Những cỗ máy thời gian "vô lý" trong lịch sử phim ảnh và truyền hình

PHGH  - Theo Helino | 02/06/2019 04:00 PM

Từ xưa đến nay du hành thời gian luôn là một lý thuyết rất được các nhà làm phim ưa chuộng sử dụng, có thể kể nhanh một vài tác phẩm nổi tiếng như "Star Trek", "Back to the Future" hay mới nhất là "Avengers: Endgame".

Những câu chuyện này phần lớn sử dụng du hành thời gian như một phần của cốt truyện, thay vì nghiêm túc khám phá về cách nó có thể hoạt động, và khán giả cũng không thực sự quan tâm đến điều đó chừng nào logic phim vẫn nhất quán. Đó là lý do tại sao rất nhiều bộ phim đã đưa ra những ý tưởng khá lố bịch.

Và dưới đây là 5 lần lý thuyết này trở nên khác xa khoa học thực tiễn.

1. Vượt qua tốc độ ánh sáng

Những cỗ máy thời gian vô lý trong lịch sử phim ảnh và truyền hình - Ảnh 1.

Không bất ngờ khi biết rằng gần như mọi bộ phim lấy chủ đề du hành thời gian đều có xuất phát điểm là lý thuyết của Albert Einstein, di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng.

Tuy nhiên kể cả khi nó chứng minh được sự chuẩn xác trong thực tiễn thì dòng thời gian còn chịu sự chi phối từ nhiều nguồn năng lượng tác động khác, mà đặc biệt là trọng lực. Đây là hiện tượng quan sát được, bằng chứng là đồng hồ nguyên tử đặt trên máy bay thương mại sẽ có sai khác với những chiếc ở nguyên dưới mặt đất. Ngoài ra, di chuyển vượt trên tốc độ ánh sáng chỉ có thể đưa ta một chiếc vé một chiều vào tương lai chứ không thể thay đổi quá khứ.

2. Sử dụng hằng số Tình yêu ở giữa một hố đen

Những cỗ máy thời gian vô lý trong lịch sử phim ảnh và truyền hình - Ảnh 2.

"Interstellar" thực sự là một tác phẩm xuất chúng bởi sự cố gắng tuyệt vời của đoàn làm phim dành cho quá trình tìm hiểu sâu xa về vũ trụ. Đặc biệt họ còn tạo nên hình ảnh chính xác hố đen nhiều năm trước thời điểm con người chụp được bức ảnh đầu tiên về nó.

Nhưng khi phi hành gia Cooper gửi tin nhắn ngược dòng thời gian cho cô con gái Murphy bằng hằng số Tình yêu, thứ chúng ta có khả năng cảm nhận vượt xa hai chiều không thời gian thì có vẻ lại không thuyết phục lắm. Một ý tưởng tốt tuy nhiên khoa học không (hoặc chưa) có sự hậu thuẫn cho lý thuyết lạ lẫm này.

3. Wormhole

Những cỗ máy thời gian vô lý trong lịch sử phim ảnh và truyền hình - Ảnh 3.

Một cách thức du hành thời gian khác mà chúng ta cũng khá quen thuộc là thông qua những lỗ sâu (wormhole), hay cầu Einstein-Rosen. Chúng nối thông từ một vùng không-thời gian này đến một vùng khác và đôi khi, vật chất có thể đi xuyên qua nó. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng thực nghiệm về sự tồn tại của các lỗ sâu, như vậy gần như chúng không tồn tại. Ngay cả khi một lỗ sâu có thể được hình thành thì nó sẽ luôn không ổn định bởi với chỉ một tác động nhỏ, bao gồm việc vật chất chui qua nó, cũng hoàn toàn có thể khiến lỗ sâu sụp đổ. Thậm chí trong điều kiện ổn định nhất, việc con người có thể đi qua chúng cũng rất khó khăn, do bức xạ điện từ đổ vào trong lỗ sâu (từ các ngôi sao, vi sóng vũ trụ,...).

Thêm nữa, nếu lỗ sâu do con người tạo ra thì cánh cổng đầu tiên để ra vào sẽ chính là thời điểm nó hình thành. Hiểu một cách đơn giản, chúng ta sẽ không thể quay ngược về quá khứ trước lúc kiến thiết thành công cỗ máy này vì lối ra là không hề tồn tại. Nói thế để thấy "Avengers: Endgame" thực sự có thể là cỗ máy thời gian chính xác nhất về mặt khoa học trong viễn tưởng từ trước đến nay.

4. Chuỗi vũ trụ (Cosmic String)

Những cỗ máy thời gian vô lý trong lịch sử phim ảnh và truyền hình - Ảnh 4.

Một giả thuyết khá lạ lẫm nhưng được khoa học nghiên cứu là du hành thời gian dựa trên những Chuỗi vũ trụ, hay các ống năng lượng hẹp trải dọc theo toàn bộ chiều dài của vũ trụ nở rộng sau vụ nổ Big Bang. Những vùng cực hẹp này là thứ còn sót lại từ thời nguyên thủy hàng tỷ năm trước vào lúc không thời gian xảy ra va chạm. Chuỗi vũ trụ được dự đoán là chứa một lượng vật chất cực lớn và nhờ đó có thể uốn cong không thời gian xung quanh chúng. Chúng có thể kéo dài vô cực hay uốn thành vòng lặp vô hạn.

Nhà vật lý thiên văn J. Richard Gott đã đưa ra giả thuyết rằng, nếu ta có hai Chuỗi vũ trụ hoàn toàn song song và vô hạn về chiều dài, ta có thể tạo ra sự bẻ cong không thời gian cực mạnh để từ đó du hành trong chúng. Tuy nhiên cũng chính người đàn ông cũng phải thừa nhận "Đó là dự án mà chỉ một nền văn minh siêu hạng mới có thể làm nổi".

5. Bay thật nhanh quanh Mặt trời

Những cỗ máy thời gian vô lý trong lịch sử phim ảnh và truyền hình - Ảnh 5.

Cỗ máy du hành thời gian vốn là thứ thường xuyên xuất hiện trong series "Star Trek", từ Time Crystals trong "Star Trek: Discovery", cho đến Tachyons, Chronitons và Red Matter…

Nhưng với "Star Trek IV: The Voyage Home" lý thuyết đã bị đưa đi quá xa một cách lố bịch, nơi nhà làm phim cho các phi hành gia sử dụng phương pháp du hành thời gian có tên là Hiệu ứng Slingshot. Nó hoạt động dựa trên việc bay với tốc độ ánh sáng quanh thứ gì đó mang thật nhiều trọng lực, như Mặt trời chẳng hạn.