Nguồn gốc các chủng tộc giả tưởng trong phim ảnh và video game: Dwarf

Dr.Jackal  - Theo Trí Thức Trẻ | 06/10/2016 0:00 AM

Cùng với “Elf”, “Dwarf” là một chủng tộc giả tưởng khác mà rất được mọi người yêu mến bất kể ở trong những bộ phim hay video game.

Trong thế giới giả tưởng của các tác phẩm văn học, cổ tích, phimvideo game có tồn tại vô số những chủng tộc thần bí, được tạo nên từ trí tưởng tượng của con người để lôi cuốn khán giả. Ở loạt bài viết "Nguồn gốc các chủng tộc,” chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về gốc gác, đặc điểm và sự phát triển của từng loài. Lần này, chúng ta sẽ đến với một giống loài rất được yêu mến trong các thể loại giả tưởng như “The Lord of the Rings”, “The Hobbit” hay “World of Warcraft” đó là “Dwarf”:

Cùng với “Elf”, “Dwarf” là một chủng tộc giả tưởng khác mà rất được mọi người yêu mến bất kể ở trong những bộ phim hay video game. Ở thời nay, chủng tộc này thường mang những đặc điểm như thích sống trong hầm núi, giỏi nghề đào mỏ, làm sắt thép, rèn vũ khí, có chiều cao cỡ 1m3 – 1m5, cục mịch và râu tóc um tùm. Tuy nhiên, chủng tộc có bản tính chính trực và đôi phần hài hước này không phải lúc nào mang những đặc điểm đó, và trong suốt chiều dài tồn tại của mình, “Dwarf” cũng đã trải qua một bước tiến hóa đáng kể.

Gốc tích của từ “dwarf” thời xa xưa có rất nhiều nguồn khác nhưng hầu hết đều mang một chủ đề chung là không mấy tốt đẹp gì, luôn luôn đi kèm với một số bản tính xấu xa. Ở trong tín ngưỡng Na Uy cổ đại, “Dwarf” cũng có đến hai truyền thuyết riêng biệt kể về sự khai sinh ra sinh vật này. Một trong số đó nói rằng “Dwarf” được sinh ra từ máu và xương của người khổng lồ Ymir, người đã sử dụng toàn bộ máu thịt của mình để tạo Trái Đất; trong câu chuyện khác lại nói rằng “Dwarf” vốn bắt nguồn từ một sinh vật tương tự ròi bọ gặm nhấm thân xác của Ymir. Mặc dù mang tông sắc đen tối, nhưng nguồn gốc ra đời thứ hai thường được đề cập đến nhiều hơn trong thần thoại Na Uy.

Đúng là “Dwarf” cũng thi thoảng được miêu tả là những thợ rèn xuất chúng trong thần thoại Na Uy, nhưng tổng quan tính cách của họ vẫn mang chiều hướng tiêu cực. Chủng tộc này thường đi kèm với bản tính tham lam, hám dục và đáng nhớ nhất là chuyện giết người rồi thu hoạch lấy máu của anh ta để tạo ra “Mead of Poetry”, một dạng rượu thần thánh mang tới sự thông thái. Góc nhìn này về “Dwarf” còn trở nên tối tăm hơn bởi sự tương đồng của họ với “Troll”, và trên thực tế là ở một số câu chuyện cổ, “Dwarft” cũng sẽ bị hóa thành đá nếu ra ánh mặt trời. Và như đã từng đề cập tới ở bài viết nguồn gốc của loài “Elf”, “Dwarft” còn bị dung nhập với “Dark Elf” dựa theo một số nhà nghiên cứu về truyền thuyết Na Uy.

Ngay cả ở truyền thống Anglo-Saxon xa xưa, “Dwarf” cùng thường được coi là một sinh vật không mấy tốt lành, nên tránh xa và có khả năng mang lại rắc rối cho con người trong giấc ngủ như ác mộng, mộng du, và tê liệt. Điều này có thể coi là một bằng chứng khác cho giả thuyết liên quan tới từ “dream” (giấc mơ) của từ “dwarf. Xa xôi hơn nữa, học giả về thần thoại và chuyện dân gian Lotte Motz cho rằng “Dwarf” đã có mặt từ thời kỳ Đồ Đá Châu Âu bởi bản chất giỏi làm mỏ, thể hiện qua những công trình đá khổng lồ đã hình thành nên cả nền văn hóa của đại lục.

Vậy với một xuất thân hầu như toàn tai tiếng và phức tạp như thế trong quá khứ, làm thế nào mà chúng ta lại có những người “Dwarf” anh hùng như ở thời nay? Câu trả lời không hề bất ngờ khi chuyện đó là nhờ công lao của người đã có ảnh hưởng đến thể loại giả tưởng thần thoại ở một cấp độ vô địch: J.R.R. Tolkien.

Để hiểu một cách trọn vẹn Tolkien đã ảnh hưởng thế nào tới nhận định về “Dwarf”, ta cần phải hiểu một điều quan trọng rằng ông đã tạo ra hình mẫu chủng tộc giả tưởng này dựa theo một chủng tộc người có thật trong cuộc sống, đặc biệt là ở thời điểm ông đang viết sách trong giai đoạn những năm 1930 – 1950 ở Anh Quốc. Và cũng tương tự như “Dwarf”, họ bị phán xét bởi đa số dưới một ánh nhìn tiêu cực: Người Do Thái.

Ta có thể nhận thấy những điểm tương đồng như: Mọi thứ từ văn hóa người “Dwarf” đều tập trung hướng về một vùng đất quê hương mà họ buộc phải phân li xa xứ, cho tới kỹ năng tạo ra những món đồ thủ công tuyệt vời, và cả kiểu tính cách điển hình là có phần tham lam. Sự kết nối này không chỉ được vạch ra bởi các nhà phê bình, mà ngay bản thân ông Tolkien cũng từng viết rằng: “Tôi có nghĩ rằng “Dwarf” giống người Do Thái, vừa thân quen lại vừa xa lạ với nơi ở của họ, nói ngôn ngữ của một đất nước nhưng với một giọng điệu đặc trưng bởi tiếng mẹ đẻ của họ…”

Nhưng để thay đổi hoàn toàn định nghĩa về chủng tộc này, Tolkien đã phải khéo léo vận dụng những điểm tích cực mà người Do Thái đã ảnh hưởng tới Châu Âu. Trong “The Hobbit”, khi đám người “Dwarf” xuất hiện, họ mang tới sự vui vẻ, âm nhạc và nhộn nhịp, kéo Bilbo Baggins khỏi cuộc sống đồng quê, hờ hững với mọi sự trên đời, tương tự như lợi ích mà sự hiện diện của người Do Thái ảnh hưởng lên văn hóa Châu Âu. Ở “The Lord of the Rings”, mối quan hệ tôn trọng lẫn nhau dần dần phát triển giữa Gimli và Legolas đại diện một cây cầu nối giữa người Do Thái và giới quý tộc Châu Âu thời xưa.

Và trong suốt tất cả các tác phẩm của Tolkien, “Dwarf” luôn được đặt ở vị trí của một chủng tộc cao quý, lương thiện, ngay cả khi họ có bắt tay với thế lực bóng tối – tương tự như con người và “Elf” tại một thời điểm nào đó – họ làm thế vì một sự xung đột bắt buộc, chứ không phải ham muốn làm điều ác. Ngoài ra, sự ra đời của tác phẩm kinh điển “Snow White and the Seven Dwarfs” của hãng Disney năm 1937 (cùng thời điểm ra mắt tiểu thuyết “The Hobbit”) cũng đã xây dựng lại hoàn toàn khái niệm về chủng tộc này.

Theo Geek

Wasteland - Sự kiện độc đáo mà mọi fan "Mad Max" hay "Fallout" đều muốn tham dự