Dù có được lên kịch bản và quay cẩn thận đến mấy thì phim nào mà chẳng được "mông má" lại ở phần hậu kỳ. Sau khi đóng máy thì màu vẫn cần phải chỉnh, âm thanh vẫn cần phải sửa, một số hình ảnh vẫn phải được thay đổi.
Kỹ xảo máy tính (CGI) đang ngày càng được áp dụng rộng rãi như một công cụ để chỉnh sửa cho phim. Đôi khi đó là một đại cảnh tàu vũ trụ hoành tráng như trong Star Wars hay có lúc chỉ là xóa đi bóng của chiếc máy quay lỡ lọt vào trong khung hình.
Cũng có lắm lúc CGI được dùng vào những chuyện trời ơi đất hỡi, thậm chí vô bổ. Ví dụ như trong một cảnh phim của Blade: Trinity, Wesley Snipes nhất định không chịu…mở mắt, vì thế các nhà làm phim phải cầu viện đến CGI để thêm mắt vào cho nhân vật trong phần hậu kỳ. Hay trường hợp của phim 50 Sắc thái, kỹ xảo máy tính được sử dụng để thêm phần…lông cơ thể cho nhân vật của Dakota Johnson.
Dưới đây là những khoảnh khắc khó đỡ mà CGI được dùng đến như một tấm phao cứu sinh cho cả bộ phim.
Phần nhạy cảm của Armie Hammer được xóa đi trong Call Me by Your Name
Một trong những điều làm nên sức hấp dẫn của Call Me by Your Name là thời trang thập niên 80: áo sơ mi, váy hoa thêu hay nhất là những chiếc quần đùi ngắn của các anh chàng.
Không may là điều này khiến các nhà làm phim đau đầu, vì chiếc quần ngắn khiến nam diễn viên Armie Hammer gặp sự cố "lộ hàng" liên tục . Trong cuộc phỏng vấn với AndyCohen , nam thần người Mỹ thật thà thổ lộ: "Có mấy lần họ phải dùng máy tính xóa đi "phần đó" của tui. Mấy cái quần đó ngắn quá mà. Tôi biết làm thế nào bây giờ."
Đến cuối cùng thì mấy chuyện tế nhị đó cũng được giải quyết tươm tất. Còn khán giả thì đành hậm hực với mấy chuyên gia kỹ thuật máy tính.
Thành phố San Francisco được thêm vào trong một cảnh của phim The Room
Một trong những điều khó hiểu của một trong những phim dở nhất mọi thời đại từng được bình chọn – The Room – là cảnh phim trên tầng thượng nhà Johnny mà đạo diễn kiêm vai chính Tommy Wiseau có câu thoại (dở) kinh điển: "Tôi không có đánh cô ấy."
Cảnh này được quay với phông nền xanh, sau đó thành phố San Francisco được thêm vào trong phần hậu kỳ bằng CGI.
Vấn đề đó là cảnh phim này được quay TẠI San Francisco với cảnh thành phố chễm chệ ngay trước mắt. Thực sự Tommy Wiseau là một kẻ không ai hiểu nổi với những quyết định kỳ cục.
Kevin Spacey bị "xóa" khỏi các cảnh phim của All the Money in the World, thay bằng nam diễn viên Christopher Plummer hơn đến cả chục tuổi
Như chúng ta đã biết, Kevin Spacey trước scandal tình dục thì vẫn đang gấp rút hoàn thành cho bộ phim All the Money in the World vốn được kỳ vọng sẽ trở thành ứng cử viên hàng đầu cho Oscar năm nay.
Sau scandal rúng động, đạo diễn Ridley Scott đã thẳng tay loại Spacey khỏi dự án phim và thay thế bằng ngài Christopher Plummer – người vốn được nhắm cho vai này ngay từ đầu .
Chỉ trong hai tuần gấp rút từ quay phim, đóng máy, chỉnh sửa hậu kỳ, mọi cảnh của Spacey đã được thay thế bằng Plummer và phim hoàn tất ra mắt trong tháng 12 năm ngoái. Và cũng như ta đã biết thì một đề cử Oscar đã được trao cho ngài Plummer với vai tỉ phú keo kiệt trong phim.
Có ai đó đã phải thêm các "chi tiết" cho cơ thể cho Dakota Johnson trong các phim của 50 Sắc Thái
Các cảnh khỏa thân trong loạt 50 sắc thái thì nhiều không đếm nổi. Để một vài cảnh trông "như thật" thì đoàn làm phim phải viện tới sự can thiệp của kỹ xảo. Ví dụ như việc các diễn viên sử dụng các miếng dán màu da để che đi bộ phận nhạy cảm, sau đó chúng sẽ được chỉnh sửa để trông như họ không mặc gì vậy.
Bộ râu thần thánh của Henry Cavill bị xóa "nham nhở" trong Justice League
Cú chơi khăm này đến từ Paramount khi hãng phim bắt nam diễn viên Henry Cavill ký hợp đồng nuôi một bộ ria mép dày và không được cạo nó đi trong quá trình quay Mission Impossible 6. Rủi thay, vai Superman của Justice League thì không để được râu, vì thế Warner Bros. phải dốc ra cả đống tiền để các chuyên gia xử lý chúng trong phần hậu kỳ.
Khuôn mặt ám ảnh
Nghe nói số tiền mà hãng bỏ ra lên tới hàng triệu đô , thế nhưng cảnh phim Henry Cavill với nụ cười quái dị khiến nó trở thành một trong những chủ đề được bàn tán trên mạng nhiều nhất. Sau này để chứng minh sự phung phí của Warner Bros., người ta còn viết ra một chương trình trí tuệ nhân tạo trị giá có 500 ngàn đô để tẩy phần ria mép nhưng kết quả còn ăn đứt mấy chuyên viên CGI của Warner Bros.
Phần nách của Wonder Woman được tẩy trắng trong trailer
Trước khi Wonder Woman được ra mắt, trailer của phim vấp phải những lời chỉ trích từ phía khán giả thắc mắc rằng tại sao có chi tiết phần nách của nhân vật lại được chăm sóc "trắng sáng" đến bất bình thường như vậy.
Wonder Woman trước và sau khi được yêu cầu chỉnh sửa
Trong khi nhiều người nghĩ đây chỉ là lỗi kỹ thuật, một số người còn cho rằng đây là hành động cố ý từ phía nhà sản xuất và lên tiếng yêu cầu trả lại màu da bình thường, thậm chí còn đòi nhân vật để cả...lông nách lên màn ảnh. Ngạc nhiên là hãng phim sau đó đã lên tiếng thông báo chỉnh sửa để phần da dưới cánh tay của Wonder Woman trở lại màu sắc bình thường.
Tòa tháp đôi bị tẩy xóa trong Zoolander
Sau sự kiện khủng bố 11 tháng 9, các nhà quay phim tại New York đứng trước quyết định khó khăn: Có nên giữ lại hình ảnh tòa tháp đôi (nay đã bị phá hủy) trong tác phẩm của họ?
Zoolander, phim được ấn định ra mắt chỉ vài tuần sau vụ khủng bố đã đứng trước sự tranh cãi nảy lửa của khán giả lẫn giới phê bình khi xóa đi hình ảnh tòa tháp đôi bởi nó ra mắt quá gần với khoảng thời gian đau thương của người Mỹ. Tuy nhiên cho tới nay thì đây vẫn là một phim hài được mến mộ và là dấu mốc cá nhân quan trọng của danh hài Ben Stiller.
(Còn tiếp)
(Nguồn: Thisinsider)