Nhân vật đời thực đã truyền cảm hứng để tạo ra Silvers Rayleigh trong One Piece

Bảo Lâm  Thể thao văn hóa | 11/04/2023 12:21 PM

Liệu kết cục của Silvers Rayleigh có giống như nguyên tác đời thực của ông hay không?

Trong vũ trụ One Piece, Silvers Rayleigh có một biệt danh khá đáng sợ, đó là "Vua Bóng Tối". Ngoài ra, người đàn ông này còn được biết đến với danh xưng "Cánh tay phải của Vua hải tặc", vì Rayleigh là thuyền viên đầu tiên của băng hải tặc Roger và ông cũng rất mạnh.

Nhân vật đời thực đã truyền cảm hứng để tạo ra Silvers Rayleigh trong One Piece - Ảnh 2.

Silvers Rayleigh trong One Piece

Ở cốt truyện Sabaody, Shakuyaku từng nhấn mạnh rằng, Silvers Rayleigh mạnh hơn cả 100 lần sức mạnh của 11 Siêu Tân Tinh gộp lại. Ngay cả đô đốc Kizaru cũng phải thừa nhận rằng, nếu có ý định truy bắt con người huyền thoại này, họ sẽ phải có một kế hoạch được nghiên cứu tỉ mỉ từ trước đó cả tháng trời rồi. Hay khi Garp được thông báo Rayleigh có thể ở quần đảo Sabaody, ông đã căn dặn quân của mình rằng nếu có đụng mặt Rayleigh, hãy rút lui ngay lập tức để hạn chế tối đa thương vong.

Vào một thời điểm nào đó sau sự ra đi của Roger và băng Vua hải tặc tan rã, Rayleigh trở thành một thợ cơ khí trên quần đảo Sabaody. Sau này, ông còn đóng vai trò là người cố vấn dạy Luffy cách sử dụng Haki. Tuy nhiên, bản thân Rayleigh đã thừa nhận rằng ông không còn trẻ nên sức khỏe không còn được như trước đây nên nhanh xuống sức hơn trong 1 trận chiến.

Vậy bạn có biết, nhân vật Silvers Rayleigh được Eiichiro Oda lấy cảm hứng từ ai để tạo ra không? Hóa ra, nguyên mẫu đời thực của Vua bóng tối là Walter Raleigh (1552 – 1618), một nhà thám hiểm, nhà hàng hải, tác giả, nhà thơ người Anh và là cận thần của Elizabeth I.

photo-1681122150849

Walter Raleigh, nguyên mẫu đời thực của Vua bóng tối.

Sau khi Elizabeth I qua đời, người kế vị James I không có thiện cảm với Raleigh nên ông đã bị buộc tội âm mưu chống lại nhà vua và bị kết án tử hình vào năm 1603. Bản án sau đó đã được giảm xuống mức tù chung thân và Raleigh đã bị giam 12 năm tiếp theo trong tháp London.

Năm 1616, Raleigh được trả tự do để chỉ huy chuyến thám hiểm tìm kiếm El Dorado lần hai nhưng thất bại. Khi trở về Anh, bản án tử hình của ông được khôi phục và việc hành quyết Raleigh đã diễn ra vào một ngày cuối tháng 10 năm 1618.