Vào tháng 1/2015, các nhà thiên văn học Konstantin Batygin và Mike Brown thuộc Viện Công nghệ California đã dựa trên tính toán và mô phỏng thông báo rằng có thể có một hành tinh khổng lồ đang ẩn nấp đâu đó bên ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương. Một số nhà khoa học hiện cũng đang nghiên cứu về "Hành tinh thứ chín" trong giả thuyết và có thể sẽ mất hàng thập kỷ để tìm thấy nó nếu hành tinh này thực sự tồn tại. Thiên thể to lớn này, nếu tồn tại, có thể giúp giải thích chuyển động của một số vật thể trong Vành đai Kuiper - một vành đai gồm những vật thể được tạo thành chủ yếu từ băng nằm ngoài quỹ đạo sao Hải Vương. Nhà thiên văn học Brown đã phát hiện ra một số vật thể lớn trong khu vực này thậm chí vượt quá cả kích cỡ của sao Diêm Vương.
Theo một nghiên cứu năm 2019, thiên hà Tiên Nữ - hàng xóm lớn nhất của Trái Đất từng "nuốt chửng" những thiên hà nhỏ hơn trong ít nhất 10 tỷ năm. Trong 4,5 tỷ năm nữa, thiên hà này và Dải Ngân hà của chúng ta sẽ va chạm với nhau. Hiện chưa rõ liệu thiên hà nào sẽ "nuốt chửng" thiên hà nào.
Sao Hải vương tỏa nhiều nhiệt hơn lượng nhiệt nhận từ Mặt trời: Sao Hải vương nằm cách xa Trái Đất và các nhà khoa học đều muốn đưa một tàu vũ trụ tới đây khám phá sớm. Có lẽ, khi đó, công nghệ có thể trả lời rõ hơn về những bí ẩn của sao Hải Vương, chẳng hạn như tại sao hành tinh này tỏa nhiều nhiệt hơn lượng nhiệt mà nó nhận được, nhất là khi sao Hải Vương nằm quá xa Mặt trời. Các nhà khoa muốn biết điều gì đang diễn ra trên hành tinh này bởi điều đó sẽ giúp lý giải sự chênh lệch nhiệt độ ảnh hưởng đến các quá trình thời tiết trên hành tinh.
Sao Mộc có nhiều nguyên tố nặng hơn Mặt trời: Mặt trời và các hành tinh có thể cùng hình thành từ một đám mây khí heli và hydro. Điều này sẽ đặc biệt đúng với sao Mộc, một hành tinh khí lớn gấp 317 lần Trái Đất. Nhưng tại sao nếu trường hợp trên xảy ra, sao Mộc lại có nhiều nguyên tố nặng hơn và rắn hơn Mặt trời? Một giả thuyết được đặt ra là có thể bầu khí quyển sao Mộc được "làm giàu" bởi các sao chổi, thiên thạch và các thực thể rắn nhỏ mà nó hút vào bằng trường hấp dẫn của mình.
Thiên hà sẽ phải nuốt chửng các thiên hà khác hoặc sẽ chết. Tuy nhiên, thiên hà NGC 1277 chọn vế thứ hai. Thiên hà được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 2018 này nằm cách Trái Đất hơn 240 triệu năm ánh sáng. Nó không hình thành sao mới trong khoảng 10 tỷ năm và trở thành một thiên hà chết. Các nhà khoa học tin rằng NGC 1277 trở thành như vậy bởi nó di chuyển quá nhanh nên không thể "ăn" các thiên hà khác bằng lực hấp dẫn của mình. Thiên hà này đi qua không gian với tốc độ khoảng 3,2 triệu km/h. Nếu không có khí và bụi từ những thiên hà khác, NGC 1277 không hình thành sao nữa.
Chất hữu cơ khá phổ biến trong Hệ Mặt trời: Trong khi các chất hữu cơ rất phổ biến trên Trái Đất thì điều thú vị là nó cũng hiện diện ở nhiều nơi trong Hệ Mặt trời. Khi các nhà khoa học tìm ra chất hữu cơ trên bề mặt sao chổi 67P, điều này đã củng cố giả thuyết có lẽ các chất hữu cơ đã được mang tới Trái Đất qua các thiên thể nhỏ. Các chất hữu cơ cũng được tìm thấy trên bề mặt sao Thủy, mặt trăng Titan của sao Thổ và trên sao Hỏa.
Thiên hà Little Cub nằm trong chòm sao Đại Hùng (Ursa Major) là một thiên hà lùn nằm im lìm từ sau vụ nổ lớn (Big Bang). Điều đó tức là nó chứa những phân tử không hề thay đổi kể từ khoảnh khắc sau khi sự giãn nở nhanh chóng của vũ trụ diễn ra cách đây 13,7 tỷ năm. Dù vậy, Little Cub có một "số phận bi đát" khi nó bị "ăn" bởi người láng giềng lớn hơn là một thiên hà giống với Dải Ngân hà được gọi là NGC 3359.
Sao Thổ có cơn bão hình lục giác: Bán cầu Bắc của sao Thổ có một cơn bão sáu cạnh dữ dội có tên là "Lục giác". Việc tại sao nó lại có hình dạng này cho tới nay vẫn là một bí ẩn. Cơn bão này có một số đặc điểm chung với những cơn cuồng phong trên Trái Đất và đã tồn tại ít nhất hàng thập kỷ nếu không muốn nói là hàng thế kỷ.
Một mặt trăng quay quanh một mặt trăng được gọi là trăng của trăng (hay moonmoon). Mặc dù trăng của trăng chỉ tồn tại trên giả thuyết nhưng những tính toán gần đây cho thấy không có gì là không thể về sự hình thành của chúng. Có lẽ một ngày nào đó các nhà khoa học sẽ phát hiện ra những thiên thể này.
Hầu hết các thiên hà mà các nhà khoa học quan sát được đều di chuyển ra xa Trái Đất bởi vũ trụ đang mở rộng nhưng Messier thì không như vậy. Thiên hà xoắn ốc này cách chúng ta 60 triệu năm ánh sáng và đang tiến về phía Dải Ngân hà./.