Những điều cần biết về màu sắc của màn hình

Đông Phong  Theo Tổ Quốc | 24/12/2022 10:00 AM

Để có được cái nhìn tổng quát về màu sắc của màn hình, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số khái niệm cơ bản trong bài viết dưới đây.

Khi nhìn hai màn hình được đặt cạnh nhau, đôi khi dễ nhận thấy có màn có màu sắc tươi sáng hơn, màu đen đậm hơn hoặc bảng màu sống động hơn. Tuy nhiên, bạn sẽ khó hình dung trong đầu khi đọc các thông số kỹ thuật, vì màu sắc trên màn hình được đánh giá theo nhiều cách khác nhau. 

Những điều cần biết về màu sắc của màn hình - Ảnh 1.

Các thông số quan trọng mà người dùng quan tâm bao gồm: độ tương phản, độ sáng, độ tối, dải màu... Để có được cái nhìn tổng quát về màu sắc của màn hình, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số khái niệm cơ bản trong bài viết dưới đây.

Độ tương phản

Những điều cần biết về màu sắc của màn hình - Ảnh 2.

Độ tương phản, một trong những số đo cơ bản thể hiện hiệu năng của màn hình, đo tỷ lệ giữa hai vùng tối nhất và vùng sáng nhất mà màn hình có thể hiển thị. Độ tương phản cơ bản như 1000:1 nghĩa là các phần màu trắng của hình ảnh sáng hơn 1000 lần các phần màu đen.

Nói đến độ tương phản, con số càng cao càng tốt. Độ tương phản cao, ví dụ như 4000:1, nghĩa là có vùng màu sáng, vùng màu đen đậm và các vùng tối màu mà các chi tiết vẫn có thể cảm nhận được. Trái lại, độ tương phản 200:1 nghĩa là màu đen trông giống màu xám và màu sắc trông mờ nhạt và không rõ ràng.

Độ sáng

Độ sáng thường được đo bằng "độ chói", số đo thể hiện chính xác mức độ ánh sáng được phát ra từ màn hình. Đơn vị đo là candela trên mét vuông (cd/m2), còn được gọi là "nit". Với các màn hình HDR, Hiệp hội Tiêu chuẩn Điện tử Video (VESA) đã chuẩn hóa một bài kiểm tra độ chói sử dụng các tấm dán thử nghiệm chuyên biệt. Khi so sánh các thông số độ chói, hãy kiểm tra để đảm bảo các thông số này dùng nền tảng thử nghiệm thống nhất, thay vì sử dụng số đo riêng.

Độ tối

Trong tất cả các màn hình LCD, ánh sáng từ phía sau bắt buộc phải đi qua tinh thể lỏng. Đó chính là cơ sở của độ tương phản: ví dụ, nếu màn hình rò rỉ 0,1% lượng ánh sáng từ đèn nền lên một diện tích đáng lẽ phải là màu đen, điều đó tạo nên độ tương phản 1000:1. Màn hình LCD có mức rò rỉ ánh sáng bằng không sẽ có độ tương phản vô hạn. Tuy vậy, điều đó không thể xảy ra với công nghệ LCD hiện nay. Màn hình LCD không thể đạt độ tối bằng 0 trừ khi tắt hoàn toàn.

Độ sâu màu sắc

Những điều cần biết về màu sắc của màn hình - Ảnh 3.

Màn hình cần hiển thị nhiều sắc độ khác nhau. Nếu không có sự biến đổi mượt mà giữa các màu sắc hơi khác nhau, chúng ta sẽ thấy trên màn hình "dải" màu sắc. Đó là sự thay đổi đột ngột giữa hai màu khác nhau, tạo ra các dải màu sáng hơn và tối hơn thấy rõ mà đáng lẽ ra phải là sự chuyển màu liền mạch. Hiện tượng đó đôi khi còn được gọi là "nghiền nát" màu sắc.

Khả năng hiển thị các màu hơi khác nhau của màn hình, và tránh tạo dải màu và sai màu, được đo bằng độ sâu màu sắc. Độ sâu màu sắc xác định số lượng dữ liệu (đo bằng bit) mà màn hình có thể dùng để dựng màu sắc của một điểm ảnh.

Mỗi điểm ảnh trên màn hình có ba kênh màu - đỏ, xanh lá cây và xanh da trời - được chiếu sáng ở những cường độ khác nhau để tạo ra (thường là) hàng triệu màu sắc. Màu 8 bit có nghĩa là mỗi kênh màu dùng tám bit. Tổng số màu sắc có thể thể hiện trên màn hình với độ sâu màu 8 bit là 28 x 28 x 28 = 16.777.216.

Độ sâu màu phổ biến:

- Màu 6 bit = 262.144 màu 

- Màu 8 bit hay "Màu sắc thật" = 16,7 triệu màu 

- Màu 10 bit hay "Màu sắc sâu" = 1,07 tỷ màu

Màn hình 10 bit thực sự rất hiếm - nhiều màn hình sử dụng các hình thức xử lý màu nội bộ, ví dụ như FRC (kiểm soát tốc độ khung hình) để đạt đến gần độ sâu màu lớn hơn. Màn hình "10 bit" có thể là một màn hình 8 bit được bổ sung thêm giai đoạn FRC, thường được viết là "8+2FRC".

Không gian màu

Bạn thường nghe thấy "không gian" hay "dải" màu của màn hình, thuật ngữ này khác với độ sâu màu sắc. Không gian màu xác định phổ màu có thể xuất hiện, thay vì chỉ tính toán số lượng màu sắc.

Mắt bạn có thể nhìn phổ màu rộng hơn rất nhiều so với màn hình hiện nay có thể tái tạo. Để hình dung tất cả các màu có thể nhìn thấy được, một tiêu chuẩn gọi là CIE 1976 sắp xếp các màu lên một mạng lưới, tạo ra một đồ thị hình móng ngựa. Các dải màu hiện có trên các màn hình là các tập hợp con của đồ thị này.