- Theo Helino | 10/12/2019 01:00 PM
Chắc hẳn nhiều bạn đã quen với phong cách vẽ luôn cài thêm chi tiết liên quan vào mỗi khung truyện của tác giả Gotouge Koyoharu. Vậy thì liệu các bạn đã từng để ý đến phần vỏ ngoài rực rỡ của mỗi tập truyện – bìa truyện của Kimetsu no Yaiba chưa? Chúng ta cũng tìm được rất nhiều chi tiết thú vị khác nếu để ý kĩ đó! Bài viết ngày hôm nay sẽ nêu ra một vài ví dụ điển hình nhé!
1. Sự thay đổi trong phong cách thiết kế bìa
Bìa tập 10 và 11
Tập 10 đánh dấu sự kết thúc của phong cách vẽ bìa tự do. Bắt đầu từ tập 11, bìa của Kimetsu no Yaiba đã đi vào thiết kế cố định với một nhân vật nổi bật của tập cùng nền là họa tiết khung cửa kiểu Nhật. Một loại thực vật đặc trưng cho nhân vật cũng sẽ được vẽ cách điệu đi kèm với họa tiết khung cửa.
2. Hình dạng khung cửa
Bìa tập 11 – 14 – 18
Từ sau tập 11 thiết kế bìa của Kimetsu no Yaiba ổn định hơn với nền là khung cửa kiểu Nhật trở thành đặc trưng của riêng bộ truyện. Ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, khi các nhân vật nữ được minh họa trên trang bìa thì luôn đi kèm khung cửa tròn gây cảm giác rất mềm mại. Trái ngược với điều đó, các nhân vật nam lại thường được vẽ với khung cửa vuông hoặc góc cạnh tạo sự rắn rỏi.
3. Một vài ý nghĩa ẩn dụ
Bìa tập 11: Nội dung nổi bật của tập 11 là trận chiến tại phố đèn đỏ. Nezuko trong dạng quỷ được dùng làm nhân vật minh họa cho bìa tập này. Ta có thể thấy đây là hình dạng lúc cô bé bộc lộ sức mạnh quỷ nhiều đến mức mọc sừng, mắt biến đổi, cơ thể biến lớn và đặc biệt – hiện Ấn Quỷ.
Nezuko trên bìa tập 11
Ấn Quỷ của Nezuko là hình ảnh cách điệu của dây leo cây tử đằng. Loại thực vật này cũng xuất hiện kèm khung cửa tròn làm nền cho cô bé. Chúng ta đều biết rằng tử đằng là một trong những thiên địch của loài quỷ bên cạnh ánh sáng Mặt Trời. Tác giả Gotouge đã một lần nữa khẳng định vai trò của Nezuko là một con quỷ chống lại loài quỷ ngay tại trang bìa.
Bìa tập 12 minh họa Hà Trụ Muichirou với nền là tấm ván cửa ngăn làm 2 và cậu đứng hẳn về 1 phía. Trên nền khung cửa thấp thoáng bóng lá trúc.
Bìa tập 12 - Hà Trụ Tokito Muichiro và bộ đồ ngủ của Michikatsu
Nội dung nổi bật của tập 12 là trận chiến tại làng rèn, quá khứ của Hà Trụ được tiết lộ. Trong hồi ức của Muichirou, loài thực vật nổi bật nhất và tượng trưng cho mối liên kết giữa cậu và người anh trai song sinh Yuichirou lại không phải cây trúc mà là lá của cây bạch quả (Ginkgo).
Anh em Tokito và lá cây bạch quả (cây ngân hạnh)
Thú vị rằng bộ đồ ngủ của Michikatsu, kẻ sau này trở thành Thượng Nhất Kokushibo, cũng mang họa tiết cây trúc. Cũng trong trận chiến với Kokushibou, chúng ta biết được hắn chính là tổ tiên của Hà Trụ và Kokushibou cũng từng có một người em song sinh đã qua đời.
Bìa tập 16 – vợ chồng Ubuyashiki
Bìa tập 16 minh họa đến 2 nhân vật: vợ chồng nhà Ubuyashiki – thủ lĩnh của toàn bộ Quân đoàn Diệt quỷ. Những chùm hoa tử đằng rủ xuống được vẽ kèm với đôi vợ chồng. Hoa tử đằng vốn là biểu tượng của dòng họ Ubuyashiki, cũng là loài hoa khiến lũ quỷ sợ hãi. Ngoài ra, cũng giống mỗi kiếm sĩ có một con quạ truyền tin riêng, con quạ đeo vòng cổ tím xuất hiện trên bìa chính là quạ của ngài Ubuyashiki Kagaya.
Trên đây mới chỉ là một vài chi tiết thú vị trong thiết kế bìa của Kimetsu no Yaiba nhưng đã giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều về nội dung truyện và các mối liên kết nhân vật rồi nhỉ!
Bạn đọc có thể thảo luận về Kimetsu no Yaiba cũng như tác phẩm manga - anime khác tại ĐÂY.