- Theo Trí Thức Trẻ | 30/08/2016 06:24 PM
Ít ngày vừa qua, câu chuyện "nghiện game" lại một lần nữa trở thành chủ đề cực kỳ nóng trong cộng đồng. Thời gian qua, chúng ta đã được theo dõi hàng trăm bài viết bàn luận xung quanh vấn đề "nghiện game". Thậm chí game còn được ví với khái niệm ma túy số với khả năng biến con người từ chỗ "con ngoan trò giỏi" trở thành "kẻ vô ích cho xã hội", điều này không khỏi khiến các bậc phụ huynh đứng ngồi không yên mỗi lần thấy con cái mình "tý toáy" trước màn hình vi tính.
Chính bản thân những điều này đã khiến cho các bậc phụ huynh cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm, mà thực tế nếu không nói giảm nói tránh thì sẽ là định kiến cực kỳ cố hữu về game. Ở một chừng mực nhất định, những thứ được coi là “định kiến”, đáng buồn thay, lại xuất phát từ chính những tư duy chưa thỏa đáng, hay thậm chí là từ những câu chuyện các bậc phụ huynh truyền tai nhau về những tác hại của game. Ít ai để ý rằng, những tác hại hiển hiện đó lại xuất phát từ chính việc nơi lỏng quản lý con em mình.
Và vì lý do chểnh mảng học hành, cũng như quá ham mê chơi game đến độ trốn học ra quán game, mà nhiều ông bố bà mẹ đã ngăn cấm con em họ chơi game, và thậm chí là có những cách trừng phạt rất nặng nề khi họ phát hiện ra con em mình trốn đi chơi game. Kỳ thực, ở nhiều khía cạnh cả lý thuyết lẫn thực tế, thì việc các em trốn học chơi game cũng xuất phát chính một phần từ việc các bậc phụ huynh cấm con em mình chơi game.
Khi bị cấm chơi, các em, những đứa trẻ đang sẵn bản tính tò mò sẽ tìm ra mọi cách để được thỏa mãn tình yêu game của chúng. Và việc ăn cắp tiền cha mẹ, hay trốn học ra quán chơi game sẽ là điều hiển nhiên nếu thời gian biểu của chúng quá chặt chẽ, vốn là một cách để các bậc làm cha làm mẹ quản lý con em họ. Rắc rối từ đây cũng sẽ nảy sinh.
Tuy nhiên hãy tạm gác lại vai trò của phụ huynh đối với việc con cái họ chơi game. Hãy bàn luận một chút về nghiện game. Liệu "nghiện game" khác gì so với "mê game"? Liệu có phải cứ so sánh thời gian chơi game nhiều hay ít là đã có thể kết luận rằng một game thủ đã nghiện game?
Nếu bạn có những biểu hiện dưới đây, 80% có thể chắc chắn bạn đã nghiện game
Vì sao lại dùng từ "nghiện"? Nghiên cứu cho thấy, không phải cứ sử dụng những chất cấm hay những chất kích thích mới có thể gây nghiện. Có những hành vi do chính con người thực hiện giúp cơ thể tự sản sinh những chất tác động lên não, mà khoa học gọi là ma túy nội sinh, đơn giản vì những chất hóa học này tạo ra "khoái cảm" cho não mạnh chẳng kém gì những chất hóa học nhân tạo kia.
Không phải hành động nào tạo ra ma túy nội sinh cũng có hại. Trong số đó phải kể đến hôn, hay tập thể dục thể thao chẳng hạn. Và dĩ nhiên trong số đó có cả chơi game. Không chỉ để giải trí, chơi game còn gián tiếp tạo ra cảm giác dễ chịu, thư thái hoặc hồi hộp tùy vào tựa game mà chúng ta thưởng thức. Đối với một số người, việc chơi game thậm chí còn sinh ra cả ma túy nội sinh nữa.
Và mọi việc sẽ đi quá tầm kiểm soát khi chúng ta bị phụ thuộc vào game. Không chỉ tạo ra cảm giác thoải mái, mà mỗi tựa game đều có cho mình một hoặc một vài mục tiêu nhất định để người chơi chinh phục. Mục tiêu này tuy ảo nhưng lại hiện hữu rất rõ ràng. Và nếu bạn, một game thủ Việt, nghĩ rằng việc đứng top một server game online quan trọng hơn điểm 7 kiểm tra một tiết môn toán ở trường, thì rất buồn phải nói rằng, bạn đã nghiện game. Đến một thời điểm nào đó, bạn chơi game chỉ vì bạn "thèm muốn", muốn có được cảm giác thỏa mãn vì được ngồi trước màn hình máy tính. Đó chính là khái niệm "nghiện".
Những người bình thường họ sẽ chỉ chơi game trong một khoảng thời gian nhất định là sẽ thôi hoặc sẽ nhanh chán. Thế nhưng, những người nghiện game luôn có thể chơi hàng giờ liên tục không nghỉ bên cạnh máy tính hay smartphone của mình. Người nghiện game sẽ không có khái niệm hay định hình được thời gian hay không gian khi chơi game.
Họ không có khả năng kiểm soát được thời gian chơi game nên nhiều dự định chỉ là chơi game trong 15 - 20 phút hay chỉ vào xem một chút thôi rồi đi ra, nhưng họ không thể ngừng lại như dự kiến mà chơi game liên tục trong nhiều giờ. Nhiều game thủ đã chơi thâu đêm khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi do đó bỏ bê những công việc quan trọng hay bỏ dở việc học hành của mình.
Họ bỏ mặc các mối quan hệ bạn bè và gia đình, những người rất thân thiết với họ trước đây. Các trường hợp nghiện game nặng, đôi khi những game thủ bỏ qua cả việc vệ sinh cá nhân và không chịu tắm rửa đến cả tuần. Đó là những "cảnh giới" nguy hiểm nhất khi một người bị cuốn vào thế giới ảo.
Tại game hay tại con người?
Khoảng thời gian chơi luôn luôn là dấu hiệu thường được người ta nhắc tới khi định nghĩa thế nào là "nghiện game". Một số bài báo trước đây trích dẫn lời các bác sỹ trong nước rằng cứ chơi quá... 2 tiếng một ngày là nghiện, rõ ràng thời gian chơi là yếu tố quan trọng để thấy sự đam mê quá độ hay không, nhưng 2 tiếng đồng hồ thì quá ít ỏi và bình thường. Thực tế cho thấy thời gian chơi tuy quan trọng nhưng lại không phải thứ quyết định đưa đến kết luận một người đã bị nghiện game.
Theo nhiều game thủ nhận định trên diễn đàn, một người thông thường có thể chơi tới 4 tiếng đồng hồ 1 ngày mà họ vẫn giữ được cuộc sống cân bằng. Số khác có thể chơi nhiều hơn nhưng đa phần là "cắm auto" còn bản thân chỉ thực sự online trong 2, 3 tiếng. Nói cách khác, 4 ~ 5 giờ chơi một ngày là ngưỡng phù hợp với tầng lớp "ham game".
Rất nhiều ông bố bà mẹ đã lên tiếng phàn nàn thậm chí lên án game vì con cái họ chơi game quá nhiều, chểnh mảng học hành. Thế nhưng một vấn đề còn tồn tại là, các cô bé cậu bé còn đang độ tuổi ăn tuổi chơi thì làm sao mà có ý thức tự kiểm soát bản thân, trong khi các vị phụ huynh không có những cách quản lý con em hiệu quả?
Bản thân những người lớn, đã có công việc, gia đình thậm chí còn nghiện game hơn nhiều. Họ bỏ nhiều tiền bạc, thời gian vào game, dẫn tới những vấn đề không mong muốn. Phải khẳng định một điều, khi bạn nghiện game, không kiểm soát được bản thân, thì game không bao giờ có lỗi do game quá cuốn hút. Lỗi là ở chính bạn không thể nào quản lý được thời gian của bản thân và bị nghiện game.