Nhân vật thứ chính trong anime: Bí kíp tạo ra những siêu phẩm đầy sức hút như Attack on Titan

Green  - Theo Trí Thức Trẻ | 25/02/2022 09:26 AM

Các nhân vật thứ chính như Mikasa Ackerman hay Megumi đã chứng minh rằng anime/manga sẽ không thể hay nếu cả vũ trụ chỉ xoay quanh nhân vật chính

Nhân vật thứ chính là các nhân vật đóng vai trò quan trọng gần bằng với các nhân vật chính trong câu chuyện. Nếu nhân vật chính có nhiệm vụ dẫn dắt câu chuyện, thì các nhân vật thứ chính sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho sự phát triển tính cách của nhân vật chính cũng như đẩy mạch truyện lên cao trào. Thậm chí, trong nhiều bộ anime, nhân vật thứ chính còn được xem như nhân vật chính thứ hai. 

Nhân vật thứ chính trong anime: Bí kíp tạo ra những siêu phẩm đầy sức hút như Attack on Titan - Ảnh 1.

Nhân vật thứ chính của anime thường là bạn bè hoặc cộng sự của nhân vật chính, đồng hành cùng nhân vật chính trong chuyến phiêu lưu. Không phải bộ anime nào cũng có nhân vật thứ chính, bởi có rất nhiều anime chọn xây dựng một câu chuyện chỉ xoay quanh nhân vật chính. Tuy nhiên, đối với những anime có nhân vật thứ thích thì kiểu nhân vật này đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp phát triển nhân vật chính và đôi khi hành động, suy nghĩ của họ sẽ phát triển song song với nhau. Điều này tạo ra sự đa dạng ở tính cách, hành động giữa các nhân vật, tạo thêm sức hấp dẫn cho câu chuyện.

Nhân vật Vegeta nổi tiếng của franchise Dragon Ball có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho kiểu nhân vật thứ chính thường thấy trong manga/anime. Anh ta xuất hiện lần đầu trong Dragon Ball Z: Saiyan saga với vai trò phản diện nguy hiểm. Thế nhưng theo sự phát triển mạch truyện, về sau Vegeta dần trở thành bạn kiêm đồng đội ăn ý của Goku, bất chấp những quan điểm lẫn cách suy nghĩ khác nhau ở cả hai người. Rõ ràng hoàng tử Saiyan đã trở thành nhân vật quan trọng thứ hai của franchise sau người hùng Goku. Kể từ Cell Games Saga, bộ đôi đã thể hiện được vai trò quan trọng của họ trong từng arc truyện.

Nhân vật thứ chính trong anime: Bí kíp tạo ra những siêu phẩm đầy sức hút như Attack on Titan - Ảnh 2.

Xuyên suốt các phần anime/manga Dragon Ball, có thể nói rằng không nhân vật phụ nào nổi bật bằng Vegeta. Anh ta là người duy nhất theo kịp sự phát triển sức mạnh nhanh đến chóng mặt của Goku. Cả hai nhân vật đều cùng chia sẻ nhiều điểm chung, đặc biệt là trong vai trò những cư dân duy nhất còn sống sót của chủng tộc Saiyan. Điều này giúp cho sự phối hợp lẫn tình bạn của họ trở nên cực kỳ ăn ý. 

Một nhân vật thứ chính kinh điển khác trong anime là Killua Zoldyck của Hunter x Hunter. Killua là bạn thân nhất của Gon, dù xuất thân của hai cậu bé nằm ở hai thái cực trái ngược nhau. Tuy nhiên, chính sự trái ngược này lại giúp tình bạn của cả hai có chiều sâu. Gon và Killua đều là những cậu bé 12 tuổi, song họ có một sự khác biệt đáng kể về mức độ trải nghiệm lẫn sự trưởng thành. Gon sinh ra và lớn lên trong gia đình bình thường trước khi cậu quyết định lên đường phiêu lưu, đó là lý do khiến cậu ngây ngô hơn so với Killua. Ngược lại, Killua lại sinh trưởng trong một gia đình sát thủ danh tiếng và bản thân cậu sở hữu những kỹ năng mà ít người bình thường có được. 

Sự ngây thơ của Gon đã có ảnh hưởng lớn đến phát triển nhân vật của Killua trong suốt cuộc hành trình mà cả hai trải qua. Thông qua việc gặp gỡ và kết bạn với Gon, Killua có thể trải nghiệm đôi chút cuộc sống của một đứa trẻ bình thường - điều mà trước đó cậu không hề có. Gon khiến cho Killua bước ra khỏi quá khứ đen tối và trở thành một người tốt đẹp hơn. Chính vì lý do này mà Killua đã từng tự đặt câu hỏi rằng liệu cậu có xứng đáng làm bạn của Gon hay không. 

Nhân vật thứ chính trong anime: Bí kíp tạo ra những siêu phẩm đầy sức hút như Attack on Titan - Ảnh 3.

Các nhân vật thứ chính không chỉ xuất hiện trong những bộ anime/manga kinh điển như Dragon Ball hay Hunter x Hunter, mà ngay cả các anime/manga hiện đại như Jujutsu Kaisen, nhân vật thứ chính cũng là một phần không thể thiếu. Thậm chí, họ còn được xây dựng theo cách vô cùng sáng tạo, vượt khỏi khuôn mẫu cổ điển. Megumi Fushiguro khá khác biệt so với nhân vật chính Yuji Itadori, nhưng cả hai vẫn là bạn thân. Megumi và Yuji không phải lúc nào cũng có suy nghĩ hay quan điểm đạo đức giống nhau. Chẳng hạn, Yuji sẽ không giết người nếu anh ta có thể cứu được, trong khi Megumi dường như không quá bận tâm đến mạng sống con người, nhất là nếu điều đó có lời cho bản thân anh ta theo một cách nào đó. 

Rõ ràng là các tác giả anime/manga hiện đại đang ngày càng chú trọng hơn vào việc xây dựng nhân vật thứ chính, những người giúp họ định hình được các quan điểm được truyền tải trong bộ truyện theo nhiều cách khác nhau. Điều tất yếu, một số nhân vật thứ chính thậm chí còn có sự phát triển ấn tượng và được yêu thích không kém gì nhân vật chính như Mikasa Ackerman và Armin Arlert (Attack on Titan), Katsuki Bakugo (My Hero Academia), Aguero Agnes Khun (Tower of God)... Có thể thấy rằng sự xuất hiện của các nhân vật thứ chính trong anime/manga giờ đây cũng không kém phần quan trọng và một trong số những yếu tố chủ chốt quyết định sự thành công của tác phẩm.

https://gamek.vn/nhan-vat-thu-chinh-trong-anime-bi-kip-tao-ra-nhung-sieu-pham-day-suc-hut-nhu-attack-on-titan-20220223183356328.chn