Nhìn lại số phận của các tựa game được gắn mác thuần Việt, đa số đều là bom tấn chỉ "nổ" một lần khi ra mắt

Mặt Trứng  - Theo Trí Thức Trẻ | 21/06/2021 11:59 PM

Đa số các tựa game online được gắn mác thuần Việt đều không duy trì được thành công lâu dài.

Khi nhắc tới thành công của các tựa game thuần Việt, đa số đều sẽ nghĩ ngay tới một tên tuổi nổi tiếng là Flappy Bird. Tuy nhiên, chừng đó là quá ít ỏi so với nhu cầu của các game thủ Việt - những người vẫn ngày qua ngày cống hiến thời gian, tiền bạc cho nhiều tựa game online và đa số đều có nguồn gốc từ nước ngoài. Thực tế, trong quá khứ cũng đã có không ít những tựa game được giới thiệu là bom tấn của người Việt, do người Việt tạo ra 100%. Nhưng đa phần trong số chúng chẳng thể chứng minh được sức hút của mình trong suốt một chặng đường dài, và điều này cũng có nguyên nhân của nó.

Nhìn lại số phận của các tựa game được gắn mác thuần Việt, đa số đều là bom tấn chỉ nổ một lần khi ra mắt - Ảnh 1.

Để nói cụ thể hơn về vấn đề này, có lẽ chúng ta nên ngược dòng thời gian về quãng thời gian mà làn sóng làm game Việt bắt đầu thịnh hành với những cái tên đình đám được giới thiệu như 7554, và đặc biệt là Thuận Thiên Kiếm - tựa game MMORPG được rất nhiều người chờ đợi. Nếu như ở thời điểm chuẩn bị ra mắt với những đoạn trailer, gmaeplay ấn tượng, 7554 nhận được rất nhiều những đánh giá tích cực thì sau đó, chẳng quá nhiều người còn giữ được sự quan tâm tới tựa game này. 7554 không thể coi là dở ở thời điểm ấy, nhưng chắc chắn cũng sẽ chẳng nhiều người có thể gọi đó là một game hay chứ chưa cần nói tới bom tấn. Và trên thực tế, tựa game này cũng được chú ý nhiều hơn với việc lấy nguyên tác trong lịch sử, thay vì những yếu tố thuần game của nó.

Nhìn lại số phận của các tựa game được gắn mác thuần Việt, đa số đều là bom tấn chỉ nổ một lần khi ra mắt - Ảnh 2.

Câu chuyện của Thuận Thiên Kiếm và sau này là 2112 Revolution lại có nhiều điểm tương đồng. Cùng là những tựa game của người Việt, do người Việt tạo ra và còn đi đúng theo thể loại MMORPG cày cuốc rất được lòng đám đông, thế nhưng, cả hai đều đã "biến mất" theo đúng nghĩa đen chỉ sau một thời gian ngắn dù không thể phủ nhận rằng, cả hai đều đã tạo được sự chú ý khi giới thiệu. Có lẽ cũng không cần nhận xét quá nhiều về chất lượng của hai trò chơi này, nhưng sự thiếu sót để có thể dẫn tới thành công cho cả hai có lẽ nằm ở sự thiếu ý tưởng và đặc biệt, thiếu đi những phương án đường dài.

Nhìn lại số phận của các tựa game được gắn mác thuần Việt, đa số đều là bom tấn chỉ nổ một lần khi ra mắt - Ảnh 3.

Điều này cũng dễ hiểu thôi, khi đa phần các tựa game online, nhất là theo thể loại MMORPG đều có nhu cầu rất lớn liên quan tới nội dung, những bản update, những tính năng mới mẻ. Và điều này yêu cầu khá nhiều những điều kiện như engine đồ họa, cốt truyện, định hướng cân bằng game - những thứ có thể coi là khó khăn cho các studio games mới khởi nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bài toán kinh phí cũng luôn là vấn đề. Các game thủ Việt vẫn chưa thích nghi được với việc phải trả phí để mua game, chơi game. Điều này cũng phần nào thay đổi kể từ khi PUBG trở nên phổ biến, nhưng xét cho cùng, bài toán kinh tế vẫn luôn nan giải đối với mọi studio games tại Việt Nam.

Nhìn lại số phận của các tựa game được gắn mác thuần Việt, đa số đều là bom tấn chỉ nổ một lần khi ra mắt - Ảnh 4.

Tất nhiên, những Thuận Thiên Kiếm, 7554 hay tới đây là 300475 có thể coi là những viên gạch nền, đánh dấu những sự phát triển của làng game thuần Việt. Con đường phía trước vẫn còn dài, và nhu cầu chơi game của người Việt thì chưa bao giờ suy giảm, chỉ cần kiên định với mục tiêu cũng như duy trì được sự phát triển, tiến bộ qua từng ngày, chắc chắn trong tương lai không xa, chúng ta rồi sẽ có một bom tấn made in Việt Nam mà thôi.