Gần thung lũng Olympos ở tây nam Thổ Nhĩ Kỳ có khu vực được gọi là Yanartas xuất hiện vô số ngọn lửa không bao giờ tắt.
Theo lời kể của người dân bản địa, những hòn đá ở đây tự cháy rực suốt 2.500 năm qua. Do đó, họ đã đặt tên cho nơi đó là Yanartas.
Trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Yanartas nghĩa là “hòn đá bốc cháy”. Không ai biết vì sao những hòn đá ở đây có thể bốc cháy. Thời xưa, người dân dựa vào truyền thuyết về quái vật phun lửa Chimera trong trường ca Illiad do thi hào Homer sáng tác để lý giải về hiện tượng đặc biệt này.
Theo diễn biến trong truyền thuyết, vị thần Hy lạp là Bellerophon chôn con quái vật Chimeara xuống lòng đất. Nhiều người bản địa tin rằng, đây chính là nơi chôn của con Chimeara và những ngọn lửa này chính là hơi thở của nó.
Các nhà khoa học không cho rằng lời giải thích chỉ đơn giản như vậy. Vì thế, họ bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về nguyên nhân khiến những hòn đá Yanartas lại có thể tự bốc cháy. Cuối cùng, họ đưa ra kết luận, ngọn lửa phát ra từ những hốc đá này chính là kết quả của sự rò rỉ khí mê tan từ lớp địa tầng bên dưới qua các lỗ hở.
Nguồn khí methane ở Yanartas được cho là hình thành từ mức nhiệt độ cao hơn so với điều kiện tại khu vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa biết điều gì đã châm lửa cho những luồng khí này bốc cháy, và khiến cho ngọn lửa này duy trì sự cháy liên tục suốt hơn 2.500 năm qua.
Trong một nghiên cứu mới nhất của Giuseppe Etiope, một nhà khoa học của Viện Địa vật lý và Núi lửa quốc gia ở Rome, Italy, cùng các đồng nghiệp tại Đại học Bolyai (Rumani), đã tìm thấy câu trả lời cuối.
Hóa ra, Ruthenium, một kim loại hiếm được tìm thấy trong các hòn đá ở Yanartas có thể đóng vai trò như một chất xúc tác. Nó cũng là kim loại thúc đẩy sự hình thành khí methane ở nhiệt độ dưới 100 độ C, tương đương mức nhiệt ở Yanartas.
Nhờ có kết quả nghiên cứu này, tương lai về việc tìm kiếm nguồn cung cấp khí methane tự nhiên mới trên Trái đất đã có nhiều triển vọng hơn.