Ngay từ thời điểm bắt đầu phát triển, cộng đồng game thủ Việt Nam đã gắn liền mới khái niệm game crack. Từ những chiếc đĩa CD, DVD lậu được mua ngoài quán cho đến những bản crack được tải về từ trên mạng, game crack đã len lỏi và tồn tại như một phần tất yếu của cộng đồng game Việt. Dù đây là thực tế không mấy tự hào, tuy nhiên chúng ta vẫn phải thừa nhận nó.
Ngay cả ở thời điểm hiện tại, cho dù người Việt chúng ta đã và đang dần làm quen với game bản quyền thông qua những sản phẩm đình đám của Steam, số lượng những người chơi game bản quyền tại nước ta vẫn chỉ là những hạt cát rất nhỏ nhoi so sánh với tổng số game thủ PC đang hiện hữu khắp mọi miền Tổ quốc.
Vậy đâu là những lý do khiến cho chúng ta vẫn đang phải mang tai mang tiếng là những kẻ "ăn trộm" trong những bản danh sách các quốc gia vi phạm bản quyền nhiều nhất trên thế giới? Có lẽ không phải ai chơi game crack cũng vì... không có tiền, và dưới đây là một trong số những lý do đó:
Không đủ tiền mua game
Mỗi năm, chúng tôi đánh giá chi tiết không dưới 50 tựa game PC console thuộc vào hàng bom tấn mới ra mắt trong từng tháng. Sẽ là một khoản tiền khổng lồ nếu như chúng tôi phải tự bỏ tiền túi ra mua key game bản quyền, lấy mức giá key game tại Việt Nam hiện nay đang dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu Đồng, phụ thuộc vào độ hot của chính tựa game đó.
Điều may mắn là, tuy chúng tôi vẫn phải mua game bản quyền để đánh giá chúng rồi gửi tới các bạn độc giả bài viết đánh giá chi tiết, vẫn có những nhà tài trợ hào phóng gửi tặng key game tới ban biên tập. Trong bất kỳ bài review nào, chúng tôi cũng gửi tới họ những lời cảm ơn chân thành nhất vì đã hỗ trợ chúng tôi trong quá trình tác nghiệp.
Quay trở lại với những game thủ hiện vẫn đang là học sinh, sinh viên. Không phải khi nào họ cũng có được điều kiện để sở hữu mọi tựa game họ mong muốn và mơ ước. Nhiều game thủ đã tỏ ra khá khó khăn để mua được cho mình một key bản quyền CS:GO dù rằng chúng chỉ có giá khoảng 200.000 Đồng. Chính vì thế mỗi tháng trang trải một vài game có giá cả triệu Đồng gần như là bất khả thi với họ.
Chính vì thế ba giải pháp được đưa ra cho game thủ: Mượn tài khoản của bạn bè để chơi, hoặc đợi chờ mùa giảm giá game bản quyền thường niên. Tuy nhiên với những game mới, không phải ai cũng đủ sức chờ đợi như vậy. Điều đó dẫn tới giải pháp cuối cùng: Crack.
Chơi thử trước khi mua
Chính vì lý do không đủ điều kiện tài chính để trang trải cho mọi tựa game bản quyền ra mắt hàng loạt trong tháng, một số game thủ thì cho rằng, họ nên chơi trước bản game crack để biết được liệu rằng có nên bỏ tiền ra mua "đồ xịn" hay không. Bản thân tôi thì cho rằng đây là một cách khá hay, với điều kiện họ không lạm dụng chúng.
Không phải tựa game nào cũng đáng để mua, và không phải mọi game cũng đều có giá trị xứng đáng như lúc bạn bỏ 60 USD ra mua trên Steam về để thưởng thức. Chính vì lẽ đó, hàng loạt tựa game crack cũng được cộng đồng game thủ Việt chia sẻ và chơi cùng nhau.
"Crack quen rồi"
Đây là một lý do mà không một game thủ nào dám lên tiếng chấp nhận, tuy nhiên xét về mặt bằng chung, hóa ra đây lại là một trong số những lý do cơ bản khiến cho một người không muốn bỏ tiền ra mua một tựa game bản quyền. Tâm lý dùng hàng chùa đã ăn sâu vào tư duy của rất nhiều người Việt Nam, khiến cho không chỉ những tựa game, mà còn cả phim ảnh, âm nhạc, ứng dụng cho tới cả phần mềm được crack... xuyên biên giới.
Không phải vì họ không có tiền, mà đơn giản vì họ đã quá quen với việc dùng crack. Rất nhiều người Việt dám bỏ cả chục, thậm chí cả trăm triệu Đồng vào những dàn máy tính khủng, là ước mơ của mọi game thủ Việt, vì thế sẽ là vô lý khi cho rằng họ không có vài trăm nghìn đến khoảng 1 triệu Đồng để sở hữu tựa game mơ ước. Lý do đầu tiên, rất đơn giản, đó là họ không muốn làm như thế mà thôi.