- Theo Helino | 10/07/2018 11:42 PM
Trong vòng hơn 40 năm qua, ngành công nghiệp game đã trải qua không biết bao nhiêu biến đổi cùng với sự phát triển của công nghệ để trở thành đế chế "tỷ-đô" như ngày hôm nay. Đã từng có thời mà chúng ta phải đến tận các trung tâm mua sắm, xếp hàng cả tiếng đồng hồ để dành lấy vài phút chơi game trên những máy arcade, nhưng rồi Console và PC xuất hiện khiến mọi thứ đã thay đổi.
1. Video game có cốt truyện
Mặc dù fan "đời đầu" của video game đã đủ hài lòng với việc tốn cả núi tiền xu chỉ để bắn phi thuyền trong "Space Invaders", song tới cuối thập niên 70, một thể loại game mới đã ra đời trên nền tảng máy tính DEC PDP-10 và ngay lập tức trở thành hiện tượng. "Zork" là tựa game đầu tiên sử dụng yếu tố cốt truyện xâu chuỗi có sự tương tác chặt chẽ với người chơi. Và từ đó, nó đã mở ra con đường cho những "Zelda", "Golden Sun", "Final Fantasy", và vô số tựa game RPG khác mà chúng ta đang chơi ngày hôm nay.
2. Nintendo "thanh tẩy" ngành công nghiệp game
Đầu thập niên 80, ngành công nghiệp video game tại Bắc Mỹ xuống dốc trầm trọng, doanh thu từ 3 tỷ USD chỉ còn có hơn 100 triệu USD trong vòng chưa đến 2 năm. Lý do là bởi "cơn lũ" console đến từ các công ty muốn "ăn theo" phong trào, cùng với những tựa game kém chất lượng khiến cho người chơi ngày càng bất mãn. Rất may sau đó Nintendo, một công ty Nhật Bản, đã xuất hiện để cứu lấy thị trường Bắc Mỹ (hay thế giới) với máy console NES và "Con dấu Chất lượng" để kiểm duyệt các game được phát hành.
3. Nintendo tạo ra tính năng lưu game
Trước đây, đã từng có một thời kỳ đen tối khi mà chúng ta phải vượt qua mọi thử thách hết lần này đến lần khác, để rồi lại quay về điểm bắt đầu vì mất mạng ngay khi gần tiêu diệt được trùm cuối. Đến thập niên 80, "người hùng" Nintendo lại một lần nữa giải cứu người chơi trên toàn thế giới khi lắp pin và một con chip ram vào băng game "Legend of Zelda" để lưu lại tiến trình chơi. Từ đó, mọi thứ trở nên dễ dàng và bớt áp lực hơn rất nhiều.
4. Game 3D
Tựa game 3D đầu tiên được biết đến rộng rãi chính là "Battle Zone", phát hành năm 1980 bởi Atari với đồ họa được xây dựng từ những véc tơ thẳng đơn giản. So với game hiện đại thì nó khá … quê mùa, nhưng tại thời điểm đó, công nghệ này đột phá đến mức thậm chí cả quân đội Mỹ cũng sử dụng nó để luyện tập cho các sĩ quan lái xe tank.
5. Game online
Đây có thể coi là một trong những bước ngoặt lớn nhất của lịch game thế giới. Bằng việc kết nối giữa người với người, game online đã tạo ra một trong những cộng đồng đông đảo nhất trên thế giới. Khỏi phải nói về độ phủ sóng của thế loại này. Ngày nay, bạn có thể bắt gặp game online ở mọi nơi, mọi lúc, cùng với đó là một nguồn lợi hàng tỷ tỷ đô sản sinh từ thị trường.
6. Phân phối kỹ thuật số
Chuỗi ngày đen tối khi mà bạn phải tự xách mông ra khỏi nhà, đến cửa hàng, chờ đợi mòn mỏi hàng tiếng đồng hồ để mua băng đĩa game giờ đã chấm dứt. Ngày nay, chỉ cần cầm trong tay chiếc smartphone, tablet hay laptop của mình, hoặc bất cứ thiết bị console thế hệ mới cùng với một kết nối wifi đủ mạnh là bạn có thể sở hữu bất cứ tựa game mới ra nào ngay cả khi đang … đi cầu!
7. Phát trực tiếp video game
Mặc dù người dùng có thể không quá ấn tượng với những dịch vụ phát stream game như PlayStation Now và GeForce Now bởi chi phí cao, hiện tượng giật, lag "tung chảo" và thiếu game chất lượng cao, nhưng bạn phải công nhận rằng việc phát game lên cả TV và Windows PC để xem như một trận đấu thể thao điện tử cũng khá thú vị đấy chứ.
8. Console lai tạo
Một minh chứng nữa cho thấy sự sáng tạo và đổi mới sẽ không bao giờ dừng lại đối với Nintendo, khi mà họ chuẩn bị cho ra đời một sản phẩm có khả năng thay đổi bộ mặt ngành game console. Đó là chiếc Nintendo Switch lai tạo đang gây bão cộng đồng, với thiết kế nhỏ gọn và độc đáo vừa có thể trải nghiệm như một console gia đình lại vừa mang ra ngoài như console cầm tay, nó sắp sửa khiến thời gian bạn ngồi trong nhà tắm tăng lên gấp đôi rồi đấy (hi vọng là thế).