- Theo Trí Thức Trẻ | 16/06/2017 01:00 PM
Hollywood vẫn thường có thói quen khắc họa những con người có vấn đề về tâm thần là những kẻ nguy hiểm chết người. Như gã Norman Bates điên dại, nguy hiểm trong Pyscho. Hoặc đôi khi, họ lại là những "món quà" quý giá từ tạo hóa với: A Beautiful Mind, Shine, Rain Man, The Aviator…
Vậy những con người bình thường nhưng lại phải chịu đựng sự hành hạ của các hội chứng tâm lý thì sao? Rất may là Hollywood đã không bỏ rơi họ. Nhờ vậy, chúng ta đã có những bộ phim tiếp cận gần như chân thật nhất những "gào thét" đau đớn diễn ra trong tâm trí những bệnh nhân trầm cảm.
1. Melancholia (2012)
Bộ phim với những khuôn hình đẹp tuyệt vời này là bức chân dung về một người phụ nữ mắc bệnh trầm cảm được đặt trong bối cảnh thế giới sắp rơi vào tận thế. Thông qua những hình ảnh "đổ vỡ" của thế giới bên ngoài và bên trong, đạo diễn Lars von Trier đã đem đến những thước phim chân thật về cách mà trầm cảm tác động đến tâm lý con người.
Hình ảnh ẩn dụ cho "chiếc xúc tu" trầm cảm đang níu kéo Justine
Trong phần đầu của phim, nhân vật chính Justine (Kirsten Dunst) phải cố gắng tìm kiếm cảm giác hạnh phúc trong ngày trọng đại nhất đời mình. Cô sẽ trở thành cô dâu xinh đẹp trong một đám cưới giàu sang. Sang đến nửa sau của phim, mọi thứ dần dần trở nên khốn khổ hơn khi cô không còn tìm thấy cảm giác ở bất cứ điều gì trong cuộc sống này nữa. Khi được phục vụ món ăn yêu thích, Justine thậm chí đã không thể nếm được nó. Vậy mà đối diện với thảm họa diệt vong sắp xảy ra, chính cô lại là người bình tĩnh nhất. Bởi trong sâu thẳm, cô gái ấy đã chết rồi.
2. The Hours (2002)
The Hours là câu chuyện về ba người phụ nữ với hoàn cảnh khác biệt, sống ở những thời đại khác nhau. Nhưng lại cùng kết nối với nhau trong một thời điểm đặc biệt với bàn tay "can thiệp" của căn bệnh trầm cảm.
Phim quy tụ dàn diễn viên nữ tài năng như: Nicole Kidman (cô đã giành 1 giải Oscar Nữ chính xuất sắc nhờ vai Virginia Woof), Julianne Moore và Meryl Streep. Diễn xuất tuyệt vời cùng cách kể chuyện khéo léo đã tạo nên bức chân dung về "kẻ giết người trong thinh lặng" – căn bệnh trầm cảm và tác động của nó đối với những người xung quanh bệnh nhân.
Phụ nữ có xu hướng mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới
Nữ nhà văn Virginia Woof (Nicole Kidman) luôn sống trong sự ám ảnh về cái chết suốt cuộc đời. Còn chồng cô thì lại dành cả quãng đời mình để dõi theo, ngăn chặn hành động tự sát của vợ. Nhân vật Laura Brown (Julianne Moore), một bà nội trợ điển hình sống trong xã hội Mỹ những năm 1950 lại chẳng khác gì nhiều người phụ nữ ở thời hiện đại ngày nay. Không còn níu kéo với cuộc sống, Laura đã chọn cách kết liễu bản thân sau khi sinh đứa con thứ hai vì cho rằng: đây là cách duy nhất giúp cô trở nên an toàn hơn. Cái chết của cô sau đó lại trở thành "bóng ma" trên chính tương lai của đứa con trai đầu lòng.
3. Helen (2009)
Helen được đánh giá là một trong những bộ phim khắc họa chính xác nhất về bản chất của căn bệnh trầm cảm. Phim kể về cuộc đời của Helen (Ashley Judd), một nghệ sỹ dương cầm tài ba và quá trình "vật lộn" với căn bệnh trầm cảm.
Helen luôn cố gắng níu kéo mối quan hệ với chồng, nhưng thất bại. Cô muốn thân thiết hơn với đứa con 13 tuổi nhưng lại không thể kiểm soát cảm xúc bản thân, khiến cô bé càng muốn tránh xa. Cô muốn được dạy học nhưng lại quá sợ hãi khi đứng trước lớp. Mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ khiến Helen nhiều lần nghĩ đến việc tự sát. Để rồi dần dần, cô gần như chẳng thể nói chuyện được với ai.
Rất khó để có thể giúp người trầm cảm nếu bạn không chịu cùng nỗi đau như họ
Helen chỉ thực sự tìm thấy sự giúp đỡ từ Maltida – một sinh viên cũng có cùng căn bệnh với chính cô. Nhưng trầm cảm là một căn bệnh quái ác, với sức mạnh vô hình mạnh mức muốn thoát khỏi nó, cái giá mà bạn và người xung quanh phải trả là rất đắt.
4. World’s Greatest Dad (2009)
Điều khó hiểu trong nhận thức về trầm cảm chính là mọi người không thực sự coi trọng hậu quả của căn bệnh này. Thậm chí, họ cũng ngại ngùng thừa nhận mình mắc bệnh. Nhưng tất cả lại trở nên đồng cảm một cách lạ kỳ, nếu như có ai đó tự sát vì nó. World’s Greatest Dad là một bộ phim mỉa mai đầy nghịch lý như thế.
Lance Clayton (Robin Williams) là một nhà thơ thất bại, luôn chán nản với cuộc sống của một giáo viên trung học. Khi phát hiện đứa con trai duy nhất đã chết sau một tai nạn đáng xấu hổ, Lance quyết định sắp đặt hiện trường như một vụ tự sát. Để tăng phần chân thật, ông đã viết một bài thơ tuyệt đẹp – một bức thư tuyệt mệnh giả mạo nói rằng con trai ông chọn cái chết vì trầm cảm.
Robin Williams, ngôi sao và danh hài nổi tiếng cũng đã chọn cách tự sát sau nhiều năm mắc chứng trầm cảm
Dù không đề cập trực tiếp nhưng Clayton thực sự mới là người mắc bệnh. Chính nó đã giúp ông viết nên bức thư cảm xúc giả mạo kia – như thể ông đang viết cho chính mình. Nhưng đứa con trai đã chết vì tai nạn lại là người nhận lấy tất cả sự nổi tiếng mà bức thư mang lại. Cả cộng đồng từng không coi con trai Clayton ra gì thì nay lại tung hô con trai ông như một nhà thơ tài năng có số phận bất hạnh.
5. Christine (2016)
Năm 1974, phóng viên thời sự 29 tuổi Christine Chubbuck đã dùng súng tự sát ngay trong một chương trình truyền hình trực tiếp tại Sarasota, Floria, Mỹ. Một sự kiện gây chấn động lịch sử ngành truyền thông. Năm 2016, có tới hai bộ phim về Christine Chubbuck với mong muốn lý giải cho hành động đột ngột của cô năm xưa.
Đoạn video ghi lại cảnh tự sát năm xưa đã bị tiêu hủy do yêu cầu của gia đình Christine. Trong phim, biên kịch đã nỗ lực kết nối những lý do dẫn Christine tới hành động điên rồ. Sự cự tuyệt của người bạn trai, sự quản lý gắt gao từ người mẹ và áp lực trong công việc.
Nữ diễn viên Rebecca khẳng định Christine đã phải chịu đựng căn bệnh trầm suốt một thời gian dài. Và cái chết là cách duy nhất có thể cứu vãn cô. Phim có một đoạn, một cô gái nói với Christine rằng: "Khi tôi cảm thấy buồn, tôi thường ăn kem và hát một bài hát". Còn Christine chỉ đáp lại: "Tôi có cách để sống sót. Có lẽ tôi không thích nó nhưng tôi có thể giải quyết được chuyện này".
Chúng ta không biết trầm cảm bắt đầu từ đâu. Nhưng chúng ta đều biết cái đích cuối cùng mà nó dẫn dắt con người: cái chết.
6. Shutter Island (2010)
Trong bộ phim tâm lý hồi hộp bí ẩn của đạo diễn Martin Scorsese, chúng ta hầu như bị cuốn vào câu chuyện kể mơ hồ của nhân vật chính do Leonardo DiCaprio thủ diễn mà quên mất sự thật: phim là tấn bi kịch do căn bệnh trầm cảm gây ra.
Không có đủ cơ sở để kết luận Andrew Laeddis, gã đàn ông đã nhẫn tâm giết vợ mình, có thật sự là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm hay không. Bởi trầm cảm không khiến người khác giết người. Nó chỉ khiến nạn nhân tự kết liễu bản thân, và nếu là phụ nữ thì nguy cơ cao họ sẽ giết chết đứa con ruột thịt. Vợ của Laeddis là người bị hủy hoại bởi trầm cảm. Cô đã dìm chết chính những đứa con trong cơn tuyệt vọng cùng cực do rối loạn lưỡng cực tạo ra.
Bệnh viện tâm thần, bối cảnh chính cho câu chuyện xảy ra trong Shutter Island cũng là một ẩn dụ về việc những nạn nhân trầm cảm được điều trị ra sao. Với điều kiện vật chất nghèo nàn cùng những phương pháp trị liệu phản khoa học.
7. Synecdoche, New York (2008)
Trong phim, ngôi sao quá cố Philip Seymour Hoffman vào vai Caden – một đạo diễn sân khấu đang gặp nhiều áp lực trong cuộc sống, sức khỏe và công việc. Để giải quyết vấn đề, Caden đã thuê một nhóm diễn viên đến sống và diễn theo vở kịch mà anh đã viết trên sân khấu giả lập trong chính ngôi nhà anh đang ở. Kịch và đời lẫn lộn vào nhau, khiến cho Caden cũng không còn phân biệt đâu là thật, đâu là giả nữa.
Căn bệnh tâm thần bí ẩn của Caden không được xác định trên phim. Nhưng xu hướng bóp méo thực tại và triệu chứng kiểm soát mọi chuyện của anh rõ ràng là những dấu hiệu của rối loạn ám ảnh cưỡng bức.
Phim có một đoạn độc thoại thật sự rất hay, đề cập tới căn bệnh trầm cảm đang ngày càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống hiện đại:
"Những gì mà anh từng khát khao – một tương lai bí ẩn, thú vị - giờ đã ở phía sau.
Sống, hiểu biết để rồi thất vọng. Anh nhận ra mình chẳng phải là điều gì đặc biệt.
Anh nhận ra mình đang vật lộn để tồn tại, và giờ thì đang âm thấm tìm cách tìm cách trốn thoát.
Đây là trải nghiệm của tất cả mọi người. Không trừ một ai".
8. Revolutionary Road (2008)
Bi kịch của gia đình trung lưu Frank và April Wheeler (Leonardo Dicaprio và Kate Winslet) ở Mỹ trong những năm 1950 có lẽ vẫn còn hiện diện rất nhiều trong các gia đình của xã hội hiện đại. Trong khi người đàn ông tự do theo đuổi sự nghiệp, thì người vợ lại mòn mỏi chết dần trong công việc nội trợ buồn tẻ. Cảm xúc không thể giải tỏa, áp lực con cái và sự không thông cảm của người chồng… Tất cả đã hòa trộn và đẩy April đến gần tới sự tuyệt vọng.
April ngoại tình với người hàng xóm đam mê cô chỉ để tìm lại cảm giác sống. Nhưng vẫn không đủ để lấp đầy khoảng trống quá sâu. Một buổi sáng nọ, April quyết định phá bỏ bào thai đang ở trong bụng tại nhà và để mình chảy máu đến chết.
Rất nhiều nhân vật khác đã xem hành động của April là một sự xấu hổ. Cũng như nhiều người trong chúng ta đã lên án gay gắt khi nghe tin tức về một bà mẹ nào đó đã hạ sát đứa con 3 tháng. Trầm cảm là một căn bệnh của cá nhân, mà nếu không ở trong trường hợp của họ, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được vì sao họ lại hành động như thế.
Những căn bệnh về thể trạng có thể được phát hiện và chữa trị bằng các phương pháp y học từ Đông sang Tây. Thế nhưng, những sang chấn trong tâm lý lại là căn bệnh khó lường hơn rất nhiều. Từ việc chuẩn đoán cho đến chữa trị. Bởi điều đáng sợ của những căn bệnh tâm lý như trầm cảm chính là: chúng ta không thể nào biết chính xác biểu hiện thực sự của chúng là gì. Để rồi khi phát hiện ra, thì mọi sự đã quá muộn màng.