- Theo Helino | 16/05/2019 03:00 PM
Trường hợp đau buồn vừa được ghi nhận là của một cô gái trẻ 16 tuổi người Malaysia. Và có lẽ đây là bài học đầy đau thương dành cho mọi người, khi mạng xã hội không phải lúc nào cũng là chỗ để có thể đùa cợt.
Cụ thể, theo nguồn tin từ các cơ quan chức năng ở miền Đông bang Sarawak, Malaysia cho biết, nạn nhân đã đăng tải một phần bình chọn trên story từ Instagram của mình với mục đích nhờ bạn bè cũng như những người theo dõi lựa chọn hộ giữa hai phương án: sự sống và cái chết.
Có lẽ lúc ấy cũng chẳng ai có thể tiên liệu được rằng việc bình chọn lại ảnh hưởng tới vận mệnh của cô gái này như vậy. Tuy nhiên, nếu đọc dòng caption mà nạn nhân đã soạn thì có lẽ tất cả cũng phải cảm thấy có chút giật mình.
"Điều này thật sự rất quan trọng, hãy giúp tôi quyết định xem mình nên tiếp tục sống hay chết nhé" -nạn nhân viết.
Chẳng ai ngờ một lượt bình chọn đơn giản có thể quyết định số phận của nạn nhân trong vụ việc
Và kết quả có lẽ đã khiến tất cả phải bất ngờ, khi mà có tới 69% lượt bình chọn khuyên cô nàng nên lựa chọn cái chết. Chẳng ai ngờ đó cũng là nguyên nhân khiến cô nàng tự kết liễu cuộc đời của mình ít lâu sau đó.
Sự việc đáng tiếc trên cũng đã làm rộ lên những tranh cãi về sự vô ý thức của những người tham gia cuộc bình chọn. Theo lời của một luật sư ở Tây Bắc bang Penang, ông kịch liệt lên án số đông người đã bình chọn cho phương án cái chết từ story Instagram của nạn nhân. Thậm chí theo ông này, những người đã vote vào phương án cái chết còn có thể phải ra hầu tòa và đối diện với cáo buộc "khuyến khích người khác tự sát" vì hành vi tự sát cũng bị coi là phạm pháp ở Malaysia.
Vị luật sự này phát biểu: "Liệu cô gái ấy sẽ vẫn còn sống, nếu người dùng mạng cư xử khác đi và khuyên cô đừng nên tự tử? Có lẽ nếu họ làm vậy, cô ấy đã có thể cởi mở hơn và bắt đầu tìm kiếm sự giúp đỡ. Liệu thái độ khuyến khích của họ có phải là nguyên nhân chính khiến cô ấy tự sát? Vì hành vi tự sát bị coi là phạm pháp ở Malaysia, hành vi khuyến khích tự sát cũng nên được đưa ra xét xử trước pháp luật".
Đứng trước sự việc đau buồn này, Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao - ông Syed Saddiq Syed Abdul Rahman - cũng đã lên tiếng, cho rằng xã hội nước này cần tập trung hơn vào việc giải quyết các vấn đề tâm lý cho người dân, đặc biệt là những người trẻ ở độ tuổi tương tự với nạn nhân, khi mà nhận thức cũng như tâm lý đang ngập tràn những điều bất ổn.