Nhìn lại sự tiến hóa của Hollywood qua từng phần phim "Fast & Furious"

Kandy K  - Theo Trí Thức Trẻ | 28/04/2017 05:35 PM

Càng bành trướng, thì "Fast & Furious" lại càng phải thay đổi để đáp ứng được thị trường quốc tế.

Khi mới ra mắt công chúng vào năm 2001, ít ai có thể ngờ rằng cái tên Fast & Furious lại có thể trở nên lớn mạnh tới mức "sừng sỏ" tại đất Hollywood như bây giờ. Một bộ phim hành động kinh phí thấp (38 triệu đô) lấy không khí đua xe đường phố vốn được vay mượn và ảnh hưởng nặng nề từ Point Break bất ngờ trở thành hit lớn, mang về cho nhà sản xuất số tiền tổng cộng là 207 triệu đô.

16 năm sau, thương hiệu Fast & Furious đã trở thành một gã khổng lồ đầy uy lực. Hai phần phim gần nhất, Fast & Furious 6 và Furious 7 đã chạm chân vào hàng "bom nguyên tử" với số vốn đầu tư rơi vào hàng "có số có má" là 160 triệu đô và 190 triệu đô. Series đua xe này cũng trở thành một trong những con gà đẻ trứng vàng lời lãi nhất của Hollywood: Bộ phim Furious 7 đã một mình xách về 1,5 tỉ đô toàn thế thới. The Fate of Furious, phần phim thứ 8, cũng khởi sắc tại phòng vé và liên tiếp phá vỡ từng cột mốc doanh thu, báo hiệu một mùa bội thu cho hãng phim Universal.

Cùng với những bước tiến rất xa của bộ phim, thể loại phim hành động chủ đề ô tô cũng đang lớn mạnh hơn bao giờ hết. Những trận rượt bắt bằng xe xịn khắp các địa điểm trên thế giới, những pha tung hứng đẹp mắt tốn tiền tỉ, vốn là các "đặc điểm nhận dạng" của Fast & Furious, đang được các nhà làm phim khác sử dụng như một món gia vị không thể thiếu trên bàn tiệc phim-hành-động.

Nguồn gốc bé-hạt-tiêu của The Fast and the Furious

Khi mới chập chững vào đời, dựa trên một túi tiền eo hẹp như sinh viên cuối tháng, bộ phim vốn chỉ hướng đến một đối tượng khán giả Mỹ: các anh chàng đang độ tuổi ăn chơi, đam mê xe cộ và văn hóa đua xe đường phố. Điều này đã được thể hiện rõ như ban ngày qua những pha hành động của phim, cũng như cách bộ phim thể hiện.

Bộ phim đầu tiên nổ phát súng mở màn cho chuỗi thành công liên tiếp của Fast & Furious bắt đầu bằng một cảnh đua xe buổi đêm với bầu không khí đặc trưng của cả tập phim. Nơi đường phố Los Angeles hoa lệ, một nhóm những dân chơi ngầm máu chiến tụ tập, thành lập nên một tụ điểm đua xe trái phép. Ngay cả trước khi những con xe được rồ ga, cảnh phim đã phản ánh một hình ảnh khá nịnh bợ với đối tượng khán giả mà nó hướng tới: ai cũng phải đẹp, sành điệu và "đồ chơi" thì luôn luôn chất!

Những chiếc xe đua của các dân chơi được bảo quản trong tình trạng "tiệt trùng", bóng loáng và chói lóa như mặt trời ngày nắng. Khi những món đồ chơi triệu đô này đang chuẩn bị xông pha nơi vạch xuất phát, đạo diễn Rob Cohen đã quay cận cảnh ống bô tóe lửa trực chờ giây phút chiến đấu. Lúc tiếng báo hiệu bắt đầu được phát lên, cảnh phim được chuyển qua phần sang số và đạp ga, lướt qua những gương mặt căng thẳng như đau dạ dày của các tay quái xế trước giờ G.

Kể từ đó, đạo diễn Cohen đưa người xem vào tham quan cấu trúc của những chiếc xe với máy quay lướt theo từng phần của động cơ khi nó đang hoạt động hết công suất. Những cảnh quay này được thực hiện hoàn toàn bằng kỹ xảo nhằm nhấn mạnh độ trâu bò cũng như sự thể hiện không-chê-đi-đâu-được của những chiếc xe đắt đỏ ngoài tầm với của phần lớn dân số thế giới. Phân đoạn phim này, và thậm chí là trong suốt cả bộ phim về sau, chỉ có một mục đích duy nhất là "show hàng" với những kẻ đam mê xe cộ khi phần cứng ô tô được miêu tả thậm chí còn gợi cảm hơn những cô nàng hay đi qua đi lại trên phim.

Một khi trận đua bắt đầu, bộ phim trưng lên những cảnh quay khá ấn tượng, mà có thể kể đến là tầm nhìn khắp thành phố qua kính của một chiếc xe đang lao như tên bay ở tốc độ bàn thờ. Ấy vậy, những chiếc xe lại vận hành theo một cách rất thực tế, rất… xe. Không phải giống như những bộ phim tài liệu, mà các cảnh đua xe của phim được thiết kế để bám sát lấy thực tế, hoặc ít nhất là ở sát lằn ranh giữa thực tế và giả tưởng. Nó phản ánh một nghệ thuật có thật, được tạo ra bởi một nền văn hóa có thật, tại một địa điểm (cũng) có thật.

Tương tự, cảnh phim truy đuổi giữa hai nam chính của phim là Dominic Toretto (Vin Diesel) và Brian O’Conner (Paul Walker) với hai tên sát thủ vô danh đi mô tô cũng tuân thủ quy luật tương tự.

Tất nhiên, cảnh phim này không hoàn toàn thực tế, bởi vì ít khi bạn ra đường mà lại đụng độ sát thủ kiêm quái xế kiêm diễn viên xiếc nhào lộn mang súng cả. Thế nhưng ít hay nhiều, cũng phải công nhận rằng những gì xảy ra trong cảnh phim vừa rồi cũng tuân theo đầy đủ (hoặc đại đa số) những quy luật vật lý hiện có. Cảnh phim được xây dựng dựa trên những thực tế về các băng đảng đọ súng ở ngoài đời, pha cùng một chút cường điệu vốn là đặc sản của Hollywood.

Chuẩn mực của xã hội thay đổi, và tôi cũng thế

Đã là phim của Hollywood, thì luôn luôn dính phải vấn đề này. Tất nhiên, vẫn có những kẻ lội ngược dòng, không chịu đi theo xu hướng nông nổi của thế giới, nhưng những kẻ này thường rơi vào 2 dạng: hoặc là rất tự tin với kịch bản, diễn viên… hoặc là sẽ ế sấp mặt và ê chề. Những giới hạn cụ thể luôn được đặt ra cho những bộ phim hướng đến một đối tượng khán giả cụ thể: Vì lượng khán giả chính là dân nội địa, thì tức là phần lớn các nhân vật – ít nhất là phản diện – sẽ phải là người trong nước.

Thế nhưng trong suốt 16 năm qua, khi phòng vé nước ngoài đã nhận được sự quan tâm mà nó lẽ ra vốn có, thì mọi chuyện dường như bắt đầu thay đổi. Các xưởng phim lựa chọn hướng đi "ít nhưng chất", sản xuất ít phim hơn những đầu tư mạnh tay hơn, tất cả để cho sản phẩm của mình trở nên bắt mắt và hấp dẫn ở thị trường quốc tế. Trong năm 2015, khoảng 73% lợi nhuận phòng vé đều đến từ các thị trường lớn ngoài khơi, tăng lên từ con số 66% vào năm 2010.

Chính vì vậy, một thương hiệu thị trường như Fast & Fruious, tuy được xây dựng để thỏa lòng văn hóa trẻ của dân Mỹ, cũng phải chuyển mình tiến hóa. Và đó chính xác là những gì bộ phim đã làm.

Sau sự thành công ngoài sức tưởng tượng của phần phim thứ 4 với sự trở lại của Diesel và các diễn viên chính khác, đạo diễn Justin Lin – người đã phóng tầm nhìn từ phần 3 đến phần 6 – đã được "cấp quyền" để khởi động lại toàn bộ cái tên Fast & Furious. Bắt đầu từ câu chuyện số 5, Fast Five, ông rũ bỏ những yếu tố đã cũ mèm của thương hiệu này và biến câu chuyện trở thành một phi vụ hành động xuyên lục địa mang yếu tố giả tưởng – gần giống như Ocean’s 11, nhưng với một dàn diễn viên đa sắc tộc và trẻ trung hơn.

Yếu tố xe hơi vẫn được đặt làm trung tâm cho bộ phim, nhưng không còn là những chiếc xe tỏa sáng nhờ động cơ khỏe và đắt tiền. Thay vào đó, đạo diễn Lin ban tặng cho những chiếc xe năng lực siêu nhiên, biến chúng thành những thành phần "gánh team" có khả năng phi xuyên gió và cắt đôi đại lộ, bỏ qua mọi kiến thức vật lý thầy cô đã ra rả suốt bao nhiêu năm mài mặt đi học.

Fast Five dành tặng một chút tưởng nhớ đến phần phim đầu tiên khi bộ phim có lấp ló một vài cảnh đua xe trên phố giữa các nhân vật chính, nhưng nó hoàn toàn không phải là một sự kiện chính của phim. "Sự kiện chính" được nhắc tới, chính là cảnh 2 đồng chí Toretto và O’Conner sát cánh bên nhau để kéo một cái két to như mặt trời qua đường phố Rio de Janeiro (câu văn có thể đã nói quá một số tình tiết).

Trường đoạn này là một sự kết hợp tuyệt vời giữa tốc độ và các pha đụng độ, hiệu ứng, hoàn toàn tách ly khỏi bất cứ ràng buộc nào với thế giới thực cũng như về cách mà ô tô hoạt động. Đây thực sự là một luồng gió mới, và cũng chính khoảnh khắc ấy là khi bộ phim thực sự tìm được tiếng gọi nơi trái tim mình: những cảnh hành động quá đà với sự tham gia của xe cộ, logic có thể có hoặc không, tùy vào thái độ mà xem xét.

Tiếp nối tư tưởng đó, Fast & Furious 6 thậm chí còn khiến mọi ranh giới dường như bị xóa nhòa. Nổi bật trong phim, chính là một trường đoạn Ô tô vs. Xe Tăng đầy máu lửa và bom đạn ngay trên đường cao tốc. Ngay sau đó là phân cảnh cuối của phim tưởng chừng như dài vô tận khi dàn nhân vật chính đuổi theo một chiếc máy bay chở hàng với kích thước ông mặt trời (lần này là nói thật!) khi nó đang cố cất cánh.

Những cảnh phim này đã phải nhờ đến sự trợ giúp mạnh mẽ và đông đảo của kĩ xảo máy tính để có thể ra đời. Thế nhưng, nó cũng lại một lần nữa đưa người xem vào thăm thú động cơ của từng chiếc xe, giống như phần phim đầu tiên.

Lý giải cho câu hỏi tại sau những trường đoạn phim này lại có thể phù hợp và hấp dẫn đến vậy, một phần chính là do sự đam mê luôn theo cùng với đạo diễn Lin khi ông dàn dựng từng cảnh quay. Luôn luôn có một niềm hưng phấn lan tỏa trong từng khung hình, cũng như một sự choáng váng đặc sản để giúp những phút giây trọng đại này trở nên ăn khách – tất cả là nhờ vào mức độ đặc biệt của nó. Đầy sáng tạo và thông minh, những thước phim này được dựng lên từ những bộ não tận tụy nhất với công việc, đặc biệt là của đạo diễn Lin.

Sau sự ra đi của Lin, bộ phim thậm chí vẫn không hề có dấu hiệu "hết xăng" mà thậm chí còn phóng vụt lên hàng top nhanh hơn bao giờ hết. Furious 7, đạo diễn bởi James Wan, có một cảnh phim khi những em xế hộp xinh tươi bị cho nhảy dù tự do từ một chiếc phi cơ trên đỉnh núi. Phân đoạn tiếp theo chứng kiến Toretto và O’Conner phi xe như bay giữa 2 tòa tháp Etihad tại Abu Dhabi.

Sang đến phần phim thứ 8, The Fate of the Furious, đạo diễn F.Gary Gray vẫn tiếp tục chuyến hành trình tìm đến những cực điểm mới của mình: đánh nhau với tàu ngầm hạt nhân trên mặt băng lạnh ngắt.

Kể từ phần 5, thương hiệu Fast & Furious đã thành công trong việc biến những khoảnh khắc như trên trở nên ấn tưởng bằng cách từ tối tin vào bất cứ một giới hạn nào mà các nhân vật cũng như ô tô của họ gặp phải.

Tất nhiên, họ vẫn bộc lộ một chút gì đó gọi là làm-thế-này-thì-điên-rồi khi đang lên kế hoạch, nhưng rồi tất nhiên… cái gì cũng khả thi. Chưa bao giờ trong phim mà các nhân vật dám thật thà mở mồm ra hỏi liệu những gì họ làm (hoặc đã làm) là khả thi. Đơn giản, họ đang sống trong một thế giới mà đây không phải là một câu hỏi. Logic hay vật lý không phải là một điều đáng lưu tâm với Fast & Furious – hay đơn giản hơn là nó không tồn tại.

Tuổi dậy thì của Fast & Furious và những gì nó đã đánh đổi nơi thị trường toàn cầu

Có lẽ, những phần phim tiếp theo sẽ không còn quan trọng chuyện bối cảnh ở đâu nữa. Ở đâu mà chẳng được, chỉ cần khung cảnh ổn, đường đủ rộng để làm phông nền cũng như có gái đẹp là ok rồi, có phải không?

Nếu như bộ phim đầu tiên nịnh bợ đối tượng khán giả bằng cách thể hiện họ một cách tâng bốc, thì Fast & Furious hiện tại lại khiến khán giả của họ phổng mũi với những khung cảnh quốc tế đầy thơ mộng nhưng cũng bốc lửa không kém. Điều khác biệt ở đây, chính là đối tượng khán giả của phim đã trở thành tất cả mọi người (từ 16 tuổi trở lên).

Việc thương hiệu phim này vươn ra tầm quốc tế đã khiến bản thân nó hoành tráng và tốt hơn theo rất nhiều cách: Dàn nhân vật rộng hơn, khái quát hơn, các địa điểm đa dạng và những trường đoạn hành động thì có cơ hội thay đổi liên tục. Mặc dù cách thể hiện của những phần phim gần đây có vẻ được yêu thích hơn, thì khi đem so sánh với thế giới trong những phần phim ban đầu, tất cả mọi thứ trở nên ít thực tế hơn rất nhiều. Bởi lẽ, Fast & Furious đã không còn bị bó buộc vào bất kì rào cản nào nữa (nếu không muốn nói là trí tưởng tượng của biên kịch).

Những điều kể trên, chính là những thứ mà Fast & Furious hay bất kì những bộ phim bom tấn nào khác phải đánh đổi một khi nó còn nuôi vọng chinh phục thị trường quốc tế. Chúng ta, những người chỉ có công việc là mua vé xem phim, tất nhiên sẽ phải chấp nhận điều này như một sự thật hiển nhiên. Không thể phủ nhận rằng tàu ngầm, nhảy quay tháp hay thả dù xế hộp thực sự rất ấn tượng, nhưng những "ngày xưa ấy" nơi Fast & Furious chỉ quanh quẩn từ phố này sang phố kia sẽ luôn luôn là một kỉ niệm thực sự rất đẹp và đáng được ghi nhớ.