Từ trước tới nay việc chơi game crack đã quá là điều bình thường trong cộng đồng game thủ Việt chúng ta cũng như những game thủ nước ngoài. Chẳng riêng gì làng game Việt, từ trước tới nay bản quyền game là một vấn đề không mới nhưng cũng chẳng bao giờ cũ không chỉ với ngành game mà còn là cả ngành giải trí nói chung. Từ những bộ phim, những cuốn sách, những bản nhạc, đến cả những sản phẩm giải trí tương tác đã và đang được truyền tay nhau một cách miễn phí, gây thất thu cho các hãng sản xuất.
Dĩ nhiên, việc thay đổi tư duy của game thủ Việt để từng bước xóa sổ dần game crack khỏi thị trường luôn là một cuộc chiến lâu dài và cam go. Đã là game crack, thì người chơi sẽ không thể thưởng thức được game chính xác như những gì nhà phát triển game đã tạo ra. Không có mục chơi mạng, không có rất nhiều thứ đôi lúc chiếm đến 70 80% cái hay của một trò chơi, mà thay vào đó chỉ là mục chơi đơn đôi lúc vô cùng nhàm chán.
Nhưng nếu chỉ riêng việc liệt kê ra những lợi ích lớn của việc chơi game bản quyền chắc chắn sẽ là không đủ. Câu chuyện giữa việc được tiếp cận game một cách miễn phí đôi lúc còn quan trọng hơn nhiều so với những mục chơi mạng hay những món quà DLC mà game thủ có được khi mua game bản quyền.
Và chúng ta, đương nhiên cũng có 1001 lý do và những câu nói ngụy biện khi tự tay tải miễn phí những bản game lậu đã bị bẻ gãy công cụ DRM qua mặt phần mềm kiểm soát bản quyền nội dung số và cài vào máy tính của mình. Không phải lúc nào game thủ cũng phải giải thích cho kẻ khác về lý do vì đâu họ lại chơi game crack thay cho game bản quyền, mà thay vào đó, hầu hết những câu nói này đều chỉ mang giá trị... huyễn hoặc bản thân và cảm thấy bớt tội lỗi khi chơi game vi phạm bản quyền mà thôi.
"Chơi thử xem sao, hay thì mới mua"
Ngày xưa crack là chuẩn mực của làng game Việt, game mới ra mắt được đánh dấu bằng ngày nó có mặt phiên bản crack tại các cửa hàng đĩa game khắp mọi miền Tổ quốc. Nhưng giờ đây thực tế thì chẳng ai dám lên mạng khoe khoang mình chơi game crack như xưa nữa. Một phần vì xấu hổ, phần nữa là ngại những game thủ nhí với đầu óc của những anh chàng 12 tuổi tay nhanh hơn não gõ comment chê bai miệt thị. Thế là game crack lùi về đúng với giá trị underground của nó, không có tiếng nói, nhưng vẫn còn tồn tại mạnh mẽ.
Chính vì lý do không đủ điều kiện tài chính để trang trải cho mọi tựa game bản quyền ra mắt hàng loạt trong tháng, một số game thủ thì cho rằng, họ nên chơi trước bản game crack để biết được liệu rằng có nên bỏ tiền ra mua "đồ xịn" hay không. Bản thân tôi thì cho rằng đây là một cách khá hay, với điều kiện họ không lạm dụng chúng.
Không phải tựa game nào cũng đáng để mua, và không phải mọi game cũng đều có giá trị xứng đáng như lúc bạn bỏ 60 USD ra mua trên Steam về để thưởng thức. Chính vì lẽ đó, hàng loạt tựa game crack cũng được cộng đồng game thủ Việt chia sẻ và chơi cùng nhau. Nhưng rồi sau khi chơi, chỉ đến khi có giảm giá họ mới chịu mua game về bày trong Steam cho đẹp (vì game phá đảo từ đời nào rồi còn đâu?) Cá biệt có hẳn những kẻ tự dối lòng nhưng sau khi chơi xong là... xóa đi kiếm trò khác về cài vào máy chơi tiếp.
"Cái này không có chơi mạng thì mua làm gì?"
Nếu như một tựa game vốn đã hay thì việc thưởng thức nó cùng với những người khác còn hấp dẫn hơn rất nhiều. Thế nhưng kể từ khi các nhà sản xuất quay lưng với chế độ chơi LAN, việc crack game đã khiến cho chơi online trở nên rất khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi vì người chơi sẽ phải kết nối đến server chính hãng. Với những trò chơi tập trung cho chơi đơn thì còn đỡ, nhưng như Battlefield, PES, FIFA hay bất kì game nào nặng tính đối kháng mà chơi offline một mình thì chúng gần như chẳng có giá trị gì.
Một số trò chơi cũng có thể chơi online qua private server, nhưng nhìn chung trải nghiệm mà chúng mang lại khó có thể so được với khi chơi qua server chính thống. Nguyên nhân có thể đến từ lag, không ổn định, lượng người chơi ít và thất thường...
Thêm vào đó để chơi được online kiểu này thường cũng khá lằng nhằng vì phải thông qua phần mềm thứ 3 nào đó hoặc chỉnh sửa thêm bớt trong hệ thống file của game, vì vậy đối với nhưng ai không rành về máy tính thì họ sẽ chẳng có cách nào ngoài lên các diễn đàn xin và chờ hướng dẫn.
Nhưng không phải game nào cũng có mục chơi mạng. Bạn có thể thấy, Don't Starve, This War of Mine, hay nhiều game indie đình đám thời gian qua chỉ có mục chơi đơn. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý các game thủ nhà ta khi họ mua game thực tế chỉ vì không có crack hoặc crack xong không được chơi multiplayer. Và điều này dẫn tới thực trạng, khi game không có chơi mạng, thì mua về làm gì cho tốn tiền?
"Game này đắt quá, hơn 1 triệu mua làm gì"
Mỗi năm, chúng tôi đánh giá chi tiết không dưới 50 tựa game PC console thuộc vào hàng bom tấn mới ra mắt trong từng tháng. Sẽ là một khoản tiền khổng lồ nếu như chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra mua key game bản quyền, lấy mức giá key game tại Việt Nam hiện nay đang dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu Đồng, phụ thuộc vào độ hot của chính tựa game đó.
Điều may mắn là, tuy chúng tôi vẫn phải mua game bản quyền để đánh giá chúng rồi gửi tới các bạn độc giả bài viết đánh giá chi tiết, vẫn có những nhà tài trợ hào phóng gửi tặng key game tới ban biên tập. Trong bất kỳ bài review nào, chúng tôi cũng gửi tới họ những lời cảm ơn chân thành nhất vì đã hỗ trợ chúng tôi trong quá trình tác nghiệp.
Không phải game thủ nào cũng may mắn được như vậy. Lấy ví dụ một sinh viên mới ra trường kiếm được việc làm với mức lương 5 đến 10 triệu mỗi tháng. Với số tiền như vậy việc trang trải cuộc sống cũng đã vô cùng khó khăn đòi hỏi họ phải tính toán chi li hết sức có thể, chứ đừng nói đến việc bỏ tiền cho những xa xỉ phẩm như game bản quyền. Bạn đọc không nhầm đâu, chỉ khi trang trải được cuộc sống, mua sắm những trang thiết bị thiết yếu, game mới được nhiều người đề cập đến. Nó là một thú vui xa xỉ đúng nghĩa đen với nhiều người Việt Nam.