu tiên mà nhiều người đã phải trả giá vì "thiếu kinh nghiệm" chính là dính phải những virus keylock, trojan... của hacker. Lúc này, cái giá họ phải trả chính là toàn bộ tiền bạc, trang bị và vật phẩm của họ trong game.
Đây là chuyện diễn ra khá phổ biến trong làng game Việt và ngay cả NPH cũng phải thường xuyên cảnh báo và khẳng định rằng họ sẽ không chịu trách nhiệm khi mà người chơi cứ thích sử dụng những mặt hàng ngoài luồng này. Cũng chính bởi điều này mà đa phần các đại gia, những người nạp nhiều tiền trong game thường không lựa chọn sử dụng những phần mềm loại này dù nó rất tiện ích.
Lừa đảo khi mua game bản quyền
Câu chuyện chẳng bao giờ cũ trong cộng đồng mua game bản quyền, thế nhưng vẫn có không ít người nhẹ dạ và ham rẻ bỏ tiền mua game để rồi nhận cái kết đắng khi Facebook thì bị block, key game không thấy đâu, tiền mất tật mang khổ sở đủ đường.
Một trong những điểm chung của những kẻ lừa đảo, đó là trên mạng internet, họ có rất ít thông tin cá nhân hoặc thông tin giả, và cộng đồng gần như không biết họ là ai. Một trong những quy luật đầu tiên khi mua game ở trên thị trường tự do là tìm đến những cửa hàng và trader có uy tín, được nhiều người tin tưởng để "trao gửi niềm tin".
Kinh nghiệm thứ hai chính là đừng ham rẻ. Những key game rẻ quá mức cần thiết luôn luôn là cái bẫy thu hút những người có túi tiền không mấy rủng rỉnh. Nhiều khả năng, những key game này được mua bằng thẻ tín dụng bị đánh cắp (hay nôm na là CC chùa), và chúng rất dễ bị các chương trình quản lý game như Steam hoặc Origin xóa sổ sau một đợt truy quét. Ấy là chưa kể, so sánh với những cửa hàng trực tuyến có uy tín, bạn có thể mua rẻ hơn vài chục đến cả trăm nghìn Đồng, nhưng rất có thể bạn sẽ rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo!