Nhóm Việt hóa game đầu tiên tại Việt Nam được hãng game nước ngoài cảm ơn

Nút Chuối  - Theo Trí Thức Trẻ | 12/05/2016 01:21 AM

Nhóm chuyên Việt hóa game xúc động khi công sức nhiều tháng trời cuối cùng cũng được hãng game nước ngoài với game hot This War of Mine ghi nhận

Như chúng tôi đã đưa tin, tựa game sinh tồn 2D cực kỳ ấn tượng lấy bối cảnh cuộc vây ráp thành phố Sarajevo, Liên bang Nam Tư từ năm 1992 đến 1996, This War of Mine đang được nhóm Việt hóa game RomhackingVN tiến hành chuyển ngữ. Và thậm chí, bản thân 11Bit Studio, hãng game có trụ sở tại Ba Lan cuối cùng cũng đã sử dụng chính phiên bản được hàng chục game thủ Việt chúng ta dịch thuật để làm phiên bản ngôn ngữ Việt chính thức cho tựa game.

Mới đây, đại diện 11Bit Studio đã đăng tải lên Facebook đoạn video clip qua đó cám ơn những game thủ đã đóng góp công sức để những bản dịch ngôn ngữ của This War Of Mine được hoàn thành và đem tới cộng đồng game thủ trên thế giới. Có thể khẳng định một điều rằng, sau những dự án Việt hóa game nhận được nhiều lời tán dương trong cộng đồng game thủ Việt, thì đây là lần đầu tiên một dự án Việt hóa được cả hãng game nước ngoài ghi nhận công sức và đưa bản dịch vào phiên bản game chính thức chứ không còn là file patch download ngoài nữa.

Gần như không có khái niệm “dư dả” trong This War of Mine. Không giống như Don’t Starve, một tựa game lấy phong cách survival điển hình. Bạn sẽ phải dùng những công cụ thiết yếu trong game để tạo ra những đồ đạc cần thiết. Tương tự như vậy, khả năng “vác đồ” của các nhân vật trong game cũng không hề cao. Họ không thể mang cả một cái rương đi thu thập nhu yếu phẩm được. Chính vì thế từ nguồn nguyên liệu, thực phẩm, thuốc men, nước uống, tất cả đều cần sự phân bổ hợp lý nếu người chơi không muốn kết thúc game quá sớm.

Ấy là chưa kể, bạn không hề đơn độc trong game. Những gã hàng xóm đôi khi có thể rất “ngoan”, đem đồ của họ để đổi lấy những thứ họ cần. Thế nhưng đôi khi, họ có thể trở thành những gã máu lạnh, ngang nhiên cướp nhà của bạn, làm hại những người canh gác ở nhà trong khi bạn còn đang bận đi tìm kiếm những món đồ cần thiết.

Dĩ nhiên, nhân vật máy làm được gì, bạn cũng có thể làm y hệt, hoặc thậm chí là tàn bạo hơn, ví như hạ gục hai vợ chồng già đang trú ẩn trong căn nhà nhiều tài nguyên để chiếm đoạt tài sản của họ. Đó là khi game bắt người chơi phải lựa chọn giữa phần "con" và phần "người", giữa khát vọng sinh tồn và lương tâm của một cá nhân.

Đồ họa của This War of Mine không có gì nổi bật nếu xét tới tổng quan đồ họa trong game nói chung. Tuy nhiên những nét vẽ, những hình thù người rệu rã, mệt mỏi sau một ngày canh gác mà không được ngủ, những cột khói ở nền màn hình, hay những nét vẽ chì nguệch ngoạc lại tạo ra một bầu không khí cực kỳ u ám trong game.