- Theo Helino | 03/03/2018 06:00 PM
Chúng ta vẫn luôn bàn luận về vấn đề “ngộ game Trung” của thị trường game online nước nhà. Trên rất nhiều những diễn đàn game lớn nhỏ, thậm chí trên các trang tin có tiếng cũng đều nhắc đến việc chúng ta đang chịu sự chi phối quá lớn của nguồn game Trung Quốc. Có tới 90% các sản phẩm game online ra mắt tại thị trường Việt đều đến từ đất nước tỉ đân, từ đủ mọi thể loại, mọi nền tảng. Tại sao chúng ta không mở rộng ra, tìm đến những nguồn game mới, đặc biệt là cái nôi của làng game online thế giới với chất lượng tuyệt đỉnh: Hàn Quốc?
Phải chăng các NPH Việt còn có quá dè dặt với game Hàn Quốc? Phải chăng các NPH chỉ mải chạy theo bài toán lợi nhuận mà bỏ qua mong mỏi của chính cộng đồng - những người trực tiếp sử dụng sản phẩm, cung cấp doanh thu cho họ? Chẳng phải tung ra các sản phẩm Hàn Quốc đẳng cấp theo đúng như game thủ cần, tiếng tăm cũng như doanh thu của NPH Việt sẽ tăng lên sao? Tuy nhiên thọc sâu thọc kỹ vào thực tế thì lại không phải như vậy. Những gì chúng ta liệt kê trên đây chỉ là phần nổi của một tảng băng mà thôi.
Đẳng cấp game Hàn và năng lực của các NPH Việt
Hiển nhiên là game Hàn Quốc chắc chắn phải có chất lượng cao hơn nhiều game đến từ thị trường Trung Quốc đang được phát hành tại Việt Nam hiện nay. Điều đó được thể hiện rõ từ chất lượng đồ hoạ đẳng cấp cho đến sự phong phú trong gameplay. Nếu như game Trung Quốc vẫn đang vât lộn với engine Unity 3D và hàng loạt webgame 2D theo kiểu mì ăn liền, thì game Hàn Quốc hiện nay đa phần đều được dựng trên các engine cao cấp như Cry Engine 3, Unreal Engine, Hero Engine…
Với chất lượng sản phẩm, từ đồ họa cho đến gameplay được chăm chút tỉ mẩn như vậy, các NSX Hàn Quốc luôn rất thận trọng trong việc có trao quyền phát hành đứa con cưng của họ cho các NPH nước ngoài hay không. Thông thường, họ sẽ yêu cầu các NPH phải đáp ứng được hàng loạt các yêu cầu khắt khe thậm chí là bắt chứng minh năng lực tài chính dồi dào cũng như khả năng quản lý vận hành.
Xét mặt bằng chung, chỉ có rất ít những NPH Việt Nam mới có đủ khả năng đáp ứng và “chiều chuộng” những yêu cầu và điều kiện kể trên. Chưa kể, kể cả khi vượt qua được vòng “điều khoản” này còn hàng loạt các rào cản khác như cơ sở hạ tầng, hệ thống server, cam kết doanh thu… đây cũng là điều không phải nhà phát hành nào cũng có đủ khả năng đáp ứng. Trong khi đó, việc đàm phán và ký hợp đồng với các đối tác Trung Quốc lại có phần “dễ thở” hơn rất nhiều.
Thói “lười” của game thủ Việt
NPH chỉ là một phần lý do. Cụ thể, không phải chưa từng có bất cứ tựa game Hàn Quốc bom tấn nào được phát hành tại thị trường Việt, thế nhưng số phận của chúng trôi đi đâu về đâu?
Granado Espada - siêu phẩm nhập vai Hàn Quốc đã từng phải dừng bước tại Việt Nam
Game Hàn, trước tiên được sản xuất ra cho người Hàn - đây được coi là thị trường khó tính nhất thế giới. Game thủ Hàn luôn ở trong tâm thế sẵn sàng tẩy chay các tựa game kém chất lượng, một sản phẩm “làng nhàng” sẽ không bao giờ có thể ngóc đầu lên được ở đất nước này. Điều này trực tiếp dẫn đến việc game Hàn luôn đào sâu về gameplay, yêu cầu rất nhiều thời gian để nắm bắt và hầu như đều bắt game thủ phải suy nghĩ, tính toán và thao tác bằng tay hết. Và điều này thì lại không phù hợp đối với game thủ Việt.
Game Hàn thường mang sắc thái nghiêng về phương Tây với gameplay khá nặng
Trong khi đó, game thủ nước nhà đã quá quen với những tựa game dễ làm quen, dễ nắm bắt, hệ thống auto tận răng và gameplay không quá đánh đố. Việc bỗng nhiên phải tốn hàng tiếng đồng hồ để làm nhiệm vụ tân thủ, tự phát triển nhân vật cùng thao tác hoàn toàn tự làm thì lại khiến game thủ “bật ngửa” ngay lập tức. Đó là sự khác nhau về chính chất game, hình thành nên sự khác nhau trong thói quen của game thủ hai quốc gia, nếu đem chiều sâu gameplay Hàn áp đặt vào thói quen chơi game online của người Việt, thì chỗ đứng của chúng tương đối nhỏ, nếu không muốn nói là đã và đang bị game Trung Quốc chiếm dần chiếm mòn.
Có nhiều sự lựa chọn an toàn hơn là game Hàn
Có thể nói, bài toán bằng cách nào có thể nhập nhiều game Hàn chất lượng về nước vấn còn nhiều điều phải bỏ ngỏ. So với việc hết đau đầu để vượt qua hết những bước điều kiện phía Hàn Quốc đưa ra lại đến chọn ra con game phù hợp với thói quen của game thủ Việt, thì lựa chọn các sản phẩm tầm trung từ Trung Quốc hay Nhật bản lại ít rủi ro hơn rất nhiều.
Trung Quốc vẫn là nguồn nhập game "an toàn" hơn rất nhiều
Thậm chí gần đây, một hướng đi hoàn toàn mới cũng đang được mở ra tươi sáng hơn bao giờ hết dành cho thị trường nước nhà: chúng ta tự làm game của chúng ta. Từ những bước đi chập chững vào làng game thế giới, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn game nước ngoài thì giờ đây, danh sách những tựa game do chính người Việt sản xuất đã ngày càng nhiều và ngày càng đạt được những thành công vượt bậc.
Một số NPT Việt đã bắt đầu mạnh dạn bước trên con đường tự làm game Việt
Cứ nhìn vào gương những tựa game từng được đánh giá ngang tầm quốc tế của những NSX Việt như Loạn Đấu Võ Lâm, Mộng Võ Lâm, Hải Tặc Bóng Đêm hay gần đây nhất là Kim Dung Quần Hiệp Truyện là đủ thấy, Developer Việt cũng giỏi không kém gì những đồng nghiệp ở nước ngoài. Thậm chí theo như thông tin chúng tôi ghi nhận được thì hiện tại, một sản phẩm game Việt ấp ủ 10 năm của eWings Stuido (cha đẻ của Kim Dung Quần Hiệp Truyện) hợp tác cùng SohaGame cũng đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng trước khi được công bố với cộng đồng. Ước mơ “người Việt chơi game Việt” đang dần được thực hiện thực hóa hơn bao giờ hết.
Game Việt hoàn toàn có thể đạt đến ngưỡng đồ họa cùng gameplay xuất sắc như thế này
Tạm Kết
Nói tóm lại, trên đây là những lý do chủ yếu khiến cho các nhà phát hành game Việt không mấy mặn mà với những game online Hàn Quốc, hoặc nếu có thì cũng là những tựa game casual hay thể thao. Như vậy, chúng ta không thể đổ lỗi hết cho NPH, bắt họ chịu trách nhiệm cho việc các sản phẩm đỉnh cao của Hàn Quốc vắng bóng tại thị trường Việt. Bởi lẽ những điều chúng ta bàn tới, những trăn trở này không phải NPH không biết, những mong mỏi của game thủ nói cho cùng cũng chính là mong mỏi của NPH mà thôi.