Những điều cần biết về nữ thần biển Siren - Sinh vật huyền thoại xinh đẹp và nguy hiểm nhất trong thần thoại Hy Lạp

Green  - Theo Helino | 28/02/2019 10:00 AM

Những con thuyền đi quá gần hòn đảo Anthemoessa sẽ chẳng lạ lùng gì với một giống loài xinh đẹp nhưng cực kỳ nguy hiểm. Các sinh vật mang hình dáng nửa người nửa chim này có thể đánh chìm bất kỳ con thuyền nào đi đến quá gần bờ biển của chúng, mê hoặc các thủy thủ bằng những bài hát khiến họ quên đi mọi thứ. Tạo vật xinh đẹp mà nguy hiểm ấy được gọi là Siren.

Ngoại hình

Ngày nay, Siren thường được miêu tả là những người phụ nữ xinh đẹp có đuôi cá. Truyền thông hiện đại tạo ra cho người ta ấn tượng rằng Siren là một phiên bản đáng sợ, độc ác hơn của nàng tiên cá. Các Siren sẽ luôn có một mái tóc dài, đuôi mang vảy sẫm màu, đôi mắt cùng làn da nhợt nhạt và luôn xuất hiện trong những cơn bão, chờ đợi vụ đắm tàu nào đó xảy ra.

Tuy nhiên, hình ảnh này khác rất nhiều so với mô tả trong thần thoại cổ. Theo đó, thay vì có đuôi cá, những Siren nguyên bản trong thần thoại lại mang một số đặc điểm của loài chim như đôi cánh lông vũ, móng chân và đôi lúc là đuôi chim sẻ. Chúng không thật sự xinh đẹp, nhưng vẫn được xem là những nữ thần biển – những nữ thần ưa đùa vui trong nước.

Những điều cần biết về nữ thần biển Siren - Sinh vật huyền thoại xinh đẹp và nguy hiểm nhất trong thần thoại Hy Lạp - Ảnh 1.

Tính cách

Siren là một giống loài bầy đàn chết chóc. Nhà thơ Homer miêu tả chúng như sau:

"Chúng mê hoặc bất kỳ người phàm nào đến gần mình. Chúng ngồi trên một cánh đồng cỏ, xác của những người đàn ông nằm la liệt xung quanh, uốn éo trên những bộ da đang rã rời."

Tuy nhiên, có lẽ bản chất của Siren không thật sự xấu xa. Một vài câu chuyện miêu tả việc tấn công trực tiếp con người, điều này khiến người ta đặt ra nghi vấn, cho rằng những bài hát của Siren không nhắm đến việc giết chóc. Vậy nếu Siren không phải là những kẻ giết người máu lạnh thì điều gì khiến chúng cất tiếng hát? Câu trả lời xuất hiện trong một truyền thuyết cổ, kể về cuộc thi ca hát giữa Siren với các nàng Muse và rồi Siren đã bị cả nữ thần Demeter cùng các nàng Muse nguyền rủa. Chúng bị đày đến hòn đảo nhỏ, buộc phải sống đơn độc ở đó. Có thể, để trả thù lời nguyền nghiệt ngã, Siren cất tiếng hát, trở thành quái vật hủy hoại cuộc đời của kẻ khác. Hoặc cũng có thể chúng hát để giãi bày nỗi buồn mà thôi.

Một giả thuyết cho rằng có lẽ các Siren đã quá cô đơn, tuyệt vọng nên mới sử dụng bài hát để quyến rũ rồi đưa những người đàn ông đến sống cùng mình. Bởi tương truyền, dù trên hòn đảo của chúng rải rác nhiều xương người, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Siren đã giết họ. Thay vào đó, những người đàn ông có thể chết vì đói do bị giam giữ nhiều tuần.

Những điều cần biết về nữ thần biển Siren - Sinh vật huyền thoại xinh đẹp và nguy hiểm nhất trong thần thoại Hy Lạp - Ảnh 2.

Những khả năng đặc biệt

Siren nổi tiếng với giọng hát thánh thót, trong trẻo, đầy cảm xúc lẫn ma mị. Ngoài giọng hát, trong một vài truyền thuyết cổ còn miêu tả rằng chúng còn có thêm những nhạc cụ giúp sức như đàn lyres, sáo và tiêu. Ngoài ra, Siren cũng được cho là có khả năng tiêng tri, nhờ vậy mà lời ca của chúng thường ẩn giấu nhiều ý nghĩa.

Các truyền thuyết về Siren

Như đã nói ở trên, có rất nhiều truyền thuyết lý giải sự ra đời cũng như xuất hiện của Siren trên biển, và ba truyền thuyết dưới đây là ba truyền thuyết nổi tiếng, được biết đến rộng rãi nhất:

1. Những người hầu của nàng Persephone

Theo truyền thuyết này, Siren từng là những cô gái phàm trần phụng sự cho nữ thần Persephone. Họ thường đi theo nữ thần đến thăm các đồng cỏ yêu thích để hái hoa và ca hát, chơi nhạc cụ làm vui lòng nàng. Khi Persephone bị Hades bắt đi, những cô gái này đã tình nguyện giúp nữ thần Demeter tìm kiếm nàng. Nữ thần Demeter trao cho họ những đôi cánh vàng để có thể bay lượn trên bầu trời, đi tìm Persephone. Tuy nhiên, họ không thể tìm được nàng và đành phải báo lại tin xấu cho Demeter. Vì buồn bã và giận dữ khi mất đi con gái, Demeter đã giáng lời nguyền lên các cô gái đề trừng phạt tội báo tin xấu cho mình. Kể từ đó, họ trở thành Siren, phải mang lốt chim đến cuối đời, sống ở hòn đảo tách biệt.

Những điều cần biết về nữ thần biển Siren - Sinh vật huyền thoại xinh đẹp và nguy hiểm nhất trong thần thoại Hy Lạp - Ảnh 3.

2. Cuộc thi với các nàng Muse

Một lần nữ thần Hera đến hòn đảo của Siren, bà dành lời khen ngợi cho giọng hát hay của chúng. Vì vậy, bà quyết định tổ chức một cuộc thi ca hát giữa Siren với các nàng Muse. Các Siren – lúc này trong lốt chim – đồng ý tham gia. Chúng cất lên những bài ca buồn bã, ảm đạm đến ám ảnh mà người dân Hy Lạp chưa bao giờ được nghe. Dẫu vậy, Siren vẫn chịu thua cuộc trước các nàng Muse – những nữ thần của âm nhạc và nghệ thuật. Để ăn mừng chiến thắng, các nàng Muse đã nhổ lông các Siren, làm thành vương miện cho mình.

Những điều cần biết về nữ thần biển Siren - Sinh vật huyền thoại xinh đẹp và nguy hiểm nhất trong thần thoại Hy Lạp - Ảnh 4.

3. Odyssues và chuyến đi về nhà

Người anh hùng Odyssues trên đường về nhà sau cuộc chiến thành Troy cũng phải đi ngang qua hòn đảo nơi Siren sinh sống. Nhưng may mắn là chàng đã được cảnh báo về sức mạnh cũng như thời điểm Siren xuất hiện. Vậy là chàng đã hạ lệnh cho thủy thủ phải nhét sáp ong vào tai, còn riêng bản thân mình, vì quá hiếu kỳ trước giọng hát ma mị, Odyssues đã được buộc lên cột buồm. Chàng bắt các thủy thủ không được cởi trói dù mình có cầu xin hay đe dọa như thế nào đi chăng nữa.

Sau đó, người anh hùng quả thực đã được nghe giọng hát huyền thoại của Siren. Chàng bắt đầu bị mê hoặc và nhanh chóng phát cuồng, kêu gào cởi trói để tìm gặp người đẹp có giọng hát ngọt ngào này. Nhưng các thủy thủ từ chối, họ cũng đã dùng sáp ong bịt tai. Odysseus đã phải vật lộn khá vất vả để cưỡng lại lời mời gọi từ Siren cho đến khi họ đi xa khỏi hòn đảo mà chúng sinh sống. Bùa phép không còn ảnh hưởng đến con tàu của Odyssues. Lúc chàng rời đi, các Siren đã lao mình xuống biển và chết. Odysseus do đó là người cuối cùng được nghe giọng hát mê hoặc của chúng.

Những điều cần biết về nữ thần biển Siren - Sinh vật huyền thoại xinh đẹp và nguy hiểm nhất trong thần thoại Hy Lạp - Ảnh 5.