Những điều cần biết về Tokyo Game Show 2016 - E3 của phương Đông

Nga0Du  - Theo Trí Thức Trẻ | 16/09/2016 11:38 AM

So với E3 hay Gamescom, TGS mang tính nội địa nhiều hơn khi các sản phẩm đến từ Nhật Bản chính là chủ đạo của hội chợ này. Tuy nhiên theo thời gian, TSG đang ngày một cởi mở và mang tính quốc tế nhiều hơn.

Tokyo Game Show là gì?

Tokyo Game Show, hay còn được gọi với cái tên TGS, là một hội chợ game thường niên được tổ chức hàng năm vào tháng 9 tại Makuhari Messe, Chiba, Nhật Bản. Hội chợ này được sáng lập và điều hành bởi Hiệp hội các nhà cung cấp máy tính giải trí (CESA) và công ty Nikkei Business Publications.

Trọng tâm chính của TGS là giới thiệu và quảng bá cho ngàng game Nhật Bản. Bên cạnh đó, các sản phẩm game nổi tiếng của làng game thế giới cũng sẽ góp mặt và tham dự. Tương tự như hội chợ GamesCom tại Đức, TGS cho phép người hâm mộ và du khách tham quan trong hai ngày cuối cùng.

Sự kiện đầu tiên của TGS được tổ chức vào năm 1996. Từ năm 1996 đến 2002, sự kiện được tổ chức hai lần một năm, một lần vào mùa xuân và một lần vào mùa thu. Từ năm 2002 đến nay, TGS chuyển về tổ chức mỗi năm một lần. Trong những năm trở lại đây, lượng khách tham dự TGS tăng trưởng đều đặn. Năm 2011, sự kiện đã phá kỷ lục với hơn 200.000 người tham dự. Đến năm 2012 con số này tăng lên 223.000 và 270.000 vào năm 2013.

Tiếp nối “truyền thống” đã và đang hình thành này,Tokyo Game Show 2016 hứa hẹn sẽ khiến không chỉ làng game Nhật mà là cả ngành game toàn cầu phải dõi theo mình.

Tokyo Game Show 2016 sẽ có những gì?

Được tổ chức từ ngày 15 đến 18 tháng 9, TGS 2016 có nhiều thay đổi về cơ cấu sự kiện so với những năm trước mà cụ thể là việc khu vực chính sẽ được phân chia thành 17 khu, bao gồm:

1) Khu sự kiện chính: Là trung tâm của sự kiện, nơi các nhà phát hành game lớn của Nhật Bản và thế giới sẽ trình chiều và giới thiệu những dự án bom tấn của họ.

2) Khu game di động, mạng xã hội: Đúng như tên gọi, đây sẽ là thiên đường của các nhà sản xuất và người hâm mộ game di động và game mạng xã hội.

3) Khu game “hẹn hò”: Một điểm nhấn cũng là nét văn hóa đặc trưng của dòng game Nhật Bản.

4) Khu thể thao điện tử: Bạn là tín đồ của Liên Minh Huyền Thoại, DOTA 2, CS:GO hay Overwatch? Đây chính là khu vực dành cho bạn.

5) Khu thiết bị chơi game - Gaming gear: Chuột, bàn phím, tay cầm, thiết bị thực tế ảo… Tất cả những thứ bạn cần để thưởng thức các tựa game hấp dẫn đều có mặt tại đây.

6) Khu trao đổi vật phẩm game: Từ các vật dụng trong game, ngoài game, vật lưu niệm, gaming gear… tất cả đều được tìm thấy ở đây.

7) Khu game gia đình: Đây là khu vực dành cho những tựa game vui vẻ, nhẹ nhàng, phù hợp với nhu cầu giải trí gia đình.

8) Khu vực học làm game: Nơi để bạn học tập, giao lưu với những nhà làm game hàng đầu thế giới. Bạn là một nhà làm game tập sự đang tìm kiếm cơ hội nâng cao trình độ? Đây chính là nơi để bạn thể hiện bản thân.

9) Khu game indie (game độc lập, không có nhà phát triển): Đây là nơi để các tựa game do cá nhân hoặc nhóm nhỏ tạo ra mà không có sự hỗ trợ tài chính của bất cứ hãng sản xuất nào

10) Game thực tế ảo (VR): Một hội chợ game lớn như TGS không thể thiếu những xu thế game tân tiến nhất.

11) Khu trí tuệ nhân tạo: Nơi trình diễn trí tuệ nhân tạo (AI)

12. Khu giải pháp kinh doanh: Nơi các nhà làm game tìm kiếm sự giúp đỡ trong công cuộc “móc túi” người chơi.

13. Khu công nghệ đám mây / lưu trữ dữ liệu: Nếu ấp ủ việc phát triển một tựa game chơi mạng, bạn nên ghé qua nơi này.

14 – 15 – 16. Khu game Châu Á / Đông Âu / Nam Mỹ: Đơn giản là những nơi mà các nhà làm game đến từ những khu vực này và người hâm mộ họ có cơ hội gặp nhau.

17. Khu hợp tác kinh doanh: Chẳng phải ngẫu nhiên mà nơi này cấm người chơi lai vãng, các nhà làm game không muốn bạn biết họ thỏa thuận gì sau lưng bạn đâu.

Tạm kết

So với E3 hay Gamescom, TGS mang tính nội địa nhiều hơn khi các sản phẩm đến từ Nhật Bản chính là chủ đạo của hội chợ này. Tuy nhiên theo thời gian, TSG đang ngày một cởi mở và mang tính quốc tế nhiều hơn.

Hiện tại, dù một phần lớn thời gian và không gian của sự kiện này vẫn được dành cho các tựa game nhắm riêng đến thị trường nội địa Nhật Bản nhưng đối với game thủ thế giới, Tokyo Game Show đã, đang và sẽ ngày một trở thành một sự kiện đáng quan tâm khi các nhà làm game xứ Phù Tang cũng như các dự án game của họ ngày càng chú trọng đến việc “quốc tế hóa” bản thân, mạnh dạn tấn công các thị trường game ngoài lãnh thổ quê hương của mình.