Những điều thú vị về phim Blade Runner 2049 mà bạn có thể đã vô tình bỏ qua

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 26/10/2017 11:07 AM

Blade Runner 2049 là tựa phim viễn tưởng vô cùng thú vị với rất nhiều tình tiết ẩn mà nếu bạn không để ý kĩ sẽ vô tình bỏ qua chúng.

Được mệnh danh là bộ phim kinh điển của thể loại khoa học viễn tưởng, hơn 3 thập kỷ trôi qua, Blade Runner vẫn là cái tên thu hút khán giả trên toàn thế giới. Cũng vì có liên kết nhiều với nguyên tác, phần tiếp theo - Blade Runner 2049 sở hữu không ít chi tiết thú vị mà người xem có thể đã bỏ lỡ.

Ý nghĩa của cái tên “Joe” mà Joi đặt cho K

Tác phẩm nổi tiếng của nhà văn đại tài Franz Kafka – The Trial là cảm hứng cho cái tên của nhân vật chính do Ryan Gosling thủ vai. Trong tiểu thuyết, nhân vật chính Josef K đột nhiên bị bắt, không một lý do, không lời giải thích. K đấu tranh một cách tuyệt vọng trước sự phi lí này. Đây chính là ẩn dụ cho cuộc sống của sĩ quan K trong Blade Runner 2049.

Không chỉ vậy, cái tên “Joe” còn mang ý nghĩa khác. Joe hay Joseph, trong Kinh Thánh, là con trai của Rachel – người bị bán làm nô lệ và sau này trở thành thủ lĩnh cao quý của dân tộc Israel. Điều này ám chỉ “sự đặc biệt” của K khi anh lầm tưởng mình là đứa con lai giữa loài người và Replicant và mang sứ mệnh giải phóng Replicant thoát khỏi kiếp nô lệ.

Tên mã đầy đủ của sĩ quan K là KD6-3.7. Nếu tra số ra chữ thì ta được cái tên “K-DIC.K”. Blade Runner được chuyển thể từ “Do Androids Dream of Electric Sheeps?”, và đây là một chi tiết nhằm tôn vinh Philip K.Dick - tác giả của tiểu thuyết này.

Ý nghĩa của cái cây chết trước căn nhà của Sapper

Ở phân cảnh sĩ quan K và Mariette thảo luận về cái cây chết trước nhà của replicant Sapper Morton, Mariette nghĩ nó là một cái cây đẹp, trong khi K chỉ ra nó đã chết. Mariette là thành viên của Phong trào Tự Do Dân Chủ của Replicant, đã xem cái cây là địa điểm của “phép lạ”, một trong những lời ám ảnh cuối cùng của Sapper. Còn K đã không nhận ra điều này vì anh ta quá thờ ơ.

Gỗ là nguyên liệu hiếm

Loại gỗ được sử dụng trong phim rất khan hiếm và vô cùng có giá trị, được thể hiện rõ bằng chi tiết con ngựa gỗ của K. Chưa hết, ngôi nhà của nhân vật phản diện Niander Wallace (Jared Leto) được làm hoàn toàn bằng gỗ, khắc họa được sự giàu có và quyền lực của ông ta.

Origami hình con cừu của Gaff

Thanh tra Eduardo Gaff từng là một trong những nhân vật quan trọng trong phần đầu tiên, nay xuất hiện với tư cách khách mời trong Blade Runner 2049. Hiện tại, vị thám tử này đã nghỉ hưu và sống tại một trại dưỡng lão buồn tẻ. Đúng như những gì ta có thể mong đợi, sự xuất hiện của Gaff rất mơ hồ và huyền bí. Trên chiếc bàn của ông là những mảnh giấy origami rải rác. Cuối cảnh này, ông đặt một con cừu giấy lên bàn. Đây không phải chỉ là sở thích riêng của Gaff mà còn là sở thích của nhà văn Philip K.Dick.

Cảnh cuối của Blade Runner

Cảnh của của Blade Runner 2049 và bộ phim Drive (2011) có vài chi tiết giống nhau. Không rõ ý đồ của đạo diễn là gì, những cảnh cuối của hai bộ phim này, nhân chính đều bị thương ở bụng và đều được Ryan Gosling thủ vai.

Bảo tàng Replicant của Wallace

Niander Wallace có một bộ sưu tập xác của những người máy nhân bản trong trong văn phòng của anh ta. Một trong số này có hình dạng giống như The Engineer - sinh vật ngoài hành tinh bí ẩn trong bộ phim Prometheus (2012) của Ridley Scott. Vị đạo diễn chính là người cầm trịch cho phần đầu tiên của Blade Runner.

“Điềm gở” mà Blade Runner mang lại

Phiên bản Blade Runner 1982 đã cho xuất hiện rất nhiều sản phẩm từ các hãng nổi tiếng đương thời như: Atari (từng là đối thủ của Apple), Pan Am, RCA, Cuisinart, Bell Phones và Coca-Cola. Ngay sau đó ở ngoài đời thực, trừ Coca-Cola và Cuisinart, các tập đoàn này đều bị phá sản hoặc bị thu mua. Tuy nhiên, Coca-Cola, Atari và Pam An tiếp tục đầu tư và được xuất hiện chớp nhoáng trong cảnh K lái xe vòng quanh LA trong Blade Runner 2049. Có lẽ, lần trở lại này sẽ phá bở những điềm gở trước đó chăng?