- Theo Helino | 12/08/2019 11:59 PM
Tổ chức y tế thế giới WHO cũng đã khẳng định đây là một dạng hội chứng mang tên ICD-11 (International Classification of Diseases) được mô tả như sau: "Bệnh nhân có hành vi bị ảnh hưởng từ các trò chơi điện tử, có thể là online hoặc ofline, cụ thể hơn là có xu hướng giảm khả năng kiểm soát việc chơi game, dẫn đến đặt việc chơi game ưu tiên lên trên so với các hoạt động hằng ngày khác, và vẫn tiếp tục duy trì mặc dù có thể xảy ra nhiều hậu quả khó lường."
Dẫu có hàng tỷ người chơi game mỗi ngày, tuy nhiên phần lớn trong số họ lại không bị mắc phải hội chứng này. WHO cũng đã ước lượng rằng con số những người phải vật lộn với "cơn nghiện" chỉ chiếm khoảng 3-4% mà thôi. Sự khác biệt duy nhất giữa việc bị nghiện game điện tử với việc thú vui giải trí đơn thuần đó là những ảnh hưởng tiêu cực từ game tác động xấu đến chính cuộc sống hàng ngày của bạn.
Thông thường, một "con nghiện" game sẽ có những mức độ khác nhau như suy giảm đáng kể một số chức năng liên quan tới cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp và các yếu tố quan trọng khác. Các biểu hiện dễ thấy nhất trong khoảng 12 tháng liên tiếp bệnh nhân tiếp xúc với trò chơi điện tử, thậm chí có vài người còn được chẩn đoán với thời gian sớm hơn và các triệu chứng cũng nghiêm trọng hơn.
Vậy điều gì gây ra sự "nghiện" trò chơi điện tử?
Các trò chơi hiện nay được thiết kế có chủ ý thông qua việc sử dụng tâm lý con người và làm cho họ cảm thấy cuốn hút với thứ đang có ở trước mặt. Những trải nghiệm tuyệt vời ở một thế giới ảo khác sẽ giúp não giải phóng một lượng lớn dopamine khiến người chơi cảm thấy thoải mái, và cũng vì game thủ thường hay chơi game rất nhiều, dẫn đến việc tiếp xúc với dopamine trong thời gian dài có thể gây ra một số thay đổi trong cấu trúc não.
Tất nhiên, chẳng ai có thể phủ nhận điều tuyệt vời mà game mang lại cả. Bạn bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc phiêu lưu mới trong những thế giới tưởng chừng như không bao giờ có thật, thậm chí một số trò chơi có cốt truyện và đồ họa thu hút đến nỗi, có người chơi hàng giờ đồng hồ liền mà không hề nhận ra xung quanh mình đang xảy ra những gì.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều trò chơi cũng được xây dựng dựa trên cơ chế đánh bạc ngoài đời thật, mặc dù một số quốc gia đã cấm cản và tuyên bố rằng đó là một hành vi bất hợp pháp. Nhưng điều đó vẫn không thể ngăn cản được sự vươn lên của thời đại 4.0 này. Tất nhiên, nghiện cờ bạc còn tệ hơn nghiện game rất nhiều, vì nó còn dính dáng đến tiền nong các thứ nữa, và không có gì còn tồi tệ hơn khi cả hai kết hợp với nhau nhỉ?
Đâu là dấu hiệu của việc nghiện game?
Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ đã xác định 9 dấu hiệu cho thấy rằng một người đang nghiện game rất nặng và cần được theo dõi. Mặc dù đây có thể là một biểu mẫu để bạn tham khảo, nhưng tốt hơn hết vẫn nên gặp các chuyên gia tâm lý khi các triệu chứng trở nên không thể kiểm soát.
Chơi game không ngừng nghỉ. Một khi đã hoàn thành một trò chơi thì sẽ nghĩ ngay đến trò chơi khác. Việc chơi game chiếm phần lớn thời gian trong ngày.
Khi không được chơi game nữa, thường đi kèm với các triệu chứng như là khó chịu, bứt rứt, lo lắng, bồn chồn hay buồn chán.
Có thể buông bỏ mọi việc để chơi game, cho dù nó có quan trọng đến đâu.
Tự hứa rằng sẽ không chơi game nữa nhưng lại vẫn cứ chơi tiếp.
Mất đi các sở thích trước khi nghiện game.
Vẫn tiếp tục chơi mặc dù có ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân (ví dụ như mỏi mắt, đau lưng, đói, …)
Nói dối với gia đình về quỹ thời gian của mình, vì phần lớn đều là chơi game.
Sử dụng trò chơi điện tử như một thứ giúp thoát khỏi tâm trạng xấu như cảm giác bất lực, mặc cảm và lo lắng.
Gây nguy hiểm cho người khác hoặc mất một mối quan hệ, thậm chí là công việc và cơ hội nghề nghiệp vì bị ảnh hưởng từ những hành vi có trong game.
Nếu một người gặp phải 5 hoặc hơn trong số các triệu chứng trên trong khoảng thời gian tiếp xúc với trò chơi điện tử là 12 tháng, khả năng cao là người đó đã mắc hội chứng nghiện game và cần phải tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia ngay lập tức.
Ảnh hưởng của việc nghiện game?
Chung quy lại tất cả, nghiện trò chơi điện tử là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần bắt buộc, có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong cuộc sống của một người. Nó thường xuất hiện nhiều hơn ở những người dành ra 10 tiếng mỗi ngày để chơi game, đặc biệt là vào ban đêm. Đây cũng là lí do vì sao nhiều người thiếu ngủ và có một chế độ ăn uống không lành mạnh, với thực đơn chủ yếu là các loại nước tăng lực có chứa đường.
Căng thẳng hơn, những người bị nghiện chơi game còn báo cáo rằng họ bị mắc hội chứng agoraphobia – một loại rối loạn lo âu khiến cho người bệnh sợ phải rời khỏi nhà. Các trường hợp nghiện game khác nói chung đều có xu hướng ủ rũ, cáu kỉnh, chán nản, thậm chí là hung hăng về các hành vi, không chịu đến trường hoặc đi làm. Tất nhiên hệ quả là do việc suy giảm các chức năng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống, dẫn đến một cuộc sống độc thân, ăn bám và vật lộn trong việc mưu sinh.
Nghiện game có phải là bệnh lý tâm thần?
Thường thì mọi người hay tranh luận với nhau rằng, những người bị nghiện game thực chất là mang theo mình những vấn đề tâm thần tiềm tàng, điển hình nhất là trầm cảm hoặc hội chứng rối loạn tăng động (ADHD). Tuy nhiên đây lại không phải sự thật. Nó chỉ là một dạng rối loạn sau khi đã hình thành thói quen chơi game và vẫn tiếp xúc với chúng trong thời gian dài. Đối với một số trường hợp, dạng rối loạn chơi game này còn gây suy nhược cơ thể, mất cân bằng sinh học nữa. Mặc dù nghe có vẻ không nguy hiểm lắm nhưng đã có người chết vì chơi game nhiều đến mức không ăn uống gì rồi đấy.
Các hướng đi mới cho những người bị nghiện trò chơi điện tử?
Tất nhiên rồi, muốn thoát nghiện thì phải đi cai nghiện. Hiện nay có rất nhiều phương pháp cai nghiện dành riêng cho những người bị mê hoặc bởi sức hút của trò chơi điện tử. Điển hình như Game Quitters là một cộng đồng lớn hỗ trợ gần như tức thời với hàng trăm video miễn phí, các diễn đàn tranh luận sôi nổi để đưa ra những chương trình cai nghiện hợp lý cho cả game thủ và phụ huynh.
Với một số trường hợp nghiêm trọng hơn cũng sẽ cần các biện pháp điều trị mạnh hơn, tốt nhất là đến lắng nghe và làm theo lời những chuyên gia tâm lý có uy tín trong ngành. Đây cũng có thể là cơ hội cuối cùng đối với những bệnh nhân trầm trọng này.