- Theo Trí Thức Trẻ | 21/10/2016 08:08 PM
Kể từ năm 1985, sự ra đời của Nintendo Entertainment System, hay tên tiếng Nhật là Famicom, hoặc được người Việt biết đến với cái tên thân thương "điện tử 4 nút", Nintendo đã tự biến mình thành một trong những ông lớn đầy kinh nghiệm của làng giải trí tương tác thế giới. Những cỗ máy chơi game của họ vừa góp phần định hình thị trường, vừa tạo ra tuổi thơ của biết bao thế hệ game thủ Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Cho dù có thăng, có trầm, có những hệ máy không giành được thành công, thế nhưng thiết bị nào của Nintendo cũng để lại dấu ấn cực kỳ sâu đậm trong tâm khảm mỗi thế hệ người yêu game:
1985: NES
Mọi chuyện bắt đầu, chắc chắn là với NES rồi. Chính cỗ máy của người Nhật đã cứu vớt thị trường game Bắc Mỹ đang đứng trên bờ vực khủng khoảng khi nhà nhà làm máy console, người người làm game console, dẫn tới khủng hoảng thừa khi người tiêu dùng không biết chọn loại máy nào, và chơi game nào vì chúng đều dở như nhau. Thậm chí có cả "huyền thoại" game ăn theo phim mang tên E.T, vì quá dở tệ nên bị hãng phát triển thu hồi và bí mật chôn ở một sa mạc mà mãi 30 năm sau mới được tìm thấy.
NES lại biến thị trường máy chơi game gia đình sôi động trở lại. Ở thời kỳ này, không gì cản được NES trở thành ông vua của cả thế hệ, với những tựa game được Nintendo quản lý hết sức chặt chẽ về phần nội dung như Mario, Contra, The Legend of Zelda,...
1989: GameBoy
Với 200 triệu máy bán ra trên toàn thế giới, chắc chắn GameBoy là chiếc máy chơi game cầm tay bán chạy số 1 trong lịch sử. Chỉ có cách điều khiển đơn giản chẳng kém gì NES, với nút Dpad 4 chiều và 2 phím A, B, nhưng hàng loạt những game đơn giản nhưng cuốn hút của thời bấy giờ như Mario, Tetris hay nổi bật hơn cả là huyền thoại Pokemon đã giúp GameBoy trở thành một cái tên không một game thủ nào không biết đến, nếu có thì chắc đó là những game thủ nhí 10x đang mải ôm điện thoại của bố mẹ chơi game.
1990: SNES
Ra mắt tháng 11/1990, SNES được lấy tên Super Famicom ở quê nhà Nhật Bản, và Super Comboy tại Hàn Quốc. Bản thân NES huyền thoại bao nhiêu thì SNES cũng xứng đáng là kẻ kế nhiệm xuất sắc bấy nhiêu. Sức mạnh phần cứng của cỗ máy chơi game đồ họa 16 bit này cho phép những tuyệt phẩm có cơ hội xuất hiện, như Super Metroid, Final Fantasy IV và VI, Super Mario World, và cả Mega Man X nữa.
1996: Nintendo 64
Ra mắt tháng 6/1996, Nintendo 64 là bước chuyển lên nền tảng đồ họa 64 bit đầy sống động. Lần đầu tiên trong lịch sử, game thủ được chơi một tựa game Mario trong thế giới 3D đẹp đến kinh ngạc thay vì những hình vẽ 2D chạy ngang màn hình TV đầy nhàm chán. Đó chính là Super Mario 64, một trong những phiên bản Mario hay nhất trong lịch sử. Không chỉ dừng lại ở đó, những cái tên khác như Super Mario Kart, Golden Eye 007, hay Star Fox 64 cũng góp phần định hình thế giới game 3D như ngày nay.
2001: GameCube
15 năm về trước, chiếc máy chơi game Nintendo GameCube đã chính thức ra đời, và phải khẳng định rằng chiếc máy vuông vức nhưng cực kỳ màu mè và dễ thương này gần như đã thay đổi hoàn toàn triết lý thiết kế phần cứng chơi game của nhiều hãng.
Không phải đến tận thời kỳ Nintendo ra mắt DS hay Wii, hãng game đến từ Nhật Bản này mới chứng tỏ bản thân họ là những nhà thiết kế đại tài cả về phần cứng lẫn phần mềm. Mà một khi đã nói đến Nintendo, chúng ta phải nhắc ngay đến Super Mario. Trên nền tảng GameCube, hai tuyệt phẩm Super Mario Sunshine cũng như Luigi's Mansion đã biến cả GameCube lẫn game trên nền máy console này trở thành những tác phẩm cực kỳ độc đáo và ấn tượng, mà cho đến ngày nay vẫn chưa tìm được sản phẩm kế tục xứng đáng.
2004: Nintendo DS
Cùng với GameBoy, Nintendo DS là dòng máy chơi game cầm tay đắt khách nhất hành tinh với hơn 130 triệu model kịp tẩu tán. Ra đời năm 2004, trải qua nhiều lần nâng cấp và giảm giá nhưng sản phẩm này luôn xứng danh một tên tuổi vĩ đại.
Hàng tấn trò chơi tuyệt vời dành cho Nintendo DS luôn đợi người dùng khám phá, có thể nói là nhiều hơn bất cứ thiết bị chơi game chuyên dụng nào khác. Tất cả mọi người khi mua Nintendo DS đều bắt đầu với tựa game New Super Mario Bros, một trò chơi điển hình, phổ biến và nổi tiếng nhất.
2006: Wii
Mặc dù sở hữu nền đồ họa thua xa các đối thủ cạnh tranh của nó như PS3, Xbox 360, Wii vẫn có doanh số vượt trội, thậm chí trong những năm đầu tiên ra mắt, số máy Wii được bán ra còn vượt qua cả 2 hệ máy kia gộp lại, một chiến thắng không thể rực rỡ hơn dành cho Nintendo.
Nguyên nhân dẫn đến sự thành công này của Wii nằm ở cơ chế điều khiển cảm ứng bằng Wii Mote mang tính cách mạng vào thời điểm đó, kết hợp cùng các tựa game thể thao dễ chơi, thân thiện với gia đình. Và chỉ vài tháng sau khi ra mắt, số lượng máy Wii xuất xưởng đã không kịp đáp ứng nhu cầu của gamer trên toàn thế giới.
2011: Nintendo 3DS
Nintendo 3DS mới sở hữu CPU mạnh hơn, hiệu ứng hình ảnh 3D không cần kính mới, bổ sung thêm cần analog giống với hệ máy GameCube trước đây với tên gọi C-stick. Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào chiếc máy chơi game cầm tay mới này là nó tỏ ra bắt mắt hơn so với những người tiền nhiệm của mình nhờ những đường nét cứng cáp thay vì bo tròn toàn bộ, cộng với việc các nút bấm được thiết kế nhiều màu sắc nổi bật. Một chi tiết mới đáng chú ý trên phiên bản 3DS này là hai cò phụ ZL, ZR đặt ở phía dưới màn hình.
Thế nhưng chính vì giá cả và sự phiền toái không đáng có mà 3DS lại không được đón nhận như DS. Không phải ai cũng cần tới hình ảnh 3D, dù rằng công nghệ của Nintendo quá ấn tượng khi không cần kính phân cực. Nhưng 3D là một trào lưu đã chết, và bây giờ người ta quan tâm tới thực tế ảo cơ.
2012: Wii U
Năm 2014 dường như là năm của Wii U, khi cả giới nhà phê bình và người hâm mộ đều đưa những lời tán dương có cánh dành cho những game đỉnh như Mario Kart 8, Super Smash Bros. và Bayonetta 2. Nhưng trong khi Wii U có thể tự hào với nhiều sản phẩm phần mềm chất lượng, hệ thống console này vẫn còn xa mới tới tầm những “cú hit” mà chúng ta thường mong chờ từ Nintendo, và họ đã phải đưa ra vài quyết định khó khăn trong tương lai gần đó là khai tử Wii U để mở đường cho Nintendo Switch.
Kể từ khi được phát hành trong năm 2012, Wii U mới chỉ bán được 9.2 triệu máy. Sự thiếu hụt về tính đa dạng trong các nhà phát triển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Nintendo, và đã biến Wii U trở thành thứ yếu với người chơi, khi họ sẽ dành phần lớn thời gian cho PC, Xbox hoặc Playstation, và chỉ thỉnh thoảng mở Wii U lên để chơi bất kỳ game mới nào được Nintendo phát triển. Nhưng khó mà có ai sử dụng Wii U làm hệ thống chơi game chủ đạo của mình.