- Theo Trí Thức Trẻ | 30/03/2017 0:00 AM
Thời gian qua, hàng loạt những tựa game PC console đầy ấn tượng đã lần lượt ra mắt cộng đồng game thủ Việt. Trong khi đó vào giữa tháng 06 tới đây, “thiên đường” của game thủ thế giới, sự kiện E3 cũng sẽ được diễn ra, hứa hẹn đem lại những phút giây mãn nhãn cho những người đam mê game không chỉ tại Việt Nam mà còn trên khắp năm châu.
Riêng đối với tôi, sau những màn trình diễn với hiệu ứng ánh sáng, nhạc dubstep bật tưng bừng, cũng như những tựa game đẹp mê hồn trên màn hình lớn tại rất nhiều sự kiện game offline vừa qua, một ý nghĩ lớn nhất đã và đang chiếm lấy tâm trí: Rồi sau này, chỉ vài năm nữa thôi, sẽ chẳng còn ai ngồi ru rú một mình chơi game offline nữa. Tất cả chỉ cần thời gian để tạo ra những thay đổi. Đối với làng game, họ cần thời gian để thay đổi tư duy chơi game của cộng đồng game thủ toàn cầu. Việt Nam chắc chắn sẽ không ngoại lệ.
Trải nghiệm cùng bạn bè được đề cao
Kỳ thực, các nhà phát hành game lớn trên thế giới, không riêng gì game online, đã bước vào cuộc đua xã hội hóa từ 2 đến 3 năm về trước. Khi đó, những cái tên lớn như Ubisoft, Activision hay EA đã bắt đầu nghiên cứu phát triển ra những cổng tương tác dành cho game thủ như Uplay, Battlelog, Autolog hay Call of Duty Elite với mục đích về sau, người chơi những tựa game của họ sẽ thông qua những ứng dụng này để tương tác với nhau.
Trong vòng những năm qua, một số cổng mạng xã hội dành cho gamer phát huy được hiệu quả rõ rệt như Battlelog (dành cho Battlefield hay Medal of Honor của EA). Trên đó, người chơi có thể kết bạn với nhau, xem và so sánh thành tích của nhau, thậm chí là mời bạn bè vào chung một trận đấu hoặc tạo party để thưởng thức game. Ngắn gọn, các nhà phát hành game muốn tạo ra một môi trường trong đó game thủ có thể tương tác với nhau bằng mọi cách họ muốn. Thế nhưng không phải dịch vụ nào cũng thành công.
Giờ đây, sau khi việc tung ra những dịch vụ xã hội hóa cho những game bom tấn đã gần như hoàn thành, các nhà phát hành game bắt đầu chuyển sang hướng khai thác mới: Tạo ra những tựa game MMO và khoác lên chúng bộ cánh đồ họa bóng bẩy và lối chơi có chiều sâu không kém gì những tựa game có mục single player như trước đây.
Game bom tấn, và không có mục chơi đơn
Hãy thử nhìn vào một vài cái tên như Ghost Recon Wildlands, Destiny 2 hay Sea of Thieves. Mang trong mình tham vọng của một sản phẩm bom tấn, thế nhưng game thủ chắc chắn sẽ không có cơ hội sử dụng những bản game crack chỉ để hoàn thành phần chơi đơn. Lý do cho điều này rất đơn giản: Chúng không có mục chơi đơn, hoặc ít nhất là bạn cần internet để chơi được game.
Với The Crew, bạn cùng một nhóm game thủ khác sẽ tập hợp lại thành một băng nhóm quái xế để giải quyết những nhiệm vụ xuất hiện trong game. Những nhiệm vụ này sẽ không được hoạch định sẵn, mà chúng sẽ phần nào dựa vào chính cộng đồng người chơi.
Hay The Division hoặc Wildlands là một ví dụ khác, nhưng lại mang hơi hướng hành động nhập vai thay vì đua xe như The Crew. Ubisoft cũng mở ra một thế giới rộng lớn của thành phố New York, sau đó “nhồi nhét” người chơi vào bên trong đó để họ tự tương tác với nhau. Đây là hướng đi không mới trong làng game online, nhưng hứa hẹn sẽ đem lại thành công nếu nhà sản xuất game biết cách triển khai hệ thống gameplay sao cho phù hợp nhất với một game online.
Việt Nam thì sao?
Câu trả lời là chúng ta không bao giờ nằm ngoài quy luật chung của toàn bộ thị trường. Vài năm trước, những game thủ, hầu hết là những học sinh, sinh viên ngày ngày ra hàng đĩa để mua những DVD hay CD game lậu với cái giá bằng một bữa ăn sáng thời bấy giờ, sau đó về cài, chép crack và thưởng thức một mình.
Giờ đây, dĩ nhiên là game lậu vẫn còn chỗ đứng với số lượng đầu game offline tập trung vào phần single player ra mắt vẫn rất nhiều. Thế nhưng bên cạnh đó, số lượng những game thủ bắt đầu làm quen với game có bản quyền, dù ít ỏi và co cụm, đã và đang tạo được sức ảnh hưởng không hề nhỏ trong nhiều cộng đồng game tại Việt Nam.
Đơn cử, với Battlefield 1 hay nhiều game bom tấn khác, cộng đồng game thủ Việt sử dụng game bản quyền hoàn toàn có thể chạm tới con số hàng nghìn người. “Bình dân” hơn chính là những nhóm game thủ hàng ngày rủ nhau lên mạng cùng thưởng thức những trận DotA hay LoL trong giờ rảnh rỗi.
Vậy điều này có ý nghĩa gì với mỗi chúng ta? Rất đơn giản, game thủ Việt đã và đang chập chững những bước đầu tiên trong việc chấp nhận dùng tiền để thỏa mãn nhu cầu game của họ, thay vì ăn cắp (hoặc trả tiền cho những kẻ cắp – mua đĩa lậu) công sức của những studio game.
Với những game đặt nặng vấn đề multiplayer, việc sở hữu key là điều không thể tránh khỏi, và đó cũng chính là một trong những lý do tạo đà phát triển cho những cộng đồng yêu thích những game bom tấn tại Việt Nam. Hay nói một cách khác, vì niềm đam mê, game thủ Việt đã và đang dần có ý thức hơn.
Tạm kết
Một trong những câu nói tôi tâm đắc nhất là “Thời gian có thể thay đổi tất cả”. Thời gian đã thay đổi cách game thủ trên toàn thế giới cũng như Việt Nam chơi game, cả game offline lẫn online. Vì thế hoàn toàn có thể tự tin dưa đến nhận xét rằng, thời gian cũng sẽ đủ sức khiến cho không còn game thủ nào ngồi thưởng thức game một mình theo kiểu tự kỷ nữa, mà sẽ cùng bạn bè khám phá những điều mới lạ trong những trò chơi.