THEO TỔ QUỐC | 09/02/2023 09:59 AM
Steam nổi tiếng là một trong những nền tảng chơi game hàng đầu thế giới ở thời điểm hiện tại, thế nhưng, không phải bất cứ trò chơi nào cũng đều tồn tại mãi mãi trên Steam. Có những tựa game bị xóa vì các lý do cơ bản như thua lỗ, dừng phát triển, đóng cửa. Nhưng đồng thời, cũng xuất hiện không ít các trò chơi đã bất ngờ biến mất khỏi Steam, vì nhiều lý do mà chắc chẳng một game thủ nào có thể ngờ tới. Sau đây là phần thứ hai của series này.
Sử dụng các tài khoản giả mạo đánh giá tích cực cho game
Việc một tựa game mới phát hành trên Steam nhận về nhiều đánh giá trái chiều, đa phần là tích cực luôn là tín hiệu tốt đối với bất kỳ trò chơi nào. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ trở nên khác đi rất nhiều nếu như các đánh giá đó lại được tạo ra bởi chính nhà phát hành, thay vì ý kiến của người chơi.
Cụ thể, các trò chơi của studio Acram Digital đã bị rút khỏi Steam vào năm 2018 sau khi Valve phát hiện ra, một nhân viên của nhà phát hành đã đăng nhiều bài đánh giá tích cực về dự án bằng các tài khoản Steam khác nhau. Một trường hợp tương tự là của Wild Buster, khi nhà phát hành Insel Games cố gắng khuyến khích nhân viên của mình đăng bài đánh giá. Cũng chung số phận, Wild Buster sau đó bị Valve gỡ khỏi Steam và chưa hẹn ngày trở lại.
Nhà phát triển đe dọa chính Steam
Đây có thể coi là trường hợp hãn hữu nhất, khi ông chủ của Valve và Steam, Gabe Newell bị đe dọa từ chính nhà phát hành của trò chơi.
Paranautical Activity đã bị gỡ khỏi Steam vào 10/2014 sau khi một thành viên của nhóm phát triển buông lời đe dọa với Gaben một cách đầy hung hăng. Người này sau đó đã từ chức, bán quyền phân phối cho một công ty khác. Cũng nhờ thế mà Paranautical Activity sau này đã trở lại trên Steam, tất nhiên là với một cái tên khác hoàn toàn.
Nhà phát triển tự cảm thấy thất vọng với chất lượng, đánh giá
Batman: Arkham Knight có lẽ là trò chơi nổi tiếng nhất đã rút khỏi Steam vì lý do này. Sau khi ra mắt trên PC thông qua Steam, trò chơi gặp phải vô số những chỉ trích, chủ yếu vì vấn đề hiệu suất và đã được ngừng bán, rút khỏi kệ hàng ngay sau đó.
Một ví dụ tiêu biểu khác là trường hợp của Scott Cawthon - người tạo ra Five Nights at Freddy's World. Quá thất vọng với xếp hạng và những đánh giá mà đứa con tinh thần nhận được, Scott lên tiếng xin lỗi. Anh chàng còn kiên quyết đề nghị hoàn tiền cho người dùng Steam, bất kể là ai đã mua tựa game vào thời điểm nào.