Những bí mật thú vị trong Wonder Woman dành cho fan hâm mộ khám phá

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 08/06/2017 10:07 AM

Hàng loạt những hình ảnh, bí mật thú vị đã được cài cắm trong Wonder Woman để các fan hâm mộ khám phá.

(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)

Bộ phim siêu anh hùng Wonder Woman hiện đang làm mưa làm gió trên các diễn đàn bình luận và cả các phòng chiếu. Bộ phim được ca ngợi như là đôi vai gầy gánh vác cả Vũ trụ Điện ảnh DC. Tất nhiên, các nhà làm phim của DC không bao giờ quên cài cắm các chi tiết nhiều ẩn ý từ truyện tranh và ngoài đời để làm hài lòng các fan "thích soi". Hãy cùng điểm lại những chi tiết ẩn ý đó dưới đây.

Lai lịch từ THE NEW 52 (Spoiler)

Một điểm lớn mà ai là fan của DC THE NEW 52 đó là nguồn gốc thân thế của Diana. Đây là chi tiết có thể tiết lộ bất ngờ của phim. Bạn đọc nếu không muốn mất cảm giác thích thú vì đọc trước chi tiết của phim có thể chuyển xuống dưới mục 2. Trong truyện tranh phiên bản The New 52, Diana ban đầu được giới thiệu là được nặn từ đất sét bởi mẹ mình là nữ hoàng Hippolyta.

Bà là người rất căm ghét các thần, nhưng vì không thể cưởng lại nổi sức hút phong tình của Zeus nên trong một đêm yếu lòng đã đem thân mình trao cho vị thần của đỉnh Olympus. Vì quá xấu hổ trước truyện này, Hippolyta đã bịa ra truyện tạo ra Diana bằng đất sét để giải thích cho lai lịch của con. Sau này khi đã trưởng thành, Diana phát hiện ra sự thật và tham gia vào cuộc chiến tranh ngai vàng trên đỉnh Olympus cùng với các anh chị em khác của mình.

Tiến sĩ Độc

Trong truyện tranh, Doctor Poison (được dịch trong rạp là Tiến sĩ Độc) là một ác nhân kinh điển của Wonder Woman. Ban đầu tiến sĩ xuất hiện như một nam ác nhân cho đến khi sau này bị lộ ra là một nữ giới cải trang. Trên phim, chi tiết này bị loại bỏ, Tiến sĩ Độc được cho như là một hiện thân của người phụ nữ không có quyền làm chủ thân phận mình và bị đàn ông thao túng vào mục đích riêng. Cô có phần đáng thương bên cạnh đáng trách.

Tiến sĩ Độc trên phim mang một chiếc mặt nạ che ¼ khuôn mặt thay vì là mặt nạ Domino như trong truyện. Trong một vài cảnh, cô cũng mặc trang phục bảo hộ phòng thí nghiệm màu xanh lá giống như trong truyện. Tuy nhiên, cái mặt nạ của Tiến sĩ Độc mà diễn viên Elena Anaya mang trong phim mang chức năng làm dấu hiệu cá nhân (kiểu Dr.Doom) hơn là để che dấu thân phận.

Ludendorff là nhân vật có thật

Đội quân người Đức trong Wonder Woman tràn ngập những cái tên quen thuộc trong lịch sử. Trong đó nổi bật nhất là tướng Ludendorff

Erich Friedrich Wilhelm Ludendorff chính là một vị tướng có thật của quân Đức ngoài đời ở thế chiến thứ nhất. Có điều, ngoài đời ông ta không chết trong ngày ký hiệp ước đình chiến (và tất nhiên cũng không bị Diana giết).

Thay vào đó, Lundendorff sống cho đến năm 1937 và là người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và theo thuyết chủ nghĩa hoài nghi. Ông ta tuyên truyền với tâng lớp lao động Đức rằng thực ra quân Đức không hề thua trận trên chiến trường mà do bị phản bội bởi hậu phương ở quê nhà, đặc biệt là những người theo đảng Cộng Hoà đã lật đổ chế độ quân chủ trong cuộc cách mạng Đức năm 1918-19. Thuyết hoài nghi này của ông ta trở thành cốt lõi để Hitler chạy đà cho Thế chiến thứ 2 sau này.

Themyscira

Themyscira – hòn đảo của các nữ nhân Amazon trên phim tuy chỉ chiếm thời lượng xuất hiện ngắn ở phần đầu của phim nhưng cũng cho thấy được sự chi tiết cần có dành cho các fan của truyện tranh.

Thòng lọng của Hestia hay còn gọi là Thòng lọng Sự Thật là một món đồ có trong truyện tranh. Sợi thòng lọng được chế tác bởi Hestia, vị thần của tổ ấm và gia đình trong thần thoại Hy Lạp.

Thòng lọng này ép buộc người bị trói phải nói thật. Tuy nhiên, trong truyện tranh, thòng lọng này còn có một khả năng khác là điểu khiển tâm trí nhưng phiên bản điện ảnh đã giản lược đi để làm cho câu truyện trở nên "thực tế" hơn. Chính vì thế mà thay vì như trong truyện, nạn nhân bị trói phải nói ra sự thật như bị thôi miên thì trên phim, thòng lòng sẽ tăng thân nhiệt của nạn nhân lên cho đến khi người đó bắt buộc phải nói ra sự thật.

Cuộc sống trên đảo Themyscira cũng rất quen thuộc với bản truyện tranh, dù cũng có chút chênh lệch. Ta thấy được các tập tục như đấu thương, bắn cung, cưỡi ngựa của các nữ nhân trên đảo, nguồn gốc kì diệu của họ và quan niệm đàn ông chỉ có chức năng phối giống chứ không phải là để khoái cảm.

Steve đã gọi Themyscira là "đảo Thiên Đường" trong một câu thoại, đây cũng là cái tên được giới thiệu ban đầu trên truyện tranh trước khi Themyscira được chọn làm cái tên chính thức.

Kem ốc quế

Phiên bản điện ảnh có nhịp điệu khá dồn dập và gấp gáp, không có nhiều chỗ dành cho những giây phút hài hước hay thư giãn như trong truyện tranh. Bởi vậy, đạo diễn Patty và các cộng sự chỉ chọn ra những chi tiết nổi tiếng nhất của nhân vật để đưa vào phim. Trong đó, dễ nhận ra nhất là cảnh Diana ăn một que kem ốc quế ngon lành ở bến tàu. Cô nàng tỏ ra thích thú khi lần đầu được nếm thử một que kem và nói người bán hàng "anh phải tự hào lắm đấy".

Cảnh này có trong ô thoại trong tập Justice League: War của tác giả Geoff Johns và hoạ sĩ Jim Lee. Cả hai đều là các cây đa cây đề trong hãng và Johns đang giữ vị trí giám đốc sáng tạo mảng truyện tranh, anh cũng chắp bút vào kịch bản của phim.

Kẻ giết thần

Thanh kiếm The Godkiller là một bất ngờ trong bộ phim, các bạn xem đi sẽ thấy. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về nó trong truyện tranh. Mà thực ra... câu truyện này liên quan đến một ác nhân khác. Đó là Deathstroke.

Trong truyện, thanh The Godkiller là một phần trong bản hợp đồng giết thuê và Slade Wilson (danh tính thật của Deathstroke, nếu bạn chưa biết). Nhiệm vụ của gã là phải ám sát một á thần Hy Lạp tên là Lapetus. Để làm được điều này, gã bắt buộc phải có được thanh Godkiller.

Trong truyện, Godkiller là một vũ khí cực kì ảo diệu, không nhất thiết phải là kiếm, nó có thể biến hoá thành côn gậy, song đao,... thậm chí còn có thể chỉ đạo, hướng dẫn người dùng đấu pháp chiến đấu, gạt hướng tấn công của bất kể dạng lực nào (kể cả nắm đấm của Superman) và tự tái tạo khi bị phá huỷ. Cũng có lúc, nó lấy đi giữ liệu ký ức của nạn nhân để chuyển vào trong chủ nhân.

Zach Snyder

Ngạc nhiên chưa, Zach Snyder thực ra có mặt ở trong phim. Nếu bạn chịu nhìn thật kỹ, thì vị đạo diễn này đã tự sắm cho mình một vai quần chúng trong cảnh Diana và các đồng sự đi qua No Man’s Land để tái chiếm Veld.

Zach cũng góp công vào rất nhiều để tạo nên bộ phim này. Trong đó kể đến các trợ giúp về kỹ xảo, (trong phim có rất nhiều hiệu ứng slow-motion), sáng tạo cốt truyện, cố vấn hiện trường và nhiều công việc khác. Mới đây, dù trong lúc vẫn còn đang rất đau buồn vì chuyện con gái mới tự tử nhưng vị đạo diễn đã đăng một bức hình Gal Gadot trong vai Wonder Woman lên tài khoản Twitter của mình cùng với lời đề bên dưới là "Proud". Hẳn là đạo diễn cột chèo của DC rất tự hào về thành quả của các người cộng sự của mình.

Khẩu SMS SCHWABEN

Phần kể chuyện về Steve lúc đầu không nói rõ vì sao sau khi chạy thoát khỏi căn cứ nghiên cứu của tiến sĩ Độc bằng máy bay anh chàng lại bị tàu chiến theo sát ngay sau khi hạ cánh xuống bờ biển của Themyscira nhanh thế. Tuy nhiên, những người hay tìm hiểu về thế chiến thứ nhất có lẽ sẽ nhận ra ngay tên của loại tàu chiến mà lính Đức dùng trong đoạn này. Đó là từ "SCHWABEN" ghi trên các thuyền nhỏ dùng để đổ bộ của quân Đức.

SMS Schwaben là tên của một con tàu chiến nổi tiếng của Đức trong thế chiến thứ nhất. Được hạ thuỷ vào năm 1901, con tàu đi vào hoạt động trước và trong cuộc thế chiến. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của nó lại là phía Bắc biển Baltic. Thật khó mà hiểu vì sao con tàu đó lại xuất hiện ở đây. Có lẽ đây là một dụng ý của ai đó trong nhóm biên kịch bởi vì ngoài đời, tàu Schwaben đã thay thế loại tàu đang lỗi thời ở thời kỳ đó là SMS Mars – tên La Mã của Ares.

Các poster cổ động

Khi Diana đi qua đường phố London thế kỷ 20, khán giả có thể thấy bối cảnh xung quanh cô ấy đậm chất thời kỳ đó với các toà nhà cổ kính và những cột khói công nghiệp nặng đen kịt. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn, khán giả sẽ thấy được các poster cổ động trên tường trong phim cũng khá chính xác so với đời thực.

Trong đó, cái dễ nhìn nhất có lẽ là tấm poster có hình một phụ nữ mặc tạp dề đang đứng trong bếp. Với việc đàn ông hầu hết đều lao ra chiến trận chỉ còn một mình phụ nữ lại, các nhà tuyên truyền muốn nói rằng phái yếu ở hậu phương cũng có thể hỗ trợ cho chồng, cha và anh mình ở tiền tuyến bằng việc tiết kiệm thực phẩm để gửi được đến chiến trường nhiều hơn. Trong trường hợp này, bức hình in rõ dòng chữ "eating less bread" – có nghĩa là "hãy ăn ít bánh mì đi".

Rosie – Cô thợ tán đinh

Năm 1942, chính quyền Mỹ giới thiệu tấm áp-phích "We Can Do It!" (Chúng ta làm được!) với hình ảnh một cô gái hư cấu tên là Rosie The Riveter (Rosie cô thợ tán đinh). Cánh tay trần cơ bắp, khoẻ khoắn và khuôn mặt tràn đầy năng lượng của Rosie đã cổ vũ các chị em phụ nữ xứ cờ hoa bước ra khỏi nhà bếp để tiến tới các nhà máy, thay thế cánh đàn ông đang vật lộn ngoài chiến trường để xây dựng kinh tế đất nước. Từ thời điểm này, phụ nữ đã được công nhận là một công dân bình đẳng và cũng có quyền tham gia cống hiến cho tổ quốc như tất cả những người đàn ông. Áp-phích này đã trở thành một biểu tượng về thông điệp của nữ quyền cho đến ngày nay.

Trong một cảnh chiến đấu trong ngõ hẻm, khi Diana giơ cánh tay bọc giáp của mình lên, dáng đứng, khuôn mặt và thần thái của cô ngay lập tức bật đèn tín hiệu cho các khán giả liên tưởng đến Rosie. Đây là một chi tiết thú vị bởi Wonder Woman cũng có thể coi là một bộ phim cổ vũ nữ quyền. Diana ngoài sự dũng mãnh quả cảm còn có một trái tim tràn ngập tình yêu thương con người và sự hoà bình.