Vào đầu những năm 2000, đầu tư vào bộ ba tác phẩm của đạo diễn Peter Jackson cũng giống như một canh bạc cho studio khi họ sẽ phải cùng lúc bỏ vốn thực hiện ba bộ phim. Nếu phần đầu tiên thành công thì không sao, nhưng nếu không thành công, công sức làm hai phần phim tiếp theo gần như sẽ đổ sông đổ bể. Và thật may mắn cho New Line Cinema, “Chúa nhẫn” không chỉ đơn thuần là “thành công”, mà còn trở thành một trong những tượng đài vĩ đại nhất của ngành công nghiệp điện ảnh.
Đó mới chỉ là một sự thật thú vị đằng sau quá trình sản xuất bộ ba siêu phẩm The Lord of the Rings. Để làm ra tác phẩm đình đám này, đã có rất nhiều câu chuyện bất ngờ xảy ra sau máy quay. Nhân dịp hai phần đầu “Chúa nhẫn” trở lại phòng vé Việt, cùng nhìn lại những chuyện hậu trường thú vị của loạt phim.
Hobbiton được xây dựng trước khi khai máy một năm
Hobbiton trong ấn tượng của khán giả là một vùng đất xanh tươi, trù phú. Bối cảnh của ngôi làng được xây dựng gần Matama, New Zealand cả năm trời trước khi bộ phim chính thức bấm máy. Mục đích của đạo diễn Peter Jackson và ê-kíp là tạo ra một bối cảnh chân thực nhất có thể, như thể người Hobbit đã sinh sống, bồi đắp cho vùng đất này từ rất lâu. Và kết quả, bối cảnh Hobbiton mang đến những thước phim ấn tượng bậc nhất lịch sử màn ảnh rộng. Cho đến ngày nay, ngôi làng Hobbiton vẫn là một điểm tham quan nổi tiếng tại New Zealand.
Tám trong số chín thành viên Đoàn Hộ Nhẫn có hình xăm nhóm
Tám trong số chín diễn viên thủ vai các thành viên Đoàn Hộ Nhẫn cùng có một hình xăm chung là chữ “nine (tạm dịch: chín)” được viết bằng hệ chữ Tengwar do J.R.R. Tolkien sáng tạo nên; nhằm kỷ niệm việc cùng nhau ghi hình ba phần phim “Chúa nhẫn”. Họ đã cùng nhau ghé một tiệm xăm ở Wellington để thực hiện hình xăm này. John-Rhys Davies là người duy nhất không xăm hình, nhưng diễn viên đóng thế của anh cũng đã “nhập hội” để có đủ 9 người.
Viggo Mortensen tự mình thực hiện các cảnh hành động trong phim
Sau khi Viggo Mortensen ký vào bản hợp đồng đảm nhận vai Aragon trong “Chúa nhẫn”, ông cương quyết tự thực hiện các cảnh hành động của mình, giống như Tom Cruise trong Mission: Impossible. Trong cảnh quay Aragon đá vào chiếc mũ và bật khóc, trên thực tế, lý do là chiếc mũ quá nặng và Mortensen đã làm gãy hai ngón chân của mình khi thực hiện phân cảnh.
Andy Serkis lấy cảm hứng cho nhân vật của mình từ… con nghiện và mèo
Khi Andy Serkis nhận được lời mời đảm nhận vai Gollum, thực tế lúc đầu, ông chỉ cần lồng tiếng cho nhân vật trong vòng ba tuần tại New Zealand. Phần hình ảnh của nhân vật Gollum sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng CGI. Thế nhưng khi Serkis đến thử vai, đạo diễn Peter Jackson quá ấn tượng đến mức, ông quyết định sử dụng các công nghệ khác để Serkis có thể diễn xuất trực tiếp trên trường quay.
Serkis chia sẻ, ông lấy cảm hứng thể hiện các hành động của nhân vật Gollum từ chính những… con nghiện, trong khi giọng nói của nhân vật nghe giống khi mèo bị mắc tóc. Trước khi diễn xuất, Serkis sẽ phải uống một loại nước mà mọi người gọi là “Nước Gollum”, được pha từ mật ong, chanh và gừng để chuẩn bị cho phần giọng nói cực “khó nhằn” trong phim.
Sean Bean leo núi mỗi ngày khi quay phim
Với cảnh quay trên ngọn núi tuyết Caradhras, cả dàn diễn viên sẽ lên địa điểm quay phim bằng trực thăng. Tuy nhiên Sean Bean lại rất ghét bay và từ chối bay mọi lúc có thể. Do vậy mỗi ngày, nam diễn viên sẽ mặc nguyên bộ Boromir leo núi hai tiếng để đến được phim trường. Các diễn viên chia sẻ, họ thường quan sát Boromir leo núi khi ngồi trực thăng lên địa điểm quay.