- Theo Helino | 18/04/2019 06:00 PM
Chắc chắn rằng không ai trên thế giới sinh ra lại không muốn sống. Câu hỏi được đặt ra là tại sao có một số người muốn chấm dứt cuộc sống của chính mình. Có rất nhiều câu trả lời, bao gồm cả cảm giác cô lập, đau đớn, buồn bã, bị bạo hành, vô vọng. Tự sát là một vấn đề vô cùng phức tạp.
Trong pháp luật thời này, tự sát không phải là một tội ác, và dĩ nhiên khó mà tưởng tượng ai đó lại bị trừng phạt vì cố tước đi tính mạng của chính mình. Nó là một vấn đề đáng đau buồn thực sự tồn tại giữa xã hội chúng ta, nhưng không để lại những hậu quả về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, trong một vài tôn giáo, tự sát là một tội ác không khác gì giết người. Tự sát thực chất từng được coi là một trong Bảy mối tội đầu– tội lười biếng. Nguồn gốc của tội lỗi này không phải là thói lười nhác ở mỗi người, mà là sự thất vọng, chán nản, thất vọng (tristitia hay acedia – có nghĩa "không quan tâm"), là một sự rối loạn đặc biệt về tâm lý ảnh hưởng tới tinh thần, thể chất.
Vì là một tội lỗi, người tự sát cần bị trừng phạt. Thế kỷ 13,14 ở Anh, tự sát được gọi là "tội ác của chính mình." Người tự sát được coi là có tội, dù đã chết, và phải chịu đựng sự trừng phạt, bao gồm việc tịch thu tài sản và bị chôn cất không đàng hoàng.
Điều luật này về tự sát đã ảnh hưởng tới quan điểm của nhà triết học Thomas Aquinas người Ý. Theo Aquinas, tự sát là một tội lỗi vì ba lý do. Đầu tiên, tự sát vi phạm một quy luật thiêng liêng là sự định đọat tính mạng của con người, còn sống hay đã chết, nằm trong tay Chúa. Thứ hai, tự sát là tội ác chống lại cồng đồng, giết chính mình làm hại cộng đồng. Thứ ba, tự sát trái với quy luật tự nhiên, bởi những sinh vật sống có xu hướng bảo vệ cuộc sống của mình.
Chôn cất người tự sát "không đàng hoàng" là để thể hiện sự xúc phạm, không đồng tình với hành động của người đó khi sống. Tang lễ cho người tự sát thường được tổ chức vào ban đêm, và đôi khi là một cây cọc đâm xuyên qua tim. Họ sẽ không được chôn trong nghĩa trang mà ở giữa ngã tư đường.
Những nơi được chọn để chôn cất rất hẻo lánh, có một giao lộ để đánh dấu địa phận của thị trấn hay giáo xứ đó. Những người tự sát sẽ bị cộng đồng khai trừ, nên không được chôn trong nghĩa trang.
Tương truyền, giao lộ đường là cánh cổng dẫn đến limbo, một nơi nằm giữa hai thế giới – thiên đàng và địa ngục, ở đây còn có thể liên lạc với linh hồn người chết. Trong văn hóa châu Âu thời trung cổ, ngã tư đường chính là nơi thiêng liêng và gần với thế giới tâm linh, thậm chí có nhiều nghi lễ triệu hồi quỷ cần đến vị trí đặc biệt này.
Bị chôn cất ở đây trong các ngôi mộ không tên, linh hồn những người này được kể là sẽ tới Limbo và mắc kẹt ở đó vĩnh viễn. Việc chôn cất ở giao lộ đã chính thức bị bãi bỏ bởi một đạo luật của Quốc hội năm 1823. Lần chôn cất cuối cùng diễn ra ở ngã tư ở London, hiện là trạm xe bus tại ga Victoria.