- Theo Trí Thức Trẻ | 03/12/2016 0:00 AM
Game từ trước tới nay luôn là những tác phẩm gây ấn tượng bởi đồ họa ấn tượng, cốt truyện được sáng tác dày công bởi các biên kịch thượng thừa, hay những màn chơi lấy đi biết bao cảm xúc của game thủ. Đúng như vậy, game là những tác phẩm tổng hòa của nhiều phần khác nhau, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa đen mà đôi lúc chỉ có thể so sánh được với những bộ phim kinh điển hoặc những tác phẩm văn học nổi tiếng. Những bài học trong game luôn luôn tồn tại, và được các nhà làm game đại tài lồng ghép một cách vô cùng tinh tế sau những màn hành động gay cấn và những đoạn cắt cảnh ấn tượng.
Thế nhưng, đôi lúc chúng ta cũng phải dừng lại một nhịp để tự hỏi bản thân "Từ từ đã, cái quái gì đang xảy ra trong game thế này?" Có quá đỗi nhiều thứ vô lý đến mức nhảm nhí nhưng người làm game vẫn coi chúng là điều đương nhiên, và đến thời điểm này, chính người chơi đôi lúc cũng mặc định coi những tính năng này trong game là chắc chắn phải có. Vậy những điều nhảm nhí nhưng được game thủ coi là bình thường "như cân đường hộp sữa" này là những gì?
Hồi máu và HP
Tưởng tượng trên chiến trường, bạn chỉ cần trúng 1 viên đạn vào người là chẳng còn sức lực mà đứng vững chứ đừng nói là chạy nhảy và chiến đấu tiếp. Ấy vậy mà trong game, chỉ cần viên đạn đó không trúng vào những vùng nguy hiểm trên cơ thể thì bạn vẫn có thể chạy vào những góc khuất để ẩn nấp chờ hồi máu, màn hình hết đỏ là có thể chạy ra chiến đấu tiếp.
Ngoài đời thực, bạn sẽ cần cáng cứu thương và nguyên một đội y bác sỹ hồi sức cấp cứu. Lý do là viên đạn trong người sẽ khiến cơ thể mất máu dần dần, dẫn tới tình trạng nguy hiểm. Đó chính là điều trái ngang đầu tiên trong những tựa game bắn súng hay hành động. Càng chờ lâu bạn sẽ càng khỏe lại, ngược lại 180 độ so với những lý thuyết thông thường.
1 máu vẫn làm được cả team, không vấn đề gì !
Tương tự như vậy là những game hành động tính thể lực của nhân vật theo HP. HP (hit point) càng thấp có nghĩa bạn càng yếu và dễ bị hạ gục. Ấy thế nhưng mà chẳng thiếu những trường hợp những game thủ chuyên nghiệp chỉ còn 1 HP vẫn giành chiến thắng cả round đấu nhờ những phát súng xuất thần. Bạn đã bao giờ thấy những chiến binh chỉ còn 1% sức sống chạy phăm phăm ngoài chiến trường, hạ gục hết tên địch này đến đối thủ khác chưa? Chắc chắn là không giống như game rồi.
Hệ thống vật phẩm
Hồi chơi Diablo 3: Reaper of Souls, cái điều tôi thấy ức chế nhất chính là việc đánh những tên trùm khó nhất game, thậm chí là trùm cuối Malthael mà chỉ rơi ra vài món đồ tầm thường, stat thậm chí còn chẳng bá đạo như set đồ đang mặc trên người. Ấy thế mà nâng độ khó lên một chút, đắp thêm ít chỉ số nhặt được đồ khủng, đi cày Torment một hồi chỉ cần gặp vài tốp quái Elite là đồ vàng đồ nâu rơi ra nhiều như kỳ black friday bán hàng giảm giá...
Đi đánh quái ghẻ còn ra đồ xịn hơn boss cuối, công lý ở đâu ?!
Cũng vẫn hiểu một điều, rằng chỉ số nhân vật cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tìm thấy đồ khủng, nhưng chẳng lẽ gã thiên thần tội lỗi kia, trùm cuối gây khiếp sợ toàn thế giới kia, gã thần chết khiến cho chiến binh Nephalem huyền thoại (chính là chúng ta chứ ai) phải quay trở lại đánh đông dẹp bắc lại chỉ mặc đồ cùi trên người thôi hay sao? Ít nhất thì sau cả một quá trình khổ cực đánh boss mãi mới xong cũng phải có món item gì chất lượng một chút chứ? Chính thứ logic như thế này đã khiến không ít người nản khi cày kéo nhiều game nhập vai.
Càng uống càng khỏe. Sao cơ quá liều á? Bạn là nhân vật chính mà sao lại sợ uống quá liều hồi máu?!
Tương tự là những loại potion hồi máu hay hồi mana. Trong nhiều game nhập vai, chúng ta có thể thấy nhân vật ảo uống potion thay cho nước lọc, cứ uống là hồi máu, lại khỏe re để chiến đấu tiếp. Đến đây tôi tự thấy The Witcher mới thật sự ấn tượng và logic. Uống quá nhiều bình máu bạn sẽ bị nhiễm độc và gặp nhiều hậu quả khôn lường. Potion dù có dùng hóa chất hay cây cối gì đi chăng nữa thì để hồi phục sinh lực cũng phải đánh đổi lấy 1 số nguy cơ nhiễm độc, chứ người hùng có mạnh tới đâu cũng không thể có đường tiêu hóa "xịn" đến mức đó được! Hãy so sánh với việc uống thuốc giảm sốt, bạn phải uống theo liều chứ không thể uống càng nhiều càng nhanh hạ sốt, hậu quả chỉ có đi bệnh viện rửa ruột mà thôi!
Vào nhà người khác như chốn không người
Ngoài đời thực, kể cả bạn có là một người hùng được cả thế giới nể phục đi chăng nữa, thì cũng chẳng phải ai cũng chấp nhận cho bạn vào nhà của họ với lời mời "tự nhiên như ở nhà mình". Ấy thế mà trong hầu hết game nhập vai, những nhân vật trong game cho phép bạn vào nhà rất tự nhiên, bắt chuyện như người trong gia đình.
Được giá là xúc ngay!
Bá đạo hơn cả là việc, đôi khi bạn nhận nhiệm vụ phụ từ những con người này, nhưng thay vì bắt đầu đi làm nhiệm vụ luôn, bạn lại đảo một vòng trong nhà họ, lục lọi và "khoắng" sạch những món đồ quý giá làm của riêng. Nếu ở ngoài đời, chỉ cần lấy một trái táo hay uống một cốc nước không xin phép, bạn đã xứng đáng bị mắng té tát rồi, còn nếu lấy đồ mà bị phát hiện, thì chỉ có một nơi bạn được dẫn đến: Đồn công an phường!
Có vẻ như trong game, những người dân hơi lành hiền quá mức, cứ thấy ai cầm kiếm hay vũ khí là sợ đến mức không dám kháng cự lại thì phải? Ấy là chưa kể đôi lúc, ở nhiều xó xỉnh bãi rác, bạn thậm chí còn kiếm được cả... vũ khí hay tiền bạc (!) Dĩ nhiên chỉ vài đồng lẻ nhưng ngần đó vẫn đủ để thắc mắc về tính logic trong game. Liệu có ai "ăn chơi" tới mức dọn cả tiền lẻ đi đổ rác cho đỡ... chật nhà?
Aura nhân vật chính
Cảnh giới cuối cùng của logic trong game chính là những nhân vật chính được khắc họa như những kẻ cứu thế giới, những cá nhân nhỏ nhoi nhưng có tác động lớn tới cả thế giới của game. Thực ra tôi không đổ lỗi cho game, mà đổ lỗi cho những bộ phim hành động Mỹ với thể loại mô tả nhân vật chính kiểu chủ nghĩa anh hùng cá nhân, nơi một con người có thể cứu cả trái đất!
Mô típ "trai đẹp" quá đỗi thân quen trong phim ảnh sách báo!
Hãy tạm lấy ví dụ anh chàng Leon Kennedy trong Resident Evil 4, hay bộ đôi Chris và Sheeva trong RE5. Cả ba bước vào cuộc chiến không khoan nhượng với những con zombie khát máu, sản phẩm của những thử nghiệm vũ khí sinh học kinh hoàng ngoài tầm kiểm soát. Thứ khiến người chơi khó hiểu là, tại sao con gái ngài tổng thống bị bắt cóc và cả đất nước lại trông chờ vào tài năng của một anh chàng có độc một khẩu súng ngắn và ít thảo dược cầm máu? Anh ta thì có cái gì ngoài khuôn mặt đẹp trai và bộ tóc rẽ ngôi y như Đan Trường những năm 2000? Đó không phải "aura" nhân vật chính thì là thứ gì?
Nếu là ngoài đời thực, các nhà chức trách sẽ gửi đến vùng đất chết những đội đặc nhiệm chuyên nghiệp và hùng mạnh nhất, chứ không phải một anh chàng đặc vụ lẻ loi đơn độc như thế này. Điều này lại khiến tôi nhớ đến Army of Two, nơi bạn sẽ phải trang bị giáp trụ tận răng, không nhìn thấy cả mặt nhân vật chính để chống lại những âm mưu của bọn khủng bố. Không cool ngầu như nhiều game khác, nhưng ít ra nó còn hợp với lẽ thông thường.