Những con virus siêu nguy hiểm trong chiếc laptop vừa được bán với giá 1.345 triệu USD làm được gì?

Tấn Minh  Trí Thức Trẻ | 08/06/2019 04:05 PM

Những loại virus trong chiếc laptop này được cho là thủ phạm gây ra những thiệt hại về tài chính lên đến 95 tỷ USD trên toàn cầu.

Một chiếc laptop Samsung NC10 ra mắt từ năm 2008, chạy hệ điều hành Windows XP, vừa được bán tại một cuộc đấu giá với mức giá choáng váng: 1.345 triệu USD.

Dù cỗ máy đã 11 năm tuổi này có thể mang lại giá trị hoài cổ cho một vài người, điều thực sự khiến nó đặc biệt (và đắt đỏ) là việc bên trong chiếc laptop có những mẫu vật còn hoạt động bình thường của 6 trong số những con virus máy tính nguy hiểm nhất từng tồn tại trên đời. Tất nhiên, chiếc laptop không được bán để làm vũ khí mạng như vẫn thường thấy trên chợ đen darkweb, mà trên thực tế, nó được bán như một tác phẩm nghệ thuật.

Chiếc laptop bị nhiễm virus này là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang tên "The Persistence of Chaos" của nghệ sỹ Guo O Dong.

Những con virus siêu nguy hiểm trong chiếc laptop vừa được bán với giá 1.345 triệu USD làm được gì? - Ảnh 1.

Theo website quảng bá cho tác phẩm, Dong là một "nghệ sỹ Internet đương đại, với các tác phẩm phê bình văn hóa trực tuyến quá độ trong thế giới hiện đại. The Persistence of Chaos là tác phẩm hợp tác giữa nghệ sỹ này với công ty an ninh mạng Deep Instinct, công ty cung cấp malware và hỗ trợ chuyên môn về kỹ thuật để hoàn tất tác phẩm trong một môi trường an toàn."

Dong cho biết những con virus trong chiếc laptop từng gây ra thiệt hại về tài chính lên đến 95 tỷ USD. Chiếc laptop hiển nhiên không phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại 95 tỷ USD, nhưng chắc chắn những con virus mà nó đang mang bên trong chính là những con virus từng khiến vô vàn những chiếc máy tính cũng như hệ thống mạng toàn cầu chao đảo.

"Bán malware để phục vụ các mục đích lây nhiễm là bất hợp pháp tại Mỹ"

Chiếc laptop của Dong đã bị ngắt khả năng kết nối đến Internet. Các cổng của nó cũng vậy, do đó bạn không thể dùng USB để chuyển virus ra ngoài.

Các điều khoản của cuộc đấu giá cũng nêu rõ "Bán malware phục vụ các mục đích lây nhiễm là bất hợp pháp tại Mỹ. Là người mua, bạn nhận thức được tác phẩm này ẩn chứa một nguy cơ an ninh tiềm ẩn. Bằng cách tham gia đấu giá, bạn đồng ý và thừa nhận rằng bạn mua chiếc laptop như một tác phẩm nghệ thuật hay phục vụ các lý do giáo dục, và không có ý định phổ biến bất kỳ malware nào".

Tất nhiên, bất kỳ ai với kiến thức tương đối về máy tính cũng sẽ dễ dàng tìm ra cách trích xuất những con virus từ ổ cứng của chiếc laptop.

Chi tiết về cuộc đấu giá, bao gồm giá bán, đã được Dong đưa lên website. Người mua chiếc laptop từ chối tiết lộ danh tính. Hi vọng tác phẩm nghệ thuật nguy hiểm của Dong không rơi vào tay một kẻ có dã tâm!

Dưới đây là thông tin về những con virus nổi tiếng đang hoạt động trên chiếc laptop nguy hiểm nhất thế giới noi trên:

"ILOVEYOU"

Những con virus siêu nguy hiểm trong chiếc laptop vừa được bán với giá 1.345 triệu USD làm được gì? - Ảnh 2.

Virus "ILOVEYOU", phát tán qua email và chia sẻ file, từng lây nhiễm hơn 500.000 hệ thống và gây ra tổng thiệt hại 15 tỷ USD, trong đó chỉ tính riêng tuần đầu tiên đã là 5,5 tỷ USD.

Virus này được thiết kế để thay thế các tập tin media trên máy tính, như ảnh hay video, bằng cách bản sao của chính con virus. Sau đó nó sẽ tự lây lan bằng cách gửi email cho các liên hệ trong tài khoản Outlook của người dùng.

"ILOVEYOU" đã khiến hệ thống email toàn cầu bị quá tải, nhiều doanh nghiệp và chính phủ gần như phải tạm ngừng hoạt động.

"MyDoom"

"MyDoom" là một con sâu được thiết kế để khiến những máy tính bị lây nhiễm mở cửa "chào đón" malware và các virus khác. Các máy tính sẽ bị lây nhiễm khi người dùng mở một tập tin đính kèm được gửi trong email có chứa sâu MyDoom. Ước tính "MyDoom" đã gây ra tổng thiệt hại 38 tỷ USD.

"SoBig"

Vào thời điểm lần đầu xuất hiện, sâu và trojan virus "SoBig" đã nhanh chóng khiến hệ thống máy tính tại Washington DC bị đình trệ, buộc các máy bay của hãng hàng không Air Canada phải hạ cánh khẩn cấp, và làm chậm nhiều máy tính tại nhiều công ty lớn, như công ty công nghệ tiên tiến Lockheed Martin.

"SoBig" có thể lây truyền qua email. Một khi email bị lây nhiễm được mở ra, nó sẽ quét máy tính để tìm các địa chỉ email khác và tự mình lan rộng ra. Ước tính, "SoBig" đã gây ra tổng thiệt hại 37 tỷ USD.

"WannaCry"

Những con virus siêu nguy hiểm trong chiếc laptop vừa được bán với giá 1.345 triệu USD làm được gì? - Ảnh 3.

"WannaCry" là một con sâu tiền mã hóa mới xuất hiện gần đây, hoạt động như một ransomware (phần mềm đòi tiền chuộc): dữ liệu người dùng sẽ bị WannaCry mã hóa cho đến khi họ trả một khoản tiền chuộc.

WannaCry đã lây nhiễm hơn 200.000 máy tính tại 150 quốc gia, gây ra tổng thiệt hại hơn 4 tỷ USD.

"DarkTequila"

"DarkTequila" là một con malware khá phổ biến ở châu Mỹ Latin, được thiết kế để thu thập một loạt các dữ liệu từ các máy bị lây nhiễm, bao gồm các thông tin đăng nhập vào các dịch vụ trực tuyến. Dữ liệu này sau đó sẽ được sử dụng cho các cuộc tấn công mạng.

Ước tính "DarkTequilla" đã gây ra tổng thiệt hại hàng triệu USD.

"BlackEnergy"

"BlackEnergy" ban đầu được dùng như một công cụ thu thập dữ liệu, nhưng sau đó đã tiến hóa thành malware có khả năng gây thiệt hại lên cơ sở hạ tầng trọng yếu của một quốc gia. "BlackEnergy" đã được sử dụng trong một cuộc tấn công mạng gây mất điện trên diện rộng ở Ukraine vào tháng 12/2015.

Tham khảo: BusinessInsider